
(SGGPO). – Cuối giờ chiều nay, 18-6, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã gặp mặt báo chí thông tin về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014.
Theo đó, tính đến chiều nay, qua báo cáo của 60/63 tỉnh thành, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2014 là 98,99% (năm 2013 là 98,97%); hệ giáo dục thường xuyên là 88,91% (năm 2013 là 78,08%).
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định, kỳ thi cơ bản nghiêm túc. Kết quả kỳ thi đã “chạm vào”, tác động đến việc dạy học ở phổ thông “Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 29 của TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nêu rõ, hướng tới 1 kỳ thi duy nhất sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THPT và là căn cứ quan trọng tuyển sinh ĐH-CĐ”.

Bộ GD-ĐT gặp mặt báo chí thông tin về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014.
Tuy Bộ GD-ĐT khẳng định như vậy, nhưng thực tế là dư luận, các chuyên gia và ngay cả nhiều địa phương đều cho rằng, kết quả này khó mà thực chất, nhiều ý kiến đề xuất bỏ kỳ thi này. Tuy nhiên, ông Trinh nhấn mạnh, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp không nhằm đánh trượt học trò mà dể đánh giá mức độ đáp ứng học phổ thông đến mức nào, từ đó có giải pháp tác động trở lại quá trình dạy và học.
Theo ông Trinh: “Nhiều nước phát triển vẫn tổ chức thi tốt nghiệp. Nhiều nước đã bỏ thi nay thi lại. Cũng như cơ sở sản xuất sản phẩm tiêu dùng phải đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng, nhưng vẫn cần kiểm định chất lượng, giảm phế phẩm và xem chất lượng đến đâu để tăng chất lượng dần và tăng mãi. Thi tốt nghiệp cũng có thể hiểu như vậy. Ngành giáo dục sẽ có sự phân tích kết quả kỳ thi, xem đã đáp ứng chất lượng đến đâu để tăng chất lượng giáo dục”.
Về việc kỳ thi năm nay xuất hiện những hội đồng thi chỉ 1-2 thí sinh thi sử gây lãng phí, ông Mai Văn Trinh cho rằng đó là hệ quả của việc cho phép học sinh thi tự chọn. “Ưu điểm của việc cho học sinh tự chọn là đưa học sinh vào trung tâm quá trình dạy học. Năng lực cá nhân được phát triển. Bộ GD-ĐT tôn trọng lựa chọn của học sinh, tất nhiên sẽ tiếp tục tính toán, điều chỉnh để vừa bảo đảm quy chế, gọn nhẹ, không lãng phí”. Về hiện tượng một số học sinh có số báo danh gần nhau trong một phòng thi và có kết quả thi tương đồng dù trình độ học tập khác nhau, việc chấm thi đã được phân cấp mạnh cho cơ sở. “Sẽ chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài để điều chỉnh các hiện tượng tiêu cực nếu có”, ông Trinh nhấn mạnh.
Nói thêm về các vấn đề liên quan, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, từ đổi mới kỳ thi năm nay, ngành giáo dục xây dựng đề án tiến tới 1 kỳ thi chung để sử dụng kết quả xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. Các trường ĐH-CĐ có thể sử dụng một phần kết quả để làm căn cứ tuyển sinh hoặc toàn bộ.
Theo ông Hiển: “Kỳ thi sẽ tiến tới ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu tốt hơn. Để thi sẽ sát hơn, phân hóa tốt, học giỏi thì đạt điểm cao, yếu điểm thấp. Mục tiêu là làm thế nào để kỳ thi phản ánh khách quan trình độ học sinh. Bộ sẽ nghiên cứu ai tổ chức thi, ai chấm, tổ chức ngân hàng đề thi ra sao, có học kinh nghiệm quốc tế để xây dựng phương án tổ chức kỳ thi. Sau đó lấy ý kiến rộng rãi, trình Chính phủ phê duyệt rồi mới triển khai”.
Trước các chất vấn của báo giới có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT có kết quả không thực chất này không, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “không bỏ nhưng cũng không thi như hiện nay. Phải đổi mới kỳ thi, phản ánh chất lượng đúng hơn, hướng tới kỳ thi ngày càng nhẹ nhàng, đỡ tốn kém, không gây áp lực, cố gắng không gây quá tải”.
Cũng theo Thứ trưởng Hiển, ngành giáo dục sẽ nghiên cứu các giải pháp phòng chống tiêu cực của kỳ thi để bảo đảm thi ngày càng khách quan, trung thực, tiệm cận đến trình độ của kỳ thi ĐH-CĐ như hiện nay. “Như chúng ta thấy, trước năm 2007 thi tốt nghiệp còn có hiện tượng trèo tường, đục tường ném bài, bây giờ thì không còn. Trước còn có giải bài tập thể, dung túng sai phạm, nay đã không có. Kỳ thi năm nay không có hiện tượng cả hội đồng tiêu cực. Một số cá nhân vi phạm đã chỉ đạo xử lý nghiêm túc”, ông Hiển dẫn chứng.
Vẫn ông Hiển khẳng định, ngành giáo dục sẽ tăng cường giáo dục ý thức kỷ luật cho học sinh, giáo viên; tăng cường sự giám sát của xã hội để thi cử ngày càng nghiêm túc. Cùng với đó, việc ra đề thi theo hướng đổi mới, đánh giá được năng lực học sinh sẽ đỡ phao thi, cho học sinh tự chọn môn thi gắn với định hướng nghề nghiệp… từ đó đồng bộ thi tốt nghiệp với xét tuyển ĐH-CĐ.
“Tất cả những điều này sẽ làm giảm tiêu cực thi cử, dần dần có được kỳ thi thực sự khách quan, trung thực. Cá nhân tôi cho rằng, kết quả thi tốt nghiệp năm 2014 chưa sát thực tế 100%. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục phân tích để đưa ra giải pháp đổi mới thi cử, phản ánh đúng thực tế hơn vào kỳ thi năm sau”, ông Hiển cam kết.
PHAN THẢO