Thủ tục xây dựng sẽ không còn “hành” doanh nghiệp?

1 năm và ít hơn nữa?

Tại hội thảo về “Hoàn thiện cơ chế chính sách và các thủ tục hành chính đối với các dự án kinh doanh bất động sản” tại TPHCM do Bộ Xây dựng và Hiệp hội bất động sản TP tổ chức tại TPHCM ngày 27-6, Bộ Xây dựng cho biết sẽ trình Chính phủ theo hướng rút ngắn thời gian phê duyệt dự án còn tối đa 1 năm.

1 năm và ít hơn nữa?

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín hoan nghênh các ý kiến đóng góp của DN và đề nghị Hiệp hội Bất động sản TP tập hợp tất cả các ý kiến gửi về UBNDTP để đề xuất Bộ Xây dựng điều chỉnh kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình triển khai thủ tục đầu tư. Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Hữu Tín cũng cam kết chính quyền TPHCM sẽ kiên quyết chấn chỉnh thái độ làm việc của các cán bộ, đặc biệt là cán bộ làm việc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, đồng thời xử lý ngay những cán bộ có dấu hiệu nhũng nhiễu.

Hiện các doanh nghiệp (DN) bất động sản đang than thở thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng rất phúc tạp và tốn nhiều thời gian, trung bình mỗi dự án phải thực hiện 33 khâu thủ tục và thời gian thẩm định mất 3 năm. Đại diện một DN cho biết, không chỉ 33 khâu thủ tục mới mất 3 năm mà có những trường hợp chỉ một khâu thôi đã mất hơn 3 năm.

Cụ thể là Công ty Thành Thủy tại quận 8 xin thẩm định quy hoạch chi tiết (QHCT) 1/500 từ ngày 2-12-2004 đến ngày 23-5-2008 mới xong, tức mất thời gian 3 năm 5 tháng 21 ngày; Công ty Đất Lành từ khi xin thỏa thuận chủ trương quy hoạch đến khi trình Sở Quy hoạch-Kiến trúc thẩm định thôi cũng đã mất 1 năm 4 tháng 13 ngày…

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng thà luật “mở mà kín” còn hơn “đóng mà mở”, từ đó, ông Đực mạnh dạn đề xuất rút ngắn hơn và gom một số thủ tục lại như: chủ đầu tư (CĐT) có thể thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng cùng một lúc với việc xin giao thuê đất; tùy từng dự án cụ thể mà việc bồi thường, giải phóng mặt bằng có thể thực hiện theo nhiều giai đoạn và hình thức cuốn chiếu; việc động thổ, khởi công dự án được thực hiện ngay sau khi CĐT đã giải phóng mặt bằng mà không phải chờ việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Đực cũng đề nghị sau khi QHCT 1/500 được duyệt và thiết kế được CĐT phê duyệt thì dự án được khởi công xây dựng các công trình hạ tầng và phần móng. Theo ông Đực, nếu thực hiện theo quy trình rút gọn trên thì chỉ mất khoảng 4 tháng chứ không cần đến 1 năm. Ông cũng kiến nghị Bộ Xây dựng cho áp dụng thí điểm quy trình trên đối với những dự án nhỏ. Để khắc phục vấn đề này, ông Chu Văn Chung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ xây dựng) cho biết bộ sẽ trình Chính phủ quy trình thủ tục đầu tư xây dựng được rút ngắn từ 33 bước xuống còn 8 bước và thời gian phê duyệt dự án chỉ còn khoảng 1 năm thay vì 3 năm như hiện nay.

Còn có 1% - 2% vẫn không thực hiện được (?!)

Với quy trình thủ tục được Bộ Xây dựng rút ngắn như trên, rất nhiều DN hoan nghênh và cho rằng đây là một cuộc cải cách hành chính mạnh đối với khâu thủ tục xây dựng. Tuy nhiên các DN cũng băn khoăn việc tinh giản thủ tục cho DN nhưng dồn gánh nặng cho Nhà nước thị liệu có khả thi hay không. Ông Đặng Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Địa ốc Thanh Bình cho rằng, Bộ Xây dựng cần phối hợp với bộ-ngành liên quan để trình Chính phủ ban hành cơ chế tự động hóa đối với 8 bước thủ tục, trong đó có liên quan đến cán bộ thụ lý hồ sơ.

Cụ thể, cứ theo quy định bao nhiêu ngày mà cán bộ thụ lý thực hiện không đúng thời gian quy định thì coi như khâu đó đã được phê duyệt và chuyển qua khâu khác.  Trả lời một DN về việc đã nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng, nhưng quá thời gian quy định vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền trả lời, Thứ Trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên cho biết, theo quy định, nếu sau 15 ngày quá hạn kể từ khi nộp hồ sơ hợp lệ mà cơ quan thẩm quyền chưa trả lời, DN có thể khởi công dự án. Mặc dù Thứ trưởng trả lời như thế nhưng nhiều DN cho rằng những quy định trên không đưa cụ thể vào quy trình thì sẽ chẳng có DN nào dám làm.

Cũng như việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tại rất nhiều cuộc họp, lãnh đạo Bộ Xây dựng đều đồng ý chủ trương các dự án được đền bù khoảng 80% thì  chính quyền địa phương sẽ giúp DN cưỡng chế, thu hồi phần đất còn lại nhưng đến nay vẫn chưa có một dự án nào được cưỡng chế vì những chủ trương trên chưa được quy định cụ thể bằng bất cứ văn bản nào. Rất nhiều các dự án tại TPHCM đã đền bù đến 98%-99% nhưng chỉ còn 1 hộ dân không đồng ý thôi thì cả dự án phải nằm yên đó. Các DN đã khẩn thiết kiến nghị Bộ Xây dựng đưa quy định này vào quy trình một cách cụ thể, rõ ràng để giúp DN trong vấn đề giải phóng mặt bằng.

Hạnh Nhung

Quy trình mẫu về thủ tục thực hiện dự án xây dựng do Bộ Xây dựng đề xuất gồm 8 bước:

- Cung cấp thông tin quy hoạch.

- Giao cho nhà đầu tư lập QHCT 1/2000.

- Giao chủ đầu tư.

- Lập, thẩm định phê duyệt QHCT 1/500 của dự án.

- Lập, thẩm định, phê duyệt dự án.

- Giao đất, cho thuê đất.

- Bồi thường, giải phóng mặt bằng.

- Thiết kế, khởi công, động thổ.

Tin cùng chuyên mục