(SGGPO).- Chiều 28-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 (AMME 13), Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3 lần thứ 14.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nêu, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh lương thực và nguồn nước…đã trở thành vấn đề lớn của khu vực và toàn cầu, không một quốc gia hay cường quốc nào đủ sức giải quyết mà cần có sự hợp tác của cộng đồng quốc tế.
Vì vậy, nhiệm vụ của mỗi quốc gia là phải tập trung phát triển kinh tế và bảo vệ tốt môi trường; coi bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững – đồng chí Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Thủ tướng nhận định, năm 2015 là mốc lịch sử quan trọng đối với ASEAN, khi Cộng đồng ASEAN được thành lập dựa trên 3 trụ cột chính là chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Cùng với toàn cầu, các quốc gia thành viên ASEAN luôn coi trọng công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Hợp tác về bảo vệ môi trường là một trong những lĩnh vực được đưa ra ngay từ những thập kỷ đầu tiên khi mới thành lập ASEAN và luôn được các quốc gia thành viên quan tâm thúc đẩy.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Tôi vui mừng biết rằng tổng thể môi trường khu vực ASEAN được duy trì, đảm bảo cho sức khỏe và hệ sinh thái; một số nước ASEAN được xếp hạng cao về chỉ số hiệu suất môi trường (EPI). ASEAN đã hoàn thành việc triển khai các hành động hợp tác về đảm bảo môi trường bền vững trong Kế hoạch tổng thể Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN giai đoạn 2009-2015”.
Thủ tướng cũng cho hay Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Malaysia tháng 11-2015 sẽ thông qua Kế hoạch tổng thể Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN, trong đó có nội dung tăng cường hợp tác về bảo vệ môi trường trên một số lĩnh vực ưu tiên như tiêu dùng và sản xuất bền vững; quản lý, xử lý an toàn chất thải và hóa chất; bảo tồn và quản lý bền vững đa dạng hệ sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên; tạo dựng các đô thị bền vững về môi trường; ứng phó với các thảm họa...
Đối với Việt Nam, mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả bước đầu về bảo vệ môi trường, nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường ở một số khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và làng nghề; tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững.
Theo cảnh báo của các chuyên gia môi trường quốc tế, trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức công tác bảo vệ môi trường, tính trung bình GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi khoảng 3% GDP.
“Trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, Việt Nam coi bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh và hướng tới người dân - phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe, thể chất của nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng Hội nghị các Bộ trưởng Môi trường ASEAN và các đối tác ASEAN+3 lần này sẽ đề ra định hướng và những chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể, thiết thực nhằm đảm bảo bền vững môi trường, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.
ANH PHƯƠNG