* Nhiều ngân hàng Việt Nam được tôn vinh
(SGGPO). - Sáng nay 11-5, Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các ngân hàng châu Á lần thứ 17 (The Asian Banker Summit 2016) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và The Asian Banker đồng tổ chức đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Tới dự và phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ chủ đề của Hội nghị lần này là “Các đột phá mới” - phản ánh tầm nhìn dài hạn với quyết tâm thực hiện đổi mới sáng tạo, hướng tới một cộng đồng tài chính ngân hàng năng động, hiệu quả, vượt qua thách thức để cùng phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong hơn 30 năm qua, Việt Nam đã kiên trì theo đuổi đường lối đổi mới đồng bộ và toàn diện trên mọi mặt của nền kinh tế và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tăng trưởng kinh tế đạt bình quân khoảng 6,6%/năm, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình với nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường, từng bước áp dụng mô hình quản trị hiện đại, tiệm cận dần với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Trong đó, ngành ngân hàng Việt Nam là một trong những ngành luôn tiên phong trong công cuộc đổi mới, thực hiện tốt vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới của quá trình phát triển với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và hướng tới phát triển bền vững với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% trong giai đoạn 2016-2020.
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ và là một trong ba quốc gia Đông Á tăng trưởng khởi sắc trong năm 2015; đồng thời nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ ổn định và sẽ là một trong hai nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong năm 2016.
Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các ngân hàng châu Á lần thứ 17
"Nhận thức rõ những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu và vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ Việt Nam khẳng định tiếp tục đổi mới toàn diện nền kinh tế, thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh để hội nhập quốc tế, hướng tới phát triển bền vững" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đồng thời, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, từng bước tiếp cận chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát huy mạnh mẽ dân chủ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển và coi doanh nghiệp là động lực của phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, từ nay đến năm 2020 sẽ mở ra không gian thương mại tự do rộng lớn giữa Việt Nam với 55 đối tác, bao gồm tất cả thành viên Nhóm G7 và 15 thành viên của G-20.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước xác định cải cách ngân hàng là một tất yếu khách quan và nhu cầu nội tại của hệ thống, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục để chủ động đối phó với những khó khăn, biến các thách thức thành cơ hội phát triển bền vững trong tương lai. Thống đốc khẳng định thời gian tới, ngành ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hội nhập với khu vực tài chính khu vực và thế giới, không ngừng nâng cao năng lực, áp dụng chuẩn mực quốc tế, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.
*Trong khuôn khổ Hội nghị Asian Banker Summit 2016, nhiều ngân hàng Việt Nam được tôn vinh ở nhiều hạng mục khác nhau.
Trong số 10 lãnh đạo ngân hàng được nhận giải thưởng Thành tựu lãnh đạo Ngân hàng châu Á năm 2016 có ông Lê Công, Tổng Giám đốc NHTMP Quân đội (MB). Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng Việt Nam được trao nhiều hạng mục giải thưởng khác nhau. Cụ thể, giải thưởng Dịch vụ cho vay lưu động tốt nhất Việt Nam được trao cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank); Sáng kiến thương hiệu tốt nhất Việt Nam thuộc về Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB); Dịch vụ thẻ tín dụng tốt nhất Việt Nam được trao cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Dịch vụ tiền gửi ngân hàng tốt nhất Việt Nam trao cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB); Dịch vụ ngân hàng điện tử tốt nhất Việt Nam trao cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (Tien Phong Bank); Dịch vụ tài chính vi mô tốt nhất Việt Nam trao cho Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank); Sản phẩm cho vay nhà ở tốt nhất Việt Nam trao cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Sáng kiến Mạng xã hội tốt nhất Việt Nam trao cho Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).
Một số ngân hàng Việt Nam còn được trao giải thưởng về ứng dụng công nghệ. Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, việc các ngân hàng Việt Nam được nhận giải thưởng của The Asian Banker thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế và khu vực đối với những thành quả cải cách mà Việt Nam đã đạt được. Tất cả những điều này đã chứng minh cho đường lối cải cách của Việt Nam đang đi đúng hướng, tạo thêm niềm tin và động lực để hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách.
HÀM YÊN