Thủ tướng Phạm Minh Chính: Biến cam kết đầu tư thành của cải vật chất

Thủ tướng mong các nhà đầu tư đến với Việt Nam nói chung và Hậu Giang nói riêng với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; tâm, tài, trí, tín; chân thành, trách nhiệm”...
Thủ tướng Phạm Minh Chính xem mô hình quy hoạch tỉnh Hậu Giang tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính xem mô hình quy hoạch tỉnh Hậu Giang tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022. Ảnh: TTXVN

Trong chương trình công tác tại tỉnh Hậu Giang, sáng 16-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 với chủ đề “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước, cùng lãnh đạo các tỉnh trong khu vực.

Đón các làn sóng đầu tư

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự có mặt của đại diện các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư; tin tưởng những dự án được trao quyết định đầu tư, những cuộc gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư hôm nay sẽ khởi nguồn cho dòng chảy đầu tư mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của Hậu Giang trong thời gian tới.

Thủ tướng mong các nhà đầu tư đến với Việt Nam nói chung và Hậu Giang nói riêng với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; tâm, tài, trí, tín; chân thành, trách nhiệm”; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác, khẳng định uy tín, nói đi đôi với làm; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực. Các nhà đầu tư cần đề cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động; quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa; đồng hành với chính quyền trên tinh thần cùng thắng, cùng phát triển. 

“Các doanh nghiệp đã ký kết đầu tư tại Hậu Giang thì phải triển khai dự án; tập trung đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, chứ không nên chỉ ưu tiên phát triển bất động sản; biến cam kết đầu tư thành của cải vật chất, để người dân Hậu Giang được hưởng ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng lưu ý.

Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa khẳng định, Chính phủ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương để kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường và hỗ trợ thỏa đáng cho người dân, tạo điều kiện cho người dân địa phương được đào tạo nghề, có công ăn việc làm, phúc lợi xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tập trung phát triển 4 lĩnh vực

 Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án đầu tư vào tỉnh Hậu Giang, với tổng vốn 19.000 tỷ đồng; chứng kiến lễ ký kết ghi nhớ, hợp tác đầu tư và chủ trương đầu tư cho 10 nhà đầu tư, với tổng số vốn hơn 204.000 tỷ đồng; chứng kiến  lễ ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức với tỉnh Hậu Giang; chứng kiến các doanh nghiệp nhà nước trao 28 tỷ đồng tài trợ xây dựng các trường học và tặng quà cho người có công tỉnh Hậu Giang.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2022, Hậu Giang trở thành điểm sáng của ĐBSCL khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11%, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất vùng ĐBSCL. Hậu Giang nằm ở trung tâm tiểu vùng Nam sông Hậu, với lợi thế thuận lợi cho giao thương cả đường bộ lẫn đường thủy.

Đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết: “Tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn rất lớn. Hầu hết các dự án này hướng đầu tư vào 4 lĩnh vực mà tỉnh mời gọi đầu tư, đó là: công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch”.

Ông Han Jae Jin, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết, Việt Nam đã tạo ra một cơ cấu kinh tế mở và độc lập trong thời điểm khó khăn. ĐBSCL là nơi được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án xây dựng cơ sở hạ tầng này. Trong đó, Hậu Giang - trung tâm cơ sở hạ tầng hậu cần của ĐBSCL - có thể xây dựng nên câu chuyện thành công hiệu quả nhất. 

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định, Hậu Giang đã làm tốt về kêu gọi đầu tư vào địa bàn, là điểm đến hấp dẫn và an toàn. Tới đây, Hậu Giang cần chuẩn bị tốt hơn về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để đón đầu các dự án dịch chuyển từ nước ngoài và các địa phương lớn về ĐBSCL. Bộ KH-ĐT sẽ đồng hành cùng tỉnh trong tăng cường phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.

Chiều 16-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng năm 2015, có công suất 1.200MW (2x600MW), đưa vào vận hành thương mại từ ngày 6-5-2022. Đến nay đã phát điện, cung cấp cho hệ thống điện quốc gia trên 2 tỷ kWh.


Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát nút giao giữa 2 dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh Hậu Giang là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Tin cùng chuyên mục