Thủ tướng yêu cầu Đắk Lắk, Quảng Nam kiểm điểm trách nhiệm để xảy ra phá rừng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan đến các vụ vi phạm khai thác gỗ trái phép trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Cụ thể, trên cơ sở báo cáo kết quả xử lý các vụ vi phạm khai thác gỗ trái phép xảy ra trên địa bàn huyện Ea Súp của UBND tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các chủ rừng (Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ea H'mơ và Ya Lốp), UBND huyện Ea Súp, Hạt kiểm lâm Ea Súp, UBND 4 xã (Ia J'lơi, Ia J'lốp, Ea Rôk, Cư Kbang) tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan đến các vụ vi phạm khai thác gỗ trái phép trên địa bàn, xử lý theo quy định. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý việc khai thác, mua, bán, vận chuyển gỗ rừng tự nhiên trái phép theo đúng các quy định của pháp luật.

Trước đó, báo  chí phản ánh, không chỉ rừng tự nhiên bị chặt phá nằm ngổn ngang trong rừng mà tại các trạm quản lý, bảo vệ rừng của các công ty lâm nghiệp nằm ở bìa rừng cũng như trước cổng UBND xã Ia Jlơi, nhiều đống gỗ được tập kết về đây và cả những phách gỗ vuông, tròn chất thành những đống lớn hai bên đường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm phá rừng tự nhiên tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Đồng thời chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, sai phạm của các đơn vị, cá nhân liên quan và xử lý nghiêm nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ rừng, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội ngày 31-10, nhiều ĐBQH bày tỏ lo lắng về tình trạng phá rừng hiện nay vẫn diễn biến nghiêm trọng. Các ĐBQH đều đề nghị kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)  thậm chí bức xúc cho rằng những vụ phá rừng lớn vừa qua nói lên sự vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ, thể hiện tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, Trung ương rất quyết liệt nhưng địa phương thờ ơ. ĐB Cương  cho rằng nếu không có tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm bảo kê thì lâm lặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy. “Một trạm kiểm lâm đóng gần đó nhưng mỗi đêm có khoảng 80-100 xe máy chở 4 xúc gỗ/xe đi qua, mỗi xe phải nộp 300-400.000 đồng "tiền tiêu cực" cho kiểm lâm. “Không biết bao giờ lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng mới thành hiện thực?”, ĐB Nguyễn Sỹ Cương bức xúc.

Tin cùng chuyên mục