Tại một căn hộ chung cư ở Collingwood, ông David Arnold đã tìm được cho mình một chiếc áo khoác. Dù không phải là cư dân của chung cư này, ông David vẫn được chào đón tại “thư viện” quần áo miễn phí tại đây. “Mọi người khó khăn đều được hoan nghênh. Tôi thực sự cảm kích. Nếu các bạn cần quần áo, có thể đến đây để xem thử”, ông David nói.
Theo kênh SBS, sáng kiến chia sẻ quần áo, đồ dùng miễn phí này bắt nguồn từ một nhân viên bảo vệ, khi người này muốn tặng vài đôi giày cho bất cứ ai cần đến. Bà Alanta Colley thuộc nhóm chia sẻ của chung cư ở Collingwood, cho hay từ xuất phát điểm đó, họ đã kêu gọi sự ủng hộ qua trang mạng xã hội và quần áo cùng nhiều vật dụng, từ giày dép cho đến đồ chơi được gửi đến. Các tình nguyện viên sắp xếp mọi thứ và mở một gian hàng miễn phí trong tòa nhà, giúp mọi người có được những món đồ cần thiết, cũng như để thuận tiện cho việc hiến tặng.
Bà Nura Awata, một quản lý của tổ chức y tế cộng đồng phi lợi nhuận Cohealth, cho biết “thư viện” quần áo đã trở thành một trung tâm xã hội cho cộng đồng. “Không chỉ dừng lại ở quần áo, đây còn là nơi gắn kết cộng đồng”, bà Nura Awata nói.
Bà Harley Augustine, cư dân của tòa nhà, cho hay bà vừa là người nhận cũng là người hiến tặng của “thư viện” quần áo. Chào đời ở quần đảo Cook, bà Harley cho biết việc tặng một vài bộ trang phục truyền thống của quê nhà không chỉ là chia sẻ y phục mà còn là nền văn hóa.
“Là một người yêu thích văn hóa nên được chiêm ngưỡng các nền văn hóa khác nhau qua trang phục thật sự là một điều tuyệt vời”, bà Harley chia sẻ. Bộ trưởng Nhà ở và Các vấn đề đa văn hóa bang Victoria, ông Richard Wynne, cho biết “thư viện” quần áo đã cổ vũ cho sự hiểu biết đa văn hóa tại các tòa nhà chung cư do chính phủ xây dựng.
Giá tiêu dùng đã tăng 2,1% trong tháng 3 vừa qua, trong khi đó, giá tiêu dùng hàng năm đã ở mức cao nhất trong 20 năm qua, ở mức 5,1%. Ông Wynne cho rằng sáng kiến cộng đồng như “thư viện” quần áo hiện đáp ứng nhu cầu cấp bách cho những người sống trong các tòa chung cư do chính phủ xây dựng, vốn là những người nghèo nhất trong xã hội Australia. “Các hóa đơn điện, nước rõ ràng là gánh nặng cho những người có thu nhập thấp. Vậy nên những chương trình cộng đồng như thế này có thể giúp đỡ phần nào cho họ”, ông Wynne nói.
Theo bà Nura Awata, “thư viện” quần áo và đồ dùng trở thành nơi gặp gỡ cộng đồng, giúp người dân dễ dàng đối thoại với nhau cũng như hỗ trợ về mặt sức khỏe và xã hội. “Chúng tôi có thể trò chuyện với mọi người, thông báo cho họ các sự kiện sắp tới như buổi pinic để chủng ngừa, hay nếu có những nhu cầu về y tế hoặc xã hội, họ có thể trao đổi với chúng tôi”, bà Nura Awata cho biết. “Thư viện” chia sẻ miễn phí được đánh giá là rất thành công và mô hình này được nhân rộng đến các tòa nhà chung cư khác, và từ đó giúp đỡ được rất nhiều hoàn cảnh khó khăn.