Thúc đẩy khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực

Ngày 6-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11. Phiên họp thống nhất đánh giá, kinh tế - xã hội tháng 11 tiếp tục xu hướng tích cực. 

Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.

Năm 2024, phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5%

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, sức ép lạm phát vẫn cao; tiếp cận tín dụng, thị trường bất động sản còn khó khăn, vướng mắc; một số cơ quan, đơn vị, cá nhân ngại việc, né tránh trách nhiệm… Do vậy, trong tháng 12, phấn đấu đạt kết quả cao nhất với các chỉ tiêu khó đạt như đã báo cáo Quốc hội, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng GDP, tăng năng suất lao động, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo…

g1b-1138.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2023. Ảnh: TTXVN

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 12 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu trước hết cần tập trung tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả, toàn diện các nghị quyết, kết luận của Trung ương; các luật, nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2024... đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6; tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu chưa đạt trong kế hoạch năm 2023.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Trong đó, thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế - xã hội theo nghị quyết của Bộ Chính trị và các chương trình, kế hoạch của Chính phủ; tập trung phát triển kinh tế tại các đô thị lớn để tiếp thêm động lực cho tăng trưởng; tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực, thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực chip bán dẫn, linh kiện; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công… phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2023.

Các cấp, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; thúc đẩy khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tiếp tục thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư...

Tại họp báo Chính phủ chiều 6-12, trao đổi về mục tiêu tăng trưởng là 6%-6,5% trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, bộ đang chủ trì xây dựng Nghị quyết số 01 của Chính phủ sẽ trình ra phiên họp Chính phủ với các địa phương vào đầu tháng 1-2024. Dự thảo nghị quyết nhấn mạnh trong năm 2024, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%-6,5%.

Đề xuất thử nghiệm giá bán điện 2 thành phần

Về giá bán lẻ điện bậc thang, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, rất nhiều nước, trong đó có các nước phát triển, đã áp dụng giá điện cho mục đích sinh hoạt theo các bậc, với giá điện bậc thang sau cao hơn bậc thang trước, tương tự như Việt Nam.

Về giá điện 2 thành phần, kinh nghiệm áp dụng tại các nước cho thấy, giá bán điện 2 thành phần gồm giá công suất (tính theo kW) và giá điện năng (tính theo kWh) chỉ áp dụng cho khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất và kinh doanh. Cơ chế giá này không áp dụng cho các khách hàng sử dụng cho sinh hoạt. Do đây là cơ chế mới nên cần nghiên cứu, thử nghiệm kỹ lưỡng, tránh tác động quá lớn tới các nhóm khách hàng.

Về ưu điểm của biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc, Thứ trưởng cho biết, các hộ có mức sử dụng điện từ 710 kWh trở xuống (chiếm khoảng 98% số hộ) sẽ có tiền điện phải trả giảm đi so với cách tính hiện hành là 6 bậc. Nhưng, nhược điểm là tiền điện của các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm. Như vậy, tổng thể của phương pháp tính vẫn giữ nguyên, chỉ là có sự tăng lên giảm xuống tương ứng giữa các thành phần khách hàng sử dụng điện.

Tin cùng chuyên mục