Hiệp hội các nhà nhập khẩu Đức

Thuế chống phá giá đối với giày da nhập khẩu là sự bảo hộ mậu dịch

Thuế chống phá giá đối với giày da nhập khẩu là sự bảo hộ mậu dịch

Phản ứng trước đề nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về việc áp đặt thuế chống bán phá giá đối với giày da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam, Hiệp hội các nhà nhập khẩu hàng thành phẩm Đức (VFI) ra tuyên bố nêu rõ biện pháp trừng phạt này hoàn toàn không có cơ sở mà chỉ nhằm bảo hộ mậu dịch đối với các nhà sản xuất giày ở Đông và Nam Âu.
 

Thuế chống phá giá đối với giày da nhập khẩu là sự bảo hộ mậu dịch ảnh 1
Giày Trung Quốc sẽ bị đánh thuế cao khi vào thị trường châu Âu.

Theo VFI, từ năm 1993, ngành giày trên khắp thế giới đều biết quyết định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về tự do hóa buôn bán giày trên thế giới kể từ năm 2005. Với việc Trung Quốc gia nhập WTO tháng 12-2001 thì việc nhập khẩu giày từ nước này cũng được miễn hạn chế từ năm 2005.

Quy định này cũng được quyết định áp dụng đối với Việt Nam từ cuối năm 2004, mặc dù nước này chưa phải là thành viên WTO, vì nếu không sẽ bị coi phân biệt đối xử trong chính sách thương mại với các nước láng giềng. Người ta đã sớm biết lợi thế về tiền lương thấp của Trung Quốc và Việt Nam so với các nước EU cũng như các nước khác như Brazil.

Vì vậy, các nhà sản xuất và nhập khẩu giày châu Âu đã tăng cường đưa sản xuất sang Trung Quốc và Việt Nam cũng như nhập khẩu từ những nước này để tăng cường khả năng cạnh tranh. Việc EC lấy giá giày của Trung Quốc để so sánh với giá giày của Brazil, coi Trung Quốc là chưa có nền kinh tế thị trường để so với Brazil là khiên cưỡng và độc đoán vì chất lượng da của hai nước này không thể so sánh với nhau cũng như tiền lương trên một giá thành sản phẩm.
 
Trong diễn biến khác có liên quan, tờ Wall Street ra ngày 22-2 khẳng định các doanh nghiệp sản xuất giày xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc đã quyết định hợp tác trong việc phản đối Liên minh châu Âu (EU) tăng thuế nhập khẩu mặt hàng này trên thị trường châu Âu.

Theo đánh giá của các nhà quan sát, nỗ lực của Việt Nam và Trung Quốc đã đạt kết quả khả quan, bởi vì EU có thể sẽ không đưa sản phẩm giày thể thao vào danh mục mặt hàng chịu mức thuế kể trên. Một nhóm hơn 20 doanh nghiệp xuất khẩu giày của Việt Nam và Trung Quốc cũng đã thuê hãng luật “White & Case” của Mỹ làm đại diện cho quyền lợi của mình. Các mặt hàng giày của Việt Nam và Trung Quốc hiện chiếm hơn 60% kim ngạch nhập khẩu giày của EU, ước đạt 4 tỷ USD/năm.  

H.CH. (Theo TTXVN, Wall Street)

 Ngành da giày gia công thì không thể bán phá giá

Theo Hiệp hội da giày Việt Nam, hiện nay, đa số các DN Việt Nam tham gia xuất khẩu trực tiếp chủ yếu làm gia công cho các hãng lớn, có quy mô nhỏ, kỹ thuật sản xuất và công nghệ kém, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh yếu nên không thể có khả năng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho ngành da giày của EU.

 H.D.V.

Tin cùng chuyên mục