Thung lũng đào hoa của nghệ nhân quá cố Bùi Văn Lời (Mười Lời) nằm trên đường Lê Hồng Phong TP Đà Lạt, trước đây có tấm bảng đóng vào gốc cây đầu ngõ đề chữ “Thung lũng đào hoa”. Chiều nay, khi tôi trở lại, vẫn tấm bảng đó nhưng có thêm hai chữ “Mười Lời - Thung lũng đào hoa”.
Anh Bùi Văn Sang bên cây chanh yên
Có lẽ Bùi Văn Sang, người con trai thứ năm kế nghiệp ông Mười Lời muốn ghi khắc tên tuổi cha mình vào vương quốc hoa này, nơi tâm huyết cả đời của người nông dân gốc Quảng từng gắn bó với Đà Lạt ngàn hoa. Không chỉ thế, anh còn đưa danh tiếng nơi này lẫy lừng hơn, vang xa hơn.
Nối bước đam mê
23 tuổi, ông Mười Lời từ Đại Lộc, Quảng Nam khăn gói vào TP Đà Lạt lập nghiệp. Rời cây lúa, cây mì, người nông dân trẻ bắt đầu trồng rau củ và hoa. Càng dấn sâu vào nghề, ông càng thấy mình có duyên với hoa nên đã kiên trì học hỏi, nghiên cứu kỹ thuật lai ghép… cho đến khi vang danh nghệ nhân. Cả một đời trồng - ghép hoa, nghệ nhân Mười Lời từng tạo nên hai kỳ tích. Trước tiên là việc đem đào Nhật Tân về ghép vào anh đào Đà Lạt để cho ra giống hoa mới mà ngày nay, người dân Đà Lạt nào cũng biết với tên gọi “Hoa đào Mười Lời”. Từ năm 2000, hoa đào ghép đã nở thắm trong khu vườn số 15A Lê Hồng Phong (Đà Lạt), góp thêm hương sắc cho xứ sở ngàn hoa. Cái tên “Thung lũng đào hoa” xuất hiện từ đó. Nhiều năm liền, hoa đào Mười Lời đã góp mặt trong Hội Hoa xuân Đà Lạt, Hội Hoa xuân TPHCM; những loài hoa bích đào, liễu đào đã liên tục khoe sắc, khoe hương trong ngày tết, làm say đắm lòng khách yêu hoa. Và loại hoa đào mới đã làm nhịp cầu nối thủ đô với thành phố ngàn hoa Đà Lạt.
Kỳ tích thứ hai là hoa nhật quỳnh. Mọi người đều biết hoa quỳnh thường nở và tàn trong đêm, loài hoa có vẻ đẹp kiêu sa và mùi hương ngạt ngào. Ông Mười Lời sau khi tìm hiểu cách chong đèn cho thanh long ra trái theo ý muốn của những nhà vườn Bình Thuận, liền nảy ra ý định “bắt” hoa quỳnh nở vào ban ngày. Ông đã ghép những bẹ quỳnh vào gốc thanh long và kiên trì chờ đợi suốt 5 năm liền để đến năm 2005, những nụ hoa li ti xuất hiện trên bẹ quỳnh trong niềm vui khôn xiết của người làm vườn. Vậy là thung lũng đào hoa lại có thêm giống nhật quỳnh. Những bông quỳnh nở ban ngày có đến 5 màu: trắng, đỏ, hồng, vàng, cam.
Trong hành trình của vị chủ nhân thung lũng đào hoa, có anh Bùi Văn Sang là người con hợp tính cha nhất và lúc nào cũng đồng hành với ông. Trong khi ông Mười ra Bắc vào Nam thì Sang “trụ” ở nhà để cặm cụi, kiên trì cấy ghép, chăm sóc các loài hoa mới. Trong những huy chương vàng, bạc, bằng khen, giấy khen mà nghệ nhân Mười Lời trưng bày trang trọng trong phòng truyền thống nhà ông, đều có mồ hôi, công sức của chàng trai này. Bởi thế, tôi không hề ngạc nhiên khi trở lại “Mười Lời - Thung lũng đào hoa” gần 6 năm sau ngày mất của cố nghệ nhân Mười Lời, vẫn thấy vườn cũ có thêm rất nhiều hoa, những loài hoa “độc chiêu” từ bàn tay của người kế nghiệp Bùi Văn Sang, chủ nhân mới của “Vương quốc hoa” Đà Lạt.
Kỳ tích kế thừa
Bùi Văn Sang tâm sự: “Sau khi ba tôi mất (năm 2009), các loại đào do ông ghép trước đây vẫn được tôi duy trì “nòi giống” đến tận bây giờ. Hơn thế, riêng tôi còn muốn “chơi cây” thêm hướng khác là sưu tầm những gốc đào lạ và hiếm của xứ hoa Đà Lạt để bổ sung vào bộ sưu tập hoa đào Mười Lời”. Và anh nhân viên ngành viễn thông ấy, cứ hết giờ làm việc lại quay về làm nông trên 6 công vườn nhà.
Quả thật vậy, mấy năm rồi, vườn hoa Mười Lời do Sang tiếp quản đã bao lần thêm hoa quý, hiếm, rạng rỡ sắc hương. Hành trình không mệt mỏi của người cha đã được đứa con trai tiếp nối và mỗi lần đến vương quốc hoa nổi tiếng của xứ ngàn hoa này, khách tham quan bao giờ cũng thú vị bởi những điều mới mẻ, diệu kỳ.
Trước hết có “hoa đào thất thốn”, còn gọi “đào tiến vua”; một cây đào cổ cực quý ở Hà Nội, chỉ có trong vườn hoa Nhật Tân và nay gần như chỉ còn vài người giữ được giống. Gọi “thất thốn” vì mỗi năm, thân cây hoa này chỉ phát triển tối đa 7cm, khi nở hoa mỗi cành cũng chỉ 7 bông. Chỉ vào cây đào thất thốn, Sang cho biết, đào thất thốn Đà Lạt là giống riêng, được nghệ nhân Vũ Hữu Sửu phục dựng giống vào năm 1968 nhưng mãi đến năm 1996, nghệ nhân Mười Lời mới ghép thành công lên cây đào Đà Lạt. Và Sang đã tiếp tục chăm bón, nhân ra cho đến nay. Sau nhiều cố gắng, anh đã có được khoảng 20 gốc đào thất thốn, cây lớn nhất có tuổi thọ gần 50 năm. Với kinh nghiệm của mình, Sang đã “ép” được loại hoa cực hiếm này trổ hoa vào dịp tết để mang đến Hội Hoa xuân TPHCM và giành được huy chương vàng năm 2010.
Năm 2011, ông chủ trẻ vườn hoa Mười Lời lại đem đến Hội Hoa xuân TPHCM một giống hoa cực quý khác - bạch đào. Đây là loại đào có màu trắng muốt, cũng khó tính không kém đào thất thốn; trước đây chỉ có ở Phú Thượng, Nhật Tân (Hà Nội) thì nay đã nở hoa ở “Mười Lời - Thung lũng đào hoa” và đem về cho Bùi Văn Sang huy chương bạc. Nhiều người trồng hoa kỳ cựu xứ Bắc, khi nói về giống bạch đào này cũng phải thán phục sự kỳ công của người trồng nó. Loại hoa đào này có sự quyến rũ lạ lùng mà không loại hoa nào sánh được; họa chăng chỉ có nhất chi mai, một loài hoa cổ tinh khiết, tỏa hương thơm ngát mới có thể tạm đứng cạnh bạch đào.
Năm 2012, “Mười Lời - Thung lũng đào hoa” lại mang đến Hội Hoa xuân TPHCM một loại “khủng”, đó là chanh yên (thanh yên). Loại chanh này có nguồn gốc từ Ấn Độ, Myanmar và vùng Địa Trung Hải, di thực sang Đà Lạt từ thời Pháp thuộc và được cha con Sang lấy về trồng từ những năm 2000. Sau khi nghệ nhân Mười Lời mất, cây mới cho trái lần đầu vào năm 2011. Trái chanh to và nặng tới 3,5kg nên Sang phải làm cây chống để trái không rơi xuống đất. Lúc đầu, mỗi cây chỉ có 3 - 5 trái nhưng hiện với 10 gốc chanh yên, mỗi cây có thể cho cả chục trái. Với loại chanh “khủng” này, năm đó Sang nhận được huy chương đồng. Mùa tết năm rồi (2015) khi tôi đến, Sang cho biết anh đã bán được mỗi trái chanh từ 500.000 đồng đến cả triệu đồng để người Đà Lạt bày trên mâm quả chưng tết.
Năm 2015, đến với Hội Hoa xuân TPHCM, cây đào cổ với 5 thứ hoa của Sang lại được trao huy chương bạc trong mục “Hoa và trái”. Như vậy, cứ mỗi năm một sản phẩm mới, Bùi Văn Sang - chủ nhân của thung lũng đào hoa chưa bao giờ lỗi hẹn với Hội Hoa xuân, chưa bao giờ người làm vườn của xứ sở ngàn hoa ra về tay không. Đứa con ấy thật xứng đáng kế thừa thung lũng đào hoa và làm thỏa nguyện những khát vọng của người cha quá cố. Chẳng những đạt được nhiều thành tích, anh còn sung túc từ việc trồng hoa, ghép trái trên mảnh vườn 6 công đất của mình. Hàng trăm gốc đào cho thuê cả triệu đồng/cây vào mấy ngày tết; mỗi cây đào, cây nhất chi mai có giá bán cả trăm triệu đồng và bao nhiêu thu hoạch khác nữa. Nếu nghệ nhân Mười Lời một đời tận tụy với hoa kiểng trong tâm thế một nông dân cần mẫn, thì nghệ nhân trẻ Bùi Văn Sang đã năng động, sáng tạo hơn nhờ biết vận dụng khoa học kỹ thuật nên đã hội nhập rất thành công vào cuộc sống. Thung lũng đào hoa vì thế ngày càng vang dội tiếng tăm.
Năm vừa rồi, thung lũng đào hoa của nghệ nhân Bùi Văn Sang lại nhận thêm nhiệm vụ chăm sóc những cây đào Yoshino Nhật Bản, do ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa giáo dục Việt Nam tại New York (Mỹ), mang về. Theo anh Sang, giống đào của ông Thắng đưa về từ Nhật Bản thuộc thân nước và tương thích với thời tiết Đà Lạt. Hy vọng một ngày không xa, giống đào Yoshino sẽ có mặt tại Hội Hoa xuân TPHCM và trên những con đường trong TP Đà Lạt, quanh bờ hồ sẽ trắng xóa hoa đào Yoshino xen lẫn những cánh hoa đào Mười Lời rực hồng khi mùa xuân về trên xứ sở ngàn hoa…
***
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa tới Tết Nguyên đán, tôi đứng trong thung lũng đào hoa, bên cạnh vị chủ nhân mới thấy lòng bâng khuâng. Hình ảnh vị chủ cũ như vẫn còn hiện diện trong khu vườn với cả ngàn gốc hoa đào Mười Lời, với những cây nhật quỳnh, thiên điểu, nhất chi mai; với cây bơ ghép mấy loại trái… Thêm vào đó là những giống hoa trái hiếm quý khác vừa được con trai ông vun trồng để điểm tô sắc hương cho vườn nhà. Tết năm này chắc chắn nghệ nhân Bùi Văn Sang sẽ mang đến Hội Hoa xuân TPHCM một loài hoa mới mà anh còn giữ kín. Tôi lại hình dung ra mấy ngày tết, những cây đào ven đường do cha con ông Mười Lời chính tay chăm sóc sẽ nở rực hồng cả phố phường Đà Lạt mà lòng xôn xao. Và còn nữa, bao nhiêu gốc đào Mười Lời sẽ tiếp tục nở thắm từng mùa Festival hoa Đà Lạt khiến câu hát “Ai lên xứ hoa đào, đừng quên mang về một cành hoa” càng đậm đà ý nghĩa.
NGUYỄN NGỌC TUYẾT