
Gần đây, nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã nhận được thông báo từ một số công ty dược về việc tăng giá một số loại thuốc. Trong khi đó, Cục Quản lý dược Việt Nam cũng đang xem xét tới việc cho doanh nghiệp dược được điều chỉnh giá thuốc trong thời gian tới.
- Chấp nhận phạt

Trước những biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, cũng như giá nhập khẩu từ nước ngoài tăng, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối dược phẩm đã kêu lỗ và gửi văn bản đến các bệnh viện thông báo, sẽ điều chỉnh giá một số mặt hàng thuốc, hóa chất, dịch truyền và vật tư tiêu hao; đặc biệt là những mặt hàng nhập khẩu để phù hợp với sự biến động của thị trường.
Dược sĩ Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Khoa Dược Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, hiện nay, một vài công ty gửi văn bản đến khoa thông báo việc sẽ tăng giá một số mặt hàng thuốc như Secnol; Utrogestan 100mg; Utrogestan 200mg; Festimon. Tại ở Bệnh viện K Hà Nội, Phó Giám đốc Trần Văn Thuấn cũng cho biết, đã có ba công ty gửi văn bản thông báo việc điều chỉnh giá thuốc.
Trong khi đó, BS Hoàng Thị Ngọc Hưởng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, một số vật tư tiêu hao chuyên khoa tim mạch của bệnh viện đã bị nhà thầu “xù” và chịu phạt 3% giá trị gói thầu, vì giá trúng thầu với bệnh viện đã thấp so với giá nhà thầu nhập khẩu.
- Doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh giá thuốc
Theo TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam, sở dĩ nhiều công ty dược có thông báo như vậy là do hiện nay, hơn 90% nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc trong nước và khoảng gần 50% giá trị thuốc thành phẩm ở Việt Nam phải nhập từ nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Cường cũng khẳng định, đến thời điểm này, thuốc cung ứng vào các bệnh viện của các công ty dược vẫn bảo đảm theo giá đã đấu thầu từ đầu năm 2008 và chưa có sự biến động nào lớn. Việc thiếu thuốc, hóa chất, dịch truyền chỉ xảy ra ở một số ít mặt hàng và không phải ở tất cả các bệnh viện.
Hiện nay, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như cơ sở y tế, Bộ Y tế đang yêu cầu các bệnh viện, sở y tế các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc báo cáo cụ thể tình hình cung ứng thuốc. Báo cáo đó sẽ được xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, dựa trên nhiều yếu tố.
Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam cũng cho biết, tới đây, các Bộ Y tế, Công thương, Tài chính và Tổ điều hành thị trường trong nước sẽ họp bàn để xem xét vấn đề giá thuốc. Theo đó, doanh nghiệp dược có thể sẽ được điều chỉnh giá bán thuốc ở mức hợp lý, phù hợp với quy định hiện hành, sau khi đã áp dụng các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm thiểu tác động bất lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trên cơ sở tính hợp lý của đơn đề nghị điều chỉnh giá thuốc, cơ quan chức năng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng, có hay không cho doanh nghiệp điều chỉnh giá thuốc. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá thuốc trước tiên vẫn phải bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, đồng thời cũng cần tính đến tính kinh tế của doanh nghiệp.
Quốc Lập
Theo khảo sát tại một số trung tâm dược phẩm của Hà Nội như Ngọc Khánh, Láng Hạ, Văn Miếu cho thấy, nhiều mặt hàng của Ấn Độ, Canada, Pháp, Hungary đã tăng giá từ 5% - 50% như: Glyburid lọ 500 viên tăng từ 115.000đ lên 135.000đ/lọ, Cacinol (Ấn Độ) tăng từ 28.000- 36.000đ/lọ, Licapril 4 (huyết áp): từ 165.000đ lên 175.000đ; Neo-Tergynan (Pháp) từ 78.000đ lên 89.000đ. |