Thương áo bà ba

Chẳng biết tự khi nào, mỗi lần nghe câu hát trong ca khúc Hành trình trên đất phù sa của nhạc sĩ Thanh Sơn: Thương em tôi áo đơn sơ bà ba/Trên lưng trâu nước da nâu mặn mà, là cứ thấy lòng xao xuyến.
Các thầy đờn trong trang phục áo bà ba
Các thầy đờn trong trang phục áo bà ba

Hình ảnh tà áo bà ba cùng nụ cười duyên dáng dưới vành nón lá vấn vương không rời.

Các tài liệu nghiên cứu về văn hóa có ghi, áo bà ba được du nhập vào Việt Nam khoảng cuối thế kỷ 19. Nhiều người còn gọi nó là áo cánh. Hình ảnh gắn liền với đời sống của các vùng quê xứ miệt vườn sông nước là những chiếc áo bà ba màu nâu, hay đen. Nó gắn bó với người dân trong mọi sinh hoạt đời thường, trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay… từ bao đời nay. Ấy là màu của sự tất bật, chịu thương, chịu khó không quản nắng mưa, đêm ngày. Đời dãi dầu trong chiếc áo nâu. Các cô thiếu nữ điệu đà hơn thì có những chiếc áo bà ba nhiều màu sắc. Màu áo vàng em gặt lúa đồng xa/Màu thiên thanh gặp anh chiều hò hẹn/Màu hoa cà em nói đợi người thương như trong lời bài hát Thương áo bà ba (sáng tác: Đình Văn).

Tà áo không chỉ là đại diện của sự thuần hậu, mộc mạc, nó còn là kết tinh, là biểu tượng, là tâm hồn quê hương xứ sở. Cũng chính vì sự phổ biến ấy, áo bà ba từ đời sống đã bước vào thi, ca, nhạc, họa thật tự nhiên. Những ca khúc Chiếc áo bà ba, Duyên dáng áo bà ba hay trong nhiều bài tân cổ cho đến giờ vẫn cứ vương vấn lòng người.

Nguyễn Minh Đời - chàng trai 9X chuyên về các trang phục truyền thống, trong đó có áo bà ba, chia sẻ, theo thời gian và cũng là xu thế tất yếu, áo bà ba có nhiều sự cách tân. Áo bà ba xưa may tay liền thân, dáng suông, cổ tròn, cổ tim, cổ lá trầu kín đáo. Các phần đinh áo, tà thường sẽ được luồn tay để giấu đường chỉ may, vừa đẹp lại càng tự nhiên. Chất liệu thường dùng may sẽ chọn vải có độ bền cao, dễ bảo quản, thoáng mát vì là áo bận thường ngày. Áo bà ba hiện đại may tay raglan (là cách ráp thân áo và ống tay áo để lại một đường nối chéo từ cổ áo xuống nách), có chiết eo, ben ngực, tôn dáng. Cổ áo cũng được biến tấu nhiều dáng khác nhau: lá sen, cánh én, đan tôn…

Thử một lần về xứ miệt vườn sông nước vẫn thấy áo bà ba hiện diện phổ biến trong đời thường nhật. Các mẹ, các dì, các chị em lái, chèo xuồng, ghe buôn bán, hay chở du khách vẫn mặc áo bà ba, cổ quàng khăn rằn, đầu đội nón lá. Ở các điểm đón khách du lịch, những thầy đờn, hay những thôn nữ xứ miệt vườn bận áo bà ba ngọt ngào, dặt dìu lời ca, tiếng nhạc trong những câu vọng cổ, câu đờn ca tài tử càng làm lưu luyến lòng người. Những chiếc áo bà ba đủ màu sắc, kích cỡ, nhấn nhá thêm các họa tiết cũng được bày bán khắp nơi. Đó là những kỷ niệm lưu dấu một lần về với phương Nam. Hình ảnh các cặp mẹ - con hay cả gia đình cùng diện áo bà ba sao cứ thấy thân thương.

Tin cùng chuyên mục