Thương lắm hương mùi già đồng nội

Đất trời lấm tấm những hạt mưa phùn, ngoài triền đê đã vàng ruộm sắc hoa cải và không khí đã phảng phất hương mùi già.

Mùi già đi, cây cứng cáp và trổ ra những chùm quả xoe tròn cũng là lúc tết đến xuân về như một điều bất di bất dịch muôn đời vẫn thế. Có những người hoài nghi, chỉ là loài cây bé nhỏ trong vườn thôi mà, có gì mà khiến con người ta nhớ thương đến thế?

Cuối năm, nhà nhà người người đi phiên chợ quê để sắm sửa đủ thứ, ai cũng muốn chuẩn bị một cái tết tươm tất, đủ đầy cho gia đình. Người bán kẻ mua tấp nập, hồ hởi, chẳng có kiểu mặc cả kỳ kèo cũng chẳng có những lời thách giá trên trời, có lẽ đó chính là cái thú vui ngày giáp tết. Sau khi ra chợ sắm đủ lệ bộ cho gia đình, tôi và mẹ trên đường về nhà bao giờ cũng ghé qua cánh đồng để nhổ mấy bụi mùi già. Trước khi hái mùi, bao giờ mẹ cũng dặn tôi cái câu quen thuộc: “Chỉ lấy cây thật già thôi gái nhé, mùi càng già lại càng thơm”. Tôi nghe câu nói ấy nó ám ảnh đến nỗi ăn sâu vào trong tiềm thức.

11-4443.jpg
Rau mùi được cắt từ những cây thật già đã trổ hoa để tắm

Giữa bốn bề không gian hây hẩy gió, mặc kệ những cô nàng hoa cải vàng lả lơi trêu ghẹo mấy chàng bướm trắng, nàng hoa mùi lặng lẽ khiêm nhường nép mình e lệ ngượng ngùng. Chẳng thế mà đối với những người không thích sự giản đơn thì chỉ vội đi ngang qua chẳng bao giờ ngoái lại, còn những kẻ đã trót phải lòng sẽ nhớ mãi khôn nguôi…

Những cây mùi già chi chít những bông hoa trắng li ti như những bụi phấn tinh khôi trổ sắc giữa mưa phùn và cái rét se sắt. Đôi khi tôi mải mê ngắm nhìn cái sắc hoa dịu dàng ấy mà quên mất việc chính là hái mùi khiến mẹ phải cất lời giục giã. Tôi vội vàng khua vội mấy cây mùi già cao đến ngang thân người, sai lúc lỉu những chùm quả màu tim tím để còn về. Hiếm có loại cây nào mà thơm tất tần tật như mùi già, gió ngoài triền đê lồng lộng, bó mùi cứ thế chao nghiêng, thơm ngát trên tay người ôm. Chao ôi! Cái mùi hương tưởng chừng bình dị mà sao mê mẩn lưu luyến trái tim người đến thế!

Ngày 30 tết tôi thường đảm nhận “nhiệm vụ” nấu nồi nước mùi. Bó cây sau khi đã được rửa sạch sẽ thì được gấp gọn ghẽ trong nồi đun sôi sùng sục trên bếp lửa. Tiếng củi nổ tí tách vui tai còn không gian ngập tràn mùi già dịu dàng. Hai chị em tôi lúc ấy thích thú đắm chìm trong thứ nước lá đồng nội thân thương ấy và gọi nó bằng cái tên mỹ miều: “nước hoa của trời đất”.

Những làn hơi nóng cứ quấn quýt lấy người, hòa theo những tiếng cười đùa chí chóe của tuổi thơ đến tận giờ đây tôi vẫn còn nhớ mãi. Sau khi tắm xong hai đứa không quên đi chơi quanh xóm, bầu không khí lúc này đan xen giữa mùi hương trầm phảng phất, mùi bánh chưng thơm ngào ngạt và cây mùi mộc mạc để lại những dư vị khó quên. Thì ra ai cũng muốn gột sạch những bụi bặm, buồn phiền của năm cũ để nghênh đón một năm mới đang đến thật gần…

Mỗi năm có một mùa tết, còn đối với bao người đã là tết thì không thể bỏ lỡ hương mùi già. Tắm nước mùi già cuối năm dần dà đã được nâng tầm lên thành một nét văn hóa truyền thống đặc sắc của nhiều vùng miền mới thấy được cái sức thu hút của nó mạnh mẽ đến nhường nào. Giờ đây tôi vẫn giữ thói quen tắm lá mùi già vào ngày 30 như một điều hiển nhiên không thể thiếu, cái thú vui hít hà mùi hương khoan khoái của nồi nước tắm như một sự tận hưởng sau cả năm vất vả, bộn bề. Dội lên người thứ nước thơm đặc biệt ấy còn gợi nhớ tôi về tình cảm gia đình và gốc rễ nguồn cội, những thứ tôi luôn trân quý tự đáy lòng!

Lại một mùa tết đến xuân về trên khắp đất trời, len lỏi trong mỗi ngôi nhà, bao trùm lên vạn vật đem theo khí thế và sức sống mới. Thời gian qua đi, mọi thứ cũng không thể vẹn nguyên như trước, vật chất cũng đủ đầy hơn nhưng cái mùi hương mê luyến của nước mùi già giản dị ấy!

TRƯƠNG HƯƠNG LY

Địa chỉ: Xã Mỹ Bằng/ Huyện Yên Sơn/ Tỉnh Tuyên Quang

Truonghuonglyvtpt@gmail.com

Tin cùng chuyên mục