Thưởng tết cho giáo viên ở TPHCM - Gói ghém để có mức thưởng khá

Thưởng tết cho giáo viên ở TPHCM - Gói ghém để có mức thưởng khá

Dù không có quy định nào gọi là tháng lương thứ 13 dành cho giáo viên, nhưng mỗi dịp xuân về, giáo viên nào cũng mong chờ khoản tiền thưởng tết, quà tết như nhiều ngành nghề khác. Câu hỏi “Đến bao giờ cơ chế tiền lương thay đổi và giáo viên cũng được thưởng tết” vẫn chưa có lời giải.

Đến hẹn lại… trĩu lòng

Một giáo viên ở trường THPT của TPHCM có thâm niên trên 30 năm đứng lớp bộc bạch: “Xuân về, tết đến, đọc báo thấy công ty này, ngành nghề kia thưởng tết cho người lao động hàng chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng mỗi người mà chạnh lòng. Tận tụy với nghề giáo, hết lòng đào tạo học sinh giỏi, ươm mầm nhân tài, người có đức cho xã hội, tạo ra giá trị gia tăng về tài sản nhân lực cho quốc gia nhưng chúng tôi chỉ nhận được những lời khen ngợi, động viên. Còn những nơi khác, căn cứ vào lợi nhuận của công ty, doanh nghiệp và nhiều ngành nghề đặc thù, đặc lợi luôn có mức thưởng cao chót vót. Theo quy định cứng nhắc này, đến bao giờ nghề giáo được xếp ngang bằng với ngành nghề khác và lợi nhuận, phúc lợi của xã hội được san sẻ cho nhà giáo một cách công bằng?”. Đây là tâm trạng nặng trĩu nỗi niềm của phần đông giáo viên, cán bộ quản lý dấn thân vào nghề nhưng chạnh lòng vì thu nhập chưa tương xứng. Và năm hết, tết đến họ chỉ nhận được phần quà “động viên” có giá trị từ vài trăm đồng đến trên dưới 1 triệu đồng/người từ chính quyền địa phương.

Cần có quỹ khen thưởng để thưởng tết cho giáo viên (Ảnh: Khánh Bình)

Nếu so với các tỉnh, thành phố khác thì giáo viên ở TPHCM có mức tiền thưởng tết từ nguồn kết dư cuối năm và quà tết của UBND TP cao hơn đồng nghiệp tỉnh bạn. Khảo sát một số trường THCS và THPT công lập cho thấy, mức thưởng tết từ nguồn kết dư còn lại có sự khác nhau và mức chênh lệch từ vài triệu đến chục triệu đồng/người. Vì sự tế nhị “nơi cao, nơi thấp”, hơn nữa sợ bị so bì, dòm ngó nên nhiều trường không muốn công khai mức tiền thưởng tết. Theo nhiều hiệu trưởng, nếu nhà trường tổ chức nhiều hoạt động đổi mới dạy và học, tạo sân chơi trải nghiệm, trang bị kỹ năng sống cho học sinh theo yêu cầu đặt ra thì không còn dư bao nhiêu. Hơn nữa, khoản kết dư này còn phụ thuộc vào số lượng giáo viên, tổng sĩ số học sinh và tổ chức dạy ngoài giờ, cho thuê mặt bằng… Vì thế, trường nào có nhiều lợi thế, có nguồn thu thì khoản kết dư khá hơn, ngược lại thì phải “khéo co” mới có thể thưởng tết cho giáo viên, cán bộ công nhân viên vài triệu đồng/người. Một hiệu trưởng trường THCS ở quận nội thành than thở: “Quận chúng tôi chủ trương xiết chặt tài khóa, chi cho giáo dục khít đến mức không thể dư thì lấy đâu mà thưởng tết. Tìm hết cách, gói ghém đủ kiểu, trường tôi chỉ có thể chăm lo cho giáo viên tối đa 3 triệu đồng/người để họ có thể đón cái tết theo kiểu nhà nghèo mà thôi”.

Phải thừa nhận, bên cạnh một bộ phận giáo viên ở TPHCM dạy các môn tự nhiên, môn chính hoặc bậc tiểu học có thu nhập khá, thậm chí là giàu, thì phần đông giáo viên chỉ mong chờ vào khoản tiền tết để đón xuân mới như mọi nhà. Khảo sát ở nhiều trường THCS, THPT cho thấy, mức thưởng cuối năm bình quân bằng 1 - 1,5 tháng thu nhập và dao động ở mức 6 - 7 triệu đồng, trong đó nhiều trường THPT cao hơn - trên dưới 10 triệu đến gần 20 triệu đồng/người.

Thành phố nên thành lập quỹ khen thưởng

Theo thầy Đào Hữu Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), năm nay tình hình chung khó khăn nên cố gắng lắm nhà trường cũng chỉ lo được mức thưởng cho giáo viên, nhân viên khoảng 7 triệu đồng/người từ nguồn kết dư, trích từ học phí 40%. Tương tự, nhiều trường THCS ở các quận 1, 3, 5, 11… cũng có mức thưởng khoảng 7 - 8 triệu đồng/người.

Ở bậc tiểu học và mầm non, mức thưởng thấp hơn, khoảng 3 - 4 triệu đồng/người, thậm chí nhiều trường mầm non chỉ có quà tết của địa phương cộng với khoản thưởng cuối năm 1 - 2 triệu đồng/người. Cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11), cho biết: “Năm nay, mức thưởng tết của trường cao hơn so với năm trước, được 4 triệu đồng/người, chưa kể quà tết của TP. Vì thế giáo viên và nhân viên cũng phấn khởi hơn, vui hơn!”.

Những năm gần đây, nhờ có khoản tiền kết dư cuối năm, nhiều trường học ở TPHCM đã có điều kiện chăm lo tết cho đội ngũ giáo viên, nhân viên. Tuy vậy, so với mặt bằng chung của xã hội, tổng thu nhập và tiền thưởng của nhà giáo vẫn thấp. Vì thế, để tạo động lực cho họ cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người, nhất là thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục, đã đến lúc nhà nước cần sửa đổi cơ chế, chính sách tiền lương phù hợp với năng lực, hiệu quả của từng vị trí, nhiệm vụ. Đừng để họ nặng trĩu nỗi lòng vì phải bươn chải kiếm sống, lao vào dạy thêm hoặc trông chờ sự vận động, tấm lòng hảo tâm của xã hội mỗi độ tết đến xuân về. Nhiều chuyên gia, quản lý giáo dục kiến nghị lãnh đạo TPHCM nên nghiên cứu thành lập quỹ khen thưởng thường xuyên cho ngành giáo dục TP để thưởng tết và khen thưởng các phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, khuyến khích giáo viên sáng tạo, cống hiến nhiều hơn. Để bứt phá đi lên, tạo dấu ấn cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, TPHCM cần có chính sách đột phá, trả lương, thưởng cho giáo viên hợp lý hơn.

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục