Tiếng gọi từ lòng đất

Làm việc nghĩa
Tiếng gọi từ lòng đất

Điều khiến đôi chân bà chưa bao giờ chùn bước, trái tim bà luôn đau đáu đi tìm hài cốt liệt sĩ, đó là tiếng gọi thiêng liêng của đồng đội từ lòng đất. Suốt 20 năm lặn lội khắp núi cao, rừng sâu, đảo xa và nước bạn Campuchia, bà chỉ có ước nguyện duy nhất là đưa được xương cốt đồng đội trở về với gia đình, xoa dịu đi phần nào đó nỗi đau chiến tranh. Để rồi bà đem về hạnh phúc cho mình 26.000 địa chỉ mộ liệt sĩ, gần 2.000 di ảnh đồng đội và hơn 4.000 di vật. Bà là Vũ Thị Minh Nghĩa ở Ấp Bắc 2, xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bà Vũ Thị Minh Nghĩa (thứ hai phải sang) tại nhà riêng. Ảnh BÌNH THANH

Làm việc nghĩa

Trong chiếc áo nâu sòng của người hướng thiện, bên bàn nước đặt nơi phòng khách trong khuôn viên đền thờ liệt sĩ, bà Nghĩa không kể về những tháng ngày gian khổ khoác ba lô lặn lội vào rừng sâu, núi cao, đảo xa để tìm hài cốt đồng đội, mà bà kể về niềm tự hào được đi làm việc nghĩa - việc mà chỉ có tình đồng đội thiêng liêng máu thịt mới có thể làm được. Điều hạnh phúc nhất trong hành trình tìm kiếm đồng đội của bà là đưa xương cốt liệt sĩ về với gia đình, xoa dịu một phần nỗi đau cho những người đang sống. Đó là lý do duy nhất để bà Nghĩa hy sinh hạnh phúc riêng tư, gác lại tất cả công việc đời thường để tìm mộ liệt sĩ.

Tháng 6-1970, cô thôn nữ Vũ Thị Minh Nghĩa ở thôn Kim Thành, xã Thái Sơn huyện Thái Thụy, Thái Bình tạm biệt gia đình vào bộ đội. Sau những ngày huấn luyện gian khổ ở đơn vị 4090 thuộc Đoàn 251 Quân khu 3, Nghĩa cùng đồng đội vào chiến trường. Trong quãng thời gian từ cuối năm 1970 đến tháng 4-1975, cô đã cầm súng trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam bộ. Đến năm 1979, cô  xuất ngũ và chuyển ngành, nhưng do sức khỏe yếu, Nghĩa trở về địa phương.

Vào một ngày tháng 8-1995, sau một trận ốm, bất chợt cô nghe văng vẳng trong đầu những tiếng kêu của đồng đội cũ. “Bao ký ức những ngày cầm súng chiến đấu trên chiến trường tự dưng ùa về trong tiềm thức. Nhiều đêm tôi không chợp mắt vì trong đầu liên tục có tiếng đồng đội gọi vọng lên từ lòng đất. Lúc đó tôi trong người tôi như có một luồng điện vô hình mạnh mẽ. Tim tôi như có lửa thúc giục tôi phải đi tìm đồng đội. Vậy là khoác ba lô lên đường”, bà Nghĩa nhớ lại.

Hành trình đầu tiên đi tìm kiếm mộ liệt sĩ bắt đầu vào cuối tháng 8-1995. Hành trang Nam tiến tìm đồng đội vẻn vẹn có 600.000 đồng từ bán khoai, lúa và chiếc ba lô sờn cũ còn lại từ chiến trường. Sau 3 ngày đêm đi xe đò từ Thái Bình, điểm dừng chân là thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Tại đây, bà đã mua 10kg gạo, 5kg mì, một cái cuốc chim, dây dù, võng rồi vào rừng. Bà lặn lội trở lại chiến khu D. Nơi đây, từ năm 1967 đến 1973, có hàng vạn liệt sĩ ngã xuống và xương cốt của họ đang ở đâu đó trong lòng đất. Chặt cây rừng dựng tạm lều cạnh một gốc sung, thắp nén hương xin đưa các anh về với gia đình, bà cầm cuốc chim đào một ụ đất cạnh rìa suối. Sau một tầng đất dầy, một bộ hài cốt hiện lên. “Lúc đó tôi đã òa khóc. Cầm mảnh xương đùi của đồng đội ấp vào ngực nói rằng, đồng chí ơi hãy để tôi đưa đồng chí trở về với gia đình”, bà Nghĩa hồi tưởng.

Với số lương thực mang theo, bà Nghĩa chỉ dự kiến ở lại rừng tìm mộ một tháng rồi trở ra, nhưng bà không thể trở ra được, vì hài cốt ở đó khá nhiều. Bà quyết định ở lại rừng tiếp tục tìm kiếm hài cốt đồng đội. Chỗ ở của bà là một hố nhỏ dưới gốc sung. Ban ngày bà đi tìm di cốt, tối về ngủ trong hầm. Chặt cây rừng làm giàn. Những bộ hài cốt tìm được bà gói cẩn thận xếp gọn trên đó. Giữa rừng sâu núi thẳm, bà làm bạn với chim muông. “Lúc đó trong người tôi có một sức mạnh rất lạ. Có đêm mưa rừng trút nước, tôi lên cơn sốt nhưng sáng mai tự nhiên khỏe lại. Số gạo, mì gói cạn dần, tôi phải đào chuối rừng, lấy thân ăn trước, củ ăn sau. Ăn tất cả những gì trong rừng có thể ăn được. Một gói mì chia làm bốn ngày, dùng nước suối nấu với củ chuối để cầm cự. Mỗi lần đào được một hài cốt đồng đội, tôi như tìm thấy người thân yêu của mình, đó cũng là lý do tôi quyết định bỏ quê hương, gia đình đi tìm mộ liệt sĩ. 20 năm đi tìm mộ liệt sĩ, tôi đến nhiều tỉnh như Bình Dương, Gia Lai, Đắk Lắk. Những nơi trước kia là chiến trường đều có hài cốt của bộ đội đang nằm tại đó mà chưa được tìm thấy và đem về cho gia đình”, bà Nghĩa kể lại.

Kỷ niệm không quên

Trong hành trình 20 năm đi tìm đồng đội, bà Nghĩa không kể xiết bao lần lội suối trèo đèo, bàn chân bà bao lần đặt chân đến địa danh khác nhau trên mọi miền Tổ quốc, song mỗi lần đào được một hài cốt liệt sĩ thì bà không thể nào quên. “Nhiều lắm, 20 năm, tôi không thể nào nhớ hết được những nơi đã đến tìm mộ, nhưng kỷ niệm tôi không bao giờ quên được đó là lần cùng 15 đồng đội chuyển 12 bộ hài cốt trả lại cho thân nhân các gia đình liệt sĩ từ Quảng Bình ra Hà Nội”. Bà Nghĩa mắt rưng rưng nhìn ra phía hiên nhà, nơi có những tiểu sành còn trống chờ hài cốt liệt sĩ từ chiến trường về.

Tháng 9-2001, sau một tháng vào rừng tìm kiếm, bà Nghĩa đem về hơn 100 bộ hài cốt liệt sĩ. Những hài cốt có danh tính ở miền Đông, miền Tây Nam bộ đều được bà thông báo cho gia đình người thân đến nhận. Trong số ấy có 12 bộ hài cốt không có thân nhân đến nhận, mặc dù bà đã viết thư theo địa chỉ danh tính của từng liệt sĩ. Nhưng rồi bà lại nhận được thư họ trả lời không có tiền vào Nam để đưa hài cốt về.  Không thể để xương cốt đồng đội lạnh lẽo, bà quyết định đem 12 bộ hài cốt tới tận gia đình các liệt sĩ.

Khởi hành từ Hòa Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, hành trang đem theo của bà là 1,2 triệu đồng, một chai nước và 3 cái bánh mì. Cùng đồng hành trong chuyến đi nghĩa tình ấy có 15 chiến sĩ là đồng đội cũ của bà. Điểm trao trả hài cốt liệt sĩ đầu tiên trong chuyến hành trình này là một gia đình ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đó là một chiều chập choạng tối. Một bà cụ già ngồi bên thềm cửa dưới mái nhà rách nát. Khi bà Nghĩa nói: “Chúng con đem hài cốt của anh Linh về cho mẹ”, cụ già đã úp mặt vào chiếc hòm đựng xương cốt con trai òa khóc. “Khi tôi trao xương cốt anh Linh cho bà cụ, bà gào lên kêu Linh ơi, mạ đã chờ con hơn 40 năm. Mạ đã khóc đến lòa hai mắt. Mạ tìm được con rồi nhưng mạ lấy tiền đâu mà làm ma cho con”, bà Nghĩa nhớ lại. Không thể để cụ già gánh thêm nỗi đau, bà Nghĩa đã gửi lại cụ già 500.000 đồng để lấy tiền chôn cất anh Linh. Bà và đồng đội hiểu còn bao khó khăn ở phía trước, khi 16 người chỉ còn gần 800.000 đồng và chặng đường dài dằng dặc phía trước.

Ước nguyện cuối đời

Căn nhà bà đang ở bây giờ trước đây là căn nhà tình nghĩa do chính quyền địa phương xây cho. Nhưng nó quá chật chội bởi hàng ngàn di ảnh, hiện vật, hồ sơ mà bà Nghĩa đem về từ chiến trường. Năm 2012, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định chia cho bà mảnh đất, rồi xây nhà cho bà để có chỗ để những di ảnh, hiện vật. Và đó cũng là căn nhà chia sẻ bao buồn vui, nhọc nhằn của bà sau những ngày tháng đi tìm kiếm đồng đội trở về. Trong căn nhà của bà hiện nay như một bảo tàng thu nhỏ. Trong bảo tàng ấy có 26.000 địa chỉ liệt sĩ, hơn 2.000 di ảnh và 4.000 hiện vật. 

Bà Nghĩa chỉ lên những tấm di ảnh liệt sĩ đặt trân trọng trên giá treo kín tường nhà, đó là những di ảnh được thân nhân của liệt sĩ tặng bà sau khi họ nhờ bà tìm thấy hài cốt. Dừng lại trước tấm ảnh bà đứng giữa hơn cả ngàn bộ hài cốt được phủ kín cờ Tổ quốc, bà bảo: “Ước nguyện những ngày tháng cuối đời của tôi là tiếp tục đi tìm hài cốt liệt sĩ. Chỉ cần có thông tin mộ liệt sĩ nằm nơi đâu đó là tôi sẵn sàng lên đường. Khi xương cốt của đồng đội tôi còn nằm lạnh lẽo ở rừng sâu, trong lòng đất chưa được trả lại cho người thân, tôi cảm thấy mình có lỗi với họ”.

20 năm đi tìm mộ liệt sĩ, bà Nghĩa chẳng có một doanh nghiệp hay một nhà tài trợ nào về kinh phí, nhưng việc bà làm xuất phát từ tình đồng đội và luôn coi đó như nghĩa vụ thiêng liêng. Ở tuổi 63, bà cứ lặng lẽ âm thầm xoa dịu đi nỗi đau chiến tranh mà hàng triệu người Việt Nam gánh chịu sau hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

MAI THẮNG

Tin cùng chuyên mục