

Học sinh học chương trình phân ban của trường THPT Lê Quí Đôn trong giờ sinh hoạt ngoại khóa.
Sau khi bài “Rối bời phân ban” trong chuyên mục Theo dòng thời sự đăng trên báo SGGP ngày 18-8, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến đồng tình với bài báo và tỏ ra rất băn khoăn khi ngành giáo dục phải triển khai đại trà một chương trình dạy học còn quá nhiều bất cập, chưa được chuẩn bị kỹ cả về cơ sở vật chất lẫn lực lượng giảng dạy. Chúng tôi xin trích đăng một vài ý kiến của những người trực tiếp tổ chức thực hiện chương trình này.
Ông Trần Phước Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (TPHCM):
Học sinh chọn lung tung môn tự chọn
HS trúng tuyển vào trường có nhiều trình độ khác nhau, nhưng hầu hết các em chọn ban Cơ bản và ban Khoa học tự nhiên, chỉ có hơn 10 em đăng ký vào ban KHXH –NV, do vậy, chúng tôi không thể mở lớp được. HS bây giờ nhạy bén, phụ huynh học sinh (PHHS) cũng quan tâm đến việc học của con em nhiều hơn, nên các em chọn ban có đường vào ĐH rộng mở hơn. HS ban Cơ bản sử dụng thời lượng dạy học tự chọn để học chương trình và sách giáo khoa nâng cao ở 8 môn toán, lý, hóa, sinh, văn, sử, địa, ngoại ngữ. Theo thống kê ở trường, môn toán, văn, Anh văn được nhiều em chọn nhất. Tuy nhiên cũng có nhiều em chọn lung tung môn tự chọn (vì các em ngộ nhận năng lực của mình hoặc chưa biết chọn môn nào cho phù hợp) làm nhà trường rất khó xếp phòng học và thời khóa biểu.
Bà Nguyễn Thị Liên Chi, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM):
Quyết tâm giữ 1 lớp ban C
Mặc dù nhà trường có tổ chức giới thiệu cho các em HS tìm hiểu về 3 ban, song chỉ có 20 HS đăng ký vào ban C-Khoa học xã hội nhân văn. Một con số khiêm tốn để có thể thành lập một lớp học, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm giữ. Hy vọng trong quá trình học, các em sẽ có sự điều chỉnh chuyển sang ban C nếu thấy phù hợp với năng lực của mình. Ngoài ra, trường cũng sẽ thuyết phục những em học sinh giỏi văn vào ban C.
Ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội):
Nhiều trường gặp khó khăn về cơ sở vật chất
Trường Nguyễn Gia Thiều, dù đã được thí điểm mấy năm, nhưng tỷ lệ học sinh (HS) đăng ký vào các ban đã có nhiều biến động so với dự kiến của nhà trường. Trong số 625 em trúng tuyển vào lớp 10, chỉ có 50 em đăng ký vào ban C (đủ 1 lớp), trong khi số HS đăng ký vào ban A quá nhiều. Do tình hình biến động như vậy nên cuối cùng, nhà trường đã quyết định bổ sung thêm 1 lớp ban A để đáp ứng nguyện vọng của HS. Tất nhiên, với tình huống nảy sinh như vậy, trong quá trình giảng dạy sẽ xảy ra hiện tượng thừa thiếu “ảo” giáo viên.
Tuy nhiên, từ thực tế của chính Trường Nguyễn Gia Thiều, tôi cũng rất ưu tư về việc triển khai đại trà chương trình phân ban trong năm học tới, đặc biệt là công tác bồi dưỡng giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Đợt vừa rồi, nhà trường tổ chức giao lưu với một số trường THPT của tỉnh Cao Bằng mới thấy, việc triển khai phân ban ở những địa bàn này sẽ rất khó khăn bởi cho đến giờ này, nhiều trường vẫn chưa có đủ phòng máy vi tính (25 máy/phòng) theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT.
Ông Nguyễn Hải Châu, Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học (Bộ GD-ĐT):
Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và quản lý
Mục tiêu quan trọng của đổi mới giáo dục là đổi mới phương pháp dạy học. Nhưng chương trình bồi dưỡng giáo viên hiện vẫn tập trung cho các mục tiêu giới thiệu nội dung mới, khó của chương trình và SGK mới. Trong khi đó, nhu cầu của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục lại tập trung nhiều hơn ở việc đòi hỏi được bồi dưỡng về thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới quản lý, hình thức phân ban, phân hóa trong dạy học. Mặt khác, tuy nội dung dạy học theo các chủ đề tự chọn còn mới mẻ nhưng nội dung chương trình bồi dưỡng chưa được đề cập thỏa đáng.
Tài liệu bồi dưỡng được biên soạn chủ yếu là cung cấp kiến thức, chưa thể hiện được nhiều về đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng phương pháp dạy học tích cực, ít có câu hỏi, bài tập nhằm tăng cường các hoạt động của người học. Trong các khóa bồi dưỡng, các báo cáo viên còn có sai sót về nội dung, lúng túng trong phương pháp, nặng về lý giải, diễn thuyết, ít vận dụng các phương pháp dạy học tích cực.
Nhóm PV giáo dục
Thông tin liên quan:
Rối bời phân ban