
Mong lắm thay những tình cảm sâu sắc, trân trọng dành cho những người thầy luôn sáng ngời chứ không chỉ dừng lại ở Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Đó cũng chính là mong muốn của Báo SGGP và Sở GD-ĐT TPHCM, đơn vị tổ chức giải thưởng trong 8 năm qua.
Đến tham dự buổi lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản đêm 19-11 có Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thành Tài; Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh; ông Mark Tucker, Tổng Giám đốc Tập đoàn Prudential toàn cầu; các Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Trần Văn Tuấn, Võ Hồng Sơn, Nguyễn Thị Tơ và đông đảo các thầy cô và học sinh.
Đêm của những cảm xúc

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, đại diện Báo SGGP, Sở GD-ĐT TPHCM và đơn vị tài trợ Prudential cùng vui với các thầy cô được giải thưởng Võ Trường Toản năm 2005.
Bất chấp cơn mưa chiều rả rích, hội trường Thống Nhất đêm trao giải thưởng Võ Trường Toản vẫn đông đủ các vị khách mời. Trên tay học trò, đồng nghiệp, người thân, những bó hoa đẹp nhất được nâng niu cho phút trân trọng nhất.
Ở phía cuối hội trường, bé Tú Duyên, học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Cách mạng Tháng Tám, với bó hoa hồng trên tay đang nóng lòng gặp cô giáo Nguyễn Thị Lan thân yêu của mình.
Hai bạn Minh Trí, Minh Phương, giờ đã là sinh viên năm thứ hai, đến dự lễ với tâm trạng bồi hồi bởi trong số thầy cô giáo nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm nay có người đã vun đắp cho hai em trở thành học sinh giỏi cấp quốc gia bộ môn Anh văn – cô Đoàn Thị Mộng Điệp (Trường PTTH Lê Quý Đôn).
Đêm trao giải còn sáng ngời tình đồng nghiệp: tập thể thầy trò Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12 đã gửi tặng 30 thầy cô nhận giải mỗi người một chiếc áo thun có in dòng chữ “Giải thưởng Võ Trường Toản”.
Cô Hồ Thị Thùy Ngân, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp cho biết: “Chúng tôi tự hào vì công sức đóng góp của các đồng nghiệp được xã hội trân trọng. Đây sẽ là động lực và mục tiêu phấn đấu cho đội ngũ nhà giáo chúng tôi”.
Cả xã hội tôn vinh nhà giáo
Trong không khí xúc động của buổi lễ, lời phát biểu khai mạc của Phó Tổng Biên tập thường trực Báo SGGP Trần Văn Tuấn đã khẳng định ý nghĩa tôn vinh của giải thưởng Võ Trường Toản trong bề dày sáng ngời của sự nghiệp giáo dục của dân tộc Việt Nam.

Niềm vui của các thầy cô được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2005.
Trong sự nghiệp ấy, vấn đề chăm lo, nâng cao chất lượng thầy cô luôn được đặt ở vị trí hàng đầu. Tôn vinh nhà giáo, chăm lo đời sống mọi mặt cho nhà giáo không phải là công việc của riêng ai.
Với nhận thức đó, Báo SGGP đã phối hợp cùng Sở GD-ĐT tổ chức giải Võ Trường Toản dành cho những thầy, cô giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trăm năm trồng người”. Giải thưởng này đã nhận được sự hỗ trợ tài chính hiệu quả của Công ty BHNT Prudential.
Dù đã tham dự nhiều lần đêm trao giải Võ Trường Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài vẫn xúc động: Trong những giai đoạn phát triển hay khó khăn, TP luôn đầu tư đặc biệt cho giáo dục để tạo nên bước đột phá trong phát triển. Bên cạnh sự gia tăng ngân sách cho ngành còn là những hình thức động viên, khích lệ.
Giải thưởng Võ Trường Toản không chỉ tôn vinh, ghi nhận cống hiến của các thầy cô mà còn là sự tiếp sức rất lớn, không đo bằng giá trị vật chất nhưng có ý nghĩa vô giá về tinh thần. TP còn nhiều giáo viên hàng ngày vẫn lặng lẽ “đưa đò”, 30 nhà giáo nhận giải hôm nay là đại diện cho những thầy cô giáo đón nhận sự tôn vinh của xã hội dành cho sự nghiệp trồng người. TP đang cùng cả nước đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH, trong đó GD-ĐT có vai trò và vị trí quan trọng.
Tấm lòng người thầy
Bình dị và từ tốn, thầy Lê Văn Hồng (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) đã làm mọi người đi từ ngạc nhiên đến thán phục một nhà giáo đã góp phần đào tạo 112 HS giỏi thành phố và 13 HS giỏi quốc gia môn hóa học. Học sinh Việt Nam lý thuyết rất giỏi nhưng thực hành chưa quen nên khi gặp câu hỏi thực hành khó là “mất điểm”, nhưng với sự dẫn dắt của thầy, học sinh đi thi quốc tế môn hóa luôn có điểm cao.
Cả hội trường lặng đi khi nghe thầy Hồng bộc bạch: Muốn làm tròn đạo hiếu người con toàn tâm toàn ý săn sóc mẹ già. Nếu lập gia đình sớm thì “gánh nặng” trên vai thầy lại đẩy sang cho người bạn đời. Do vậy, chữ hiếu vừa xong thì tóc trên đầu đã điểm bạc. Mức lương vừa đủ sống nhưng thầy vẫn trích 3 triệu đồng từ tiền thưởng tặng Hội Khuyến học tỉnh Bến Tre.
30 gương mặt nhận giải Võ Trường Toản năm 2005 dù đến từ nhiều trường khác nhau nhưng cùng chung lòng yêu nghề và tận tụy với trò, trong đó có không ít thầy cô đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn riêng để hoàn thành tốt công tác. Cô Đoàn Thị Hà vẫn còn đầy nhiệt huyết với nghề đã buộc phải từ giả bục giảng vì lý do sức khỏe và chuyển sang làm giám thị.
Nhìn thấy giáo viên Trường Nguyễn Đình Chiểu quá vất vả khi đưa học sinh đi học hội nhập, cô Hà đã tình nguyện tham gia công việc không có lương bổng, không có chế độ phụ trội. Chỉ có lòng yêu nghề mới có thể cho cô sự kiên trì nhẫn nại dịch từng chữ thường sang chữ Braille rồi ráp vần như học sinh tiểu học.
Quan niệm về vị trí người thầy không có sự khác biệt giữa Đông và Tây bởi trong phát biểu của ông Mark Tucker, Tổng Giám đốc Tập đoàn Prudential toàn cầu, thầy cô là những người mang lại kiến thức và mở ra con đường học vấn cho chúng ta. Không có sự tận tụy của họ, chúng ta sẽ không thể phát triển khả năng của mình. Giải thưởng hôm nay chỉ có thể tượng trưng cho một phần rất nhỏ so với những gì mà quý thầy cô mang đến cho các thế hệ học sinh suốt cuộc đời mình.
Ngày 19-11, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM làm lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng II, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM làm lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng III, Trường ĐH Marketing TPHCM đã khai giảng năm học khóa 2 hệ đại học và khóa 11 hệ cao đẳng và đón nhận Huân chương Lao động hạng II, Trường Cán bộ TP đón nhận Huân chương Độc lập hạng III và kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường. Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã đến dự lễ tại Trường Cán bộ TP. |
HỒNG LIÊN – LÂM VY