

Quang cảnh ngày khai mạc kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XI.
Hôm qua, 20- 3, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XI đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Dự lễ khai mạc có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, các nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt. Trước khi khai mạc, các đại biểu đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XI (nhiệm kỳ 2002- 2007) có ý nghĩa hết sức quan trọng. Quốc hội sẽ tập trung đánh giá, phân tích, rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XII.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu. Ảnh: MINH ĐIỀN
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã báo cáo với Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2006, việc triển khai nhiệm vụ năm 2007. Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XI năm 2002-2007 của Quốc hội; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết báo cáo công tác cả nhiệm kỳ 2002-2007 của Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng báo cáo công tác cả nhiệm kỳ 2002-2007 của Thủ tướng Chính phủ; Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Hiện và Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao Trần Quốc Vượng (thừa ủy quyền của Viện trưởng Viện KSND tối cao Hà Mạnh Trí) báo cáo công tác cả nhiệm kỳ 2002-2007 của TAND tối cao và Viện KSND tối cao.
Hôm nay, 21- 3, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe tờ trình về kết thúc dự án Khí- điện- đạm Bà Rịa- Vũng Tàu và phương án xây dựng Nhà Quốc hội. Thời gian còn lại trong ngày, các ĐBQH sẽ tiến hành thảo luận ở tổ về tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XI của Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.
NHÓM PHÓNG VIÊN
*****
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Bảo đảm độc lập, tự chủ trong hội nhập
Báo cáo trước Quốc hội về công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2002-2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn nhìn nhận: tăng trưởng kinh tế 5 năm qua vẫn thấp hơn so với khả năng. Một loạt bài học kinh nghiệm đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính quyền thật sự của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ ba từ phải sang) trao đổi với các đại biểu. Ảnh: MINH ĐIỀN
Theo đánh giá của Chính phủ, trong nhiệm kỳ 2002-2007, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá cao, văn hóa - xã hội có bước tiến bộ trên nhiều mặt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế đạt nhiều kết quả, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, thế và lực của đất nước được tăng cường và vững mạnh hơn.
Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã tập trung hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về kinh tế, chuyển mạnh sang điều hành bằng pháp luật trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của thị trường. Chính sách nhất quán đã tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh và phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp, trước hết là các loại hình kinh tế tư nhân. Từ năm 2002 đến năm 2006, có khoảng 170.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng bình quân mỗi năm khoảng 17%. Giai đoạn 2002 - 2007, mức huy động đầu tư toàn xã hội tăng khá nhanh. Hàng năm, vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 19%. Tổng vốn đầu tư được huy động và đưa vào nền kinh tế trong 5 năm 2002 - 2006 đạt khoảng 1.425 ngàn tỷ đồng, bằng gần 39% GDP. Trong nhiệm kỳ này, kim ngạch xuất khẩu của nước ta đã tăng từ 16,7 tỷ USD lên 39,8 tỷ USD, tăng gần 2,5 lần, bình quân hàng năm tăng trên 21,5% so với dự kiến là trên 16%. Một hướng lớn của nhiệm kỳ Chính phủ 2002 - 2007 là thúc đẩy quá trình chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Cùng với việc chỉ đạo thực hiện có kết quả các cam kết AFTA, Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ, năm 2006 Việt Nam đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mở đầu thời kỳ hội nhập đầy đủ với nền kinh tế thế giới nhằm tranh thủ thêm các nguồn lực cho sự phát triển.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành thời gian đáng kể để thẳng thắn phân tích những mặt còn tồn tại trong nhiệm kỳ qua của Chính phủ. Theo Thủ tướng, hiện nay thể chế kinh tế thị trường vẫn chưa đồng bộ, chất lượng của sự phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp trên cả 3 cấp độ: cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh ngành sản phẩm và cạnh tranh của doanh nghiệp. Một điều khác khiến Thủ tướng luôn trăn trở là cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu, kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm; quan liêu tham nhũng lãng phí chưa bị đẩy lùi. “Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức sách nhiễu, vô trách nhiệm khi giải quyết công việc của dân, của doanh nghiệp nhưng chưa bị xử lý” - Thủ tướng nói. Mặt khác, theo Thủ tướng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều hạn chế. Việc triển khai công tác phòng, chống tham nhũng không ít nơi thực hiện chưa nghiêm; nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã được phát hiện nhưng việc điều tra xét xử còn chậm, có việc xử lý chưa nghiêm.
“Những thiếu sót, bất cập nêu trên có nguyên nhân chủ quan về chỉ đạo tổ chức thực hiện chưa ngang tầm và còn nhiều yếu kém” - Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận, và “xin nghiêm túc nhận trách nhiệm về những yếu kém bất cập” của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua. Trước khi kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, bước vào giai đoạn phát triển mới, thời cơ thuận lợi là rất lớn, nhưng khó khăn thách thức cũng không nhỏ, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề: “Không có sự lựa chọn nào khác, chúng ta phải hội nhập kinh tế quốc tế thành công, bảo đảm bằng được độc lập tự chủ trong tiến trình hội nhập, thực hiện tăng trưởng kinh tế cao đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
BẢO - HÀ - VÂN
*****
Chưa bao giờ vị thế nước ta được đề cao trên trường quốc tế như hiện nay
(Trích lời khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XI của Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN PHÚ TRỌNG)

Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XI được tiến hành trong không khí phấn khởi, cả nước đã hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2006, là năm đầu tiên thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010. Có thể thấy, trong năm qua, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta được duy trì ở mức khá cao và ổn định; hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Các mặt xã hội, đặc biệt là công tác xóa đói giảm nghèo tiếp tục thu được nhiều kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Những thành công trong hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế đã tạo thêm điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Có thể nói, chưa bao giờ vị thế của nước ta được đề cao trên trường quốc tế như ngày nay.
Kỳ họp thứ 11 là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XI (2002 - 2007), có ý nghĩa hết sức quan trọng. Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian của kỳ họp để tiến hành tổng kết hoạt động của nhiệm kỳ, đánh giá những kết quả đã đạt được, phân tích, làm rõ nguyên nhân thành công và những mặt còn khiếm khuyết nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XII.
Với ý nghĩa quan trọng của kỳ họp mà nội dung trọng tâm là tổng kết công tác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, chương trình được bố trí gọn nhưng cũng rất sít sao vì khuôn khổ thời gian khẩn trương để sau kỳ họp tập trung cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, suy nghĩ, thảo luận, tham gia nhiều ý kiến thiết thực, góp phần tích cực vào thành công của kỳ họp.
*****
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Thể chế kinh tế thị trường đang được hoàn thiện
* Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức cao nhất từ trước đến nay
* Đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển bền vững

Tại buổi làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XI, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2006, việc triển khai nhiệm vụ năm 2007. Báo cáo của Chính phủ nhận định, đến hết năm 2006 có 9/16 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2006 có thay đổi so với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước (xem bảng); cơ bản đều đạt và vượt mức Quốc hội đề ra và cao hơn mức dự báo đã trình.
Phó Thủ tướng nhận định, tốc độ tăng trưởng GDP quý IV-2006 cao hơn các quý đầu năm, xuất khẩu hàng hóa tăng cả về số lượng, mặt hàng và mở rộng thị trường. Hệ thống thể chế kinh tế thị trường tiếp tục được hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực cho phát triển. Nhờ đó, vốn đầu tư toàn xã hội năm 2006 đạt 393,5 ngàn tỷ đồng, bằng 40,4% GDP, cao hơn mức dự báo. Đặc biệt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức cao nhất từ trước đến nay, cả về vốn đăng ký và vốn thực hiện, với tổng vốn cấp phép mới và tăng thêm đạt 10,47 tỷ USD.
Tình hình tài chính, tiền tệ và giá cả tiếp tục ổn định. Với tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước bằng 4,98% GDP, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,6%…; các cân đối vĩ mô đã được giữ vững; dư nợ vay của chính phủ và dư nợ vay nước ngoài của quốc gia được kiểm soát trong giới hạn an toàn. Hoạt động sôi động và bước phát triển vượt bậc của thị trường chứng khoán cũng đã được Báo cáo của Chính phủ khẳng định. Đến hết năm 2006 đã có 193 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch; tăng 4,7 lần so với năm 2005; tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 221.156 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2005 và trên 30 lần so với khi mới mở thị trường. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, quy mô thị trường còn nhỏ và tiềm ẩn rủi ro cao. Chính phủ đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng lực dự báo, tăng cường quản lý, đảm bảo cho thị trường phát triển bền vững.

Dây chuyền sản xuất thiết bị y tế xuất khẩu ở Công ty NIKKISO Việt Nam (KCX Tân Thuận, TPHCM). Ảnh: THÀNH TÂM
Hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế được đánh dấu bằng một loạt sự kiện quan trọng: Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, tổ chức thành công Hội nghị APEC lần thứ 14 và được nhiều nước đồng thuận giới thiệu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ... Một thành tựu quan trọng nữa cần khẳng định trong thời gian qua là sự phát triển kinh tế đã được gắn kết chặt chẽ với giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội khác. Nhiều giải pháp cũng đã được triển khai nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Đánh giá tình hình hai tháng đầu năm 2007, Báo cáo của Chính phủ nhìn nhận, kinh tế xã hội tiếp tục ổn định và phát triển, duy trì được đà tăng trưởng của những tháng cuối năm 2006. Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng đã lưu ý một số tồn tại cần được quan tâm xử lý trong thời gian tới, như nguy cơ hạn hán, dịch bệnh đe dọa sản xuất nông nghiệp và xã hội. Trật tự an toàn giao thông tiếp tục xấu đi, số vụ tai nạn giao thông tăng mạnh trong tháng 2 với mức độ rất nghiêm trọng… Để đảm bảo điều hành thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2007, Phó Thủ tướng nhấn mạnh 7 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó nhóm giải pháp cuối cùng nhưng lại có ảnh hưởng xuyên suốt tất cả nhóm giải pháp trên là “Thực hiện kiên quyết và đồng bộ các biện pháp phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
9 chỉ tiêu thực hiện kế hoạch năm 2006 có thay đổi so với báo cáo Quốc hội tại kỳ họp 10 |
7 nhóm giải pháp chủ yếu năm 2007 |