Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động quốc hội - Bài 2: Thực hiện tốt quyền giám sát tối cao

Hiến pháp năm 2013 nêu rõ, Quốc hội giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Quốc hội là cơ quan Nhà nước duy nhất được nhân dân giao thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, nhằm góp phần kiểm soát quyền lực, bảo đảm việc tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện quyền hiến định này, thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng hiệu quả, thực chất, với nhiều đổi mới trong phương thức tiến hành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng chủ trì cuộc họp giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội về một số nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật và công tác quy hoạch, chiều 21-4-2022. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng chủ trì cuộc họp giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội về một số nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật và công tác quy hoạch, chiều 21-4-2022. Ảnh: VIẾT CHUNG

Giám sát toàn diện

Nhìn lại các kỳ họp Quốc hội gần đây có thể thấy, hoạt động giám sát được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các ủy ban của Quốc hội thể chế hóa, đôn đốc các cơ quan hữu quan cụ thể hóa, thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách. Quốc hội thường xuyên có những giám sát chuyên đề, mà sau giám sát đã thực sự góp phần chuyển biến tình hình.

Chẳng hạn, UBTVQH giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học” (năm 2010); giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” (năm 2013).

Kết quả giám sát 2 chuyên đề là cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc ban hành nghị quyết kết quả giám sát, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo.

Bên cạnh các giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH, Quốc hội đã chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội đẩy mạnh thực hiện các giám sát chuyên đề. Các hoạt động giám sát của Quốc hội được tiến hành ở nhiều cấp độ: giám sát tối cao, giám sát của UBTVQH, giám sát của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội.

Hoạt động giám sát tiến hành liên tục qua các năm, trên nhiều lĩnh vực khác nhau, vừa góp phần thúc đẩy việc thực thi chủ trương, chính sách, pháp luật, vừa góp phần nhận diện những hạn chế, bất cập. Hầu hết các phiên họp có nội dung giám sát được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Năm 2022, cùng với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động giám sát là một điểm nhấn đậm nét trong hoạt động của Quốc hội. Chất lượng giám sát được nâng cao, chuyển biến rõ rệt; hoạt động giám sát ngày càng thực chất, khách quan, sâu sát, tăng tính trách nhiệm, khắc phục tính hình thức.

Đơn cử, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận báo cáo giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Đây là chuyên đề giám sát được cử tri, nhân dân cả nước và dư luận đặc biệt quan tâm, có quy mô và lực lượng huy động tham gia rất lớn, với tất cả 63 đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND các tỉnh, thành, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ.

Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn, đã làm việc, giám sát trực tiếp với Chính phủ, 15 bộ, ngành trung ương, 15 địa phương và khối cơ quan tư pháp.

Các bộ, ngành, địa phương, HĐND và đoàn ĐBQH các tỉnh, thành đã cung cấp 580 văn bản, báo cáo và hệ thống các phụ lục khoảng 100.000 trang tài liệu. Khi báo cáo tại Quốc hội, đoàn giám sát đã trình chiếu video/clip về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, rất công phu, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước nội dung giám sát…

Bà Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết, bà đặc biệt ấn tượng với giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Qua giám sát, Quốc hội đã yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, lao động, thời gian lao động; kiên quyết thu hồi đất đã giao mà chưa sử dụng theo quy định hoặc do hành vi vi phạm pháp luật mà có...

ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) đánh giá, trong quá trình tiến hành giám sát cũng có nhiều điểm đổi mới so với thông lệ trước đây. Chẳng hạn, các đoàn giám sát mời thêm sự tham gia của lãnh đạo một số cơ quan có liên quan, các chuyên gia; sử dụng tối đa các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. UBTVQH cũng đã định kỳ xem xét, thảo luận báo cáo về công tác dân nguyện tại phiên họp hàng tháng. Đây là một đổi mới quan trọng được ĐBQH, cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao.

Kiểm soát quyền lực

Giám sát thông qua hoạt động chất vấn, giải trình tại Quốc hội cũng là hình thức giám sát quan trọng, thể hiện rõ nét tính dân chủ trong hoạt động. Không chỉ chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội, hoạt động chất vấn còn được thực hiện tại phiên họp của UBTVQH, phiên giải trình tại cuộc họp của các ủy ban thuộc Quốc hội. Phiên chất vấn tại UBTVQH còn mời cả các ĐBQH hoạt động chuyên trách ở Trung ương và các ĐBQH ở địa phương cùng tham gia.

Cử tri Võ Thị Thúy Hà (quận Hà Đông, Hà Nội) năm nay 65 tuổi, là người thường xuyên theo dõi phiên chất vấn qua các kỳ Quốc hội, nhận xét: các ĐBQH đã thực sự tâm huyết và trách nhiệm trước nhân dân khi đặt nhiều câu hỏi chất vấn thẳng thắn, bám sát thực tiễn, trúng các vấn đề nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng, điều quan trọng nhất của hoạt động chất vấn không phải chỉ là hỏi - đáp cho xong, mà qua quá trình giám sát, các ĐBQH đã phát hiện rất nhiều vấn đề cần được điều chỉnh thông qua hoạt động chất vấn. Thực tế cũng cho thấy, nhiều vấn đề được chất vấn đã có sự thay đổi, được giải quyết sau đó.

Nhìn lại việc thực hiện vai trò giám sát của Quốc hội trong những kỳ họp gần đây, PGS-TS Đinh Văn Nhã, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhận định, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục được tăng cường, có sự đổi mới, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng hoặc những bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực.

Quốc hội luôn tự đổi mới, thay đổi trong tư duy và cách thức thực hiện giám sát, nhằm góp phần kiểm soát quyền lực Nhà nước. Tuy nhiên, có một vấn đề cần đặt ra là hoạt động chất vấn tại kỳ họp nếu chỉ dừng lại ở chất vấn mà không giám sát tại kỳ họp tiếp theo để đánh giá lại, thì hoạt động chất vấn sẽ không thực sự hiệu quả.

Do đó, ĐBQH Trương Xuân Cừ (Hà Nội) và nhiều ĐBQH đều cho rằng, tất cả nội dung được ĐBQH chất vấn tại kỳ họp trước cần được Quốc hội dành thời gian thích hợp tại kỳ họp tiếp theo để xem xét lại các nội dung chất vấn, có như thế thì vai trò giám sát của Quốc hội mới thực sự “đến nơi đến chốn”.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Theo ĐBQH Vũ Trọng Kim (Nam Định), đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa để đánh giá hiệu quả công việc ở các vị trí chủ chốt và cũng là dịp lắng nghe ý kiến của cử tri, rà soát công tác cán bộ, từ đó thúc đẩy tinh thần trách nhiệm đối với những vị trí này. Điều đó cũng tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, cán bộ được bầu, bổ nhiệm “ngủ yên” trong cả nhiệm kỳ; thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, giúp lựa chọn đúng người tài - đức gánh vác nhiệm vụ quan trọng của đơn vị, đất nước. Chính vì vậy, lá phiếu của ĐBQH phải thể hiện được sự đánh giá khách quan, toàn diện của mình.

Tin cùng chuyên mục