Tiếp tục nâng cao chất lượng khoa học

Tiếp tục nâng cao chất lượng khoa học

Sở KH-CN TPHCM vừa kỷ niệm 35 năm thành lập. Dịp này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, tìm hiểu những nét căn bản nhất trong quá trình phát triển KH-CN đã gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP thời gian qua.

Tiếp tục nâng cao chất lượng khoa học ảnh 1

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà trao Huân chương Lao động hạng ba cho các cán bộ Sở KH-CN TPHCM. Ảnh: Mai Hải

- PV: Thưa ông, 35 năm là một chặng đường dài, đâu là những điểm mốc của quá trình xây dựng, phát triển ngành KH-CN TPHCM?

PGS-TS PHAN MINH TÂN: 35 năm là một chặng đường dài song có thể khái quát bằng 4 giai đoạn. Từ 1976 đến 1985 là giai đoạn tập hợp, đoàn kết và phát huy đội ngũ trí thức từ nhiều nguồn đào tạo khác nhau trên địa bàn TPHCM tham gia vào quá trình khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Giai đoạn 1986 -1996, hoạt động KH-CN của TP từ phân tán, tự phát đã được chuyển sang chương trình hóa, tập trung vào các mục tiêu phát triển trọng điểm phù hợp với các chương trình kinh tế - xã hội TP. Giai đoạn 1997 - 2005 bắt đầu hội nhập trên quy mô toàn cầu, trong đó KH-CN là nền tảng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giai đoạn 2006 đến nay, liên tục đổi mới cơ chế, chính sách quản lý hoạt động KH-CN TP và thu hút, phát huy đội ngũ trí thức KH-CN trong và ngoài nước nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động. Song song đó là quá trình đẩy mạnh hợp tác với các ngành, địa phương và hợp tác quốc tế về KH-CN trong các lĩnh vực năng lượng, môi trường, biến đổi khí hậu, công nghệ sinh học, phân tích kiểm nghiệm, đào tạo kỹ thuật, chuyển giao công nghệ... để huy động nhiều nguồn lực phát triển KH-CN TP.

- TPHCM đã tạo được những giá trị tiền đề gì cho quá trình phát triển sau này?

Giai đoạn này đã hình thành và phát triển mô hình liên kết tam giác: “Doanh nghiệp - Nhà nước - Cơ sở nghiên cứu khoa học” trong hoạt động KH-CN thông qua chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa với chi phí thấp, tạo ưu thế cạnh tranh tổng hợp và đẩy mạnh xuất khẩu. Bước đầu hình thành thị trường KH-CN thông qua tổ chức các chợ thiết bị - công nghệ, chợ tư vấn KH-CN. Phát triển ngành công nghiệp CNTT thông qua sự thành lập một số trung tâm và công viên phần mềm tập trung, như Trung tâm Công nghệ phần mềm Sài Gòn (SSP), Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), Khu Công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM. Nổi bật, đã đưa Khu Công nghệ cao TPHCM vào hoạt động và tiếp tục có những chuyển biến tích cực trong đầu tư và phát triển công nghệ… Đến nay, Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao TPHCM tiếp tục phát triển và mở rộng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ công nghệ cao.

- Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ từ năm 2006 đến nay có được xem là nhiệm vụ trọng tâm, gắn liền với việc phát triển kinh tế - xã hội TP?

Thực hiện nhiệm vụ này, sở đã tập trung chỉ đạo vào công tác chuyển giao và ứng dụng các kết quả nghiên cứu, nhất là đối với các sở, ngành đã có đặt hàng các đề tài. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng trong thực tế, góp phần giải quyết các vấn đề “nóng” của TP, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đã đầu tư cho một số đề tài, dự án nghiên cứu với kinh phí tương đối lớn (từ 2 - 4 tỷ đồng/đề tài) trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, năng lượng, thiết kế vi mạch… từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải như trước đây. Các đề tài hiện đang triển khai và hứa hẹn sẽ tạo ra được sản phẩm mới hoặc công nghệ mới có thể đem lại hiệu quả kinh tế hàng triệu USD. Đây cũng là những mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới.

Vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới là bảo đảm tiến độ thời gian và chất lượng khoa học cũng như giá trị thực tiễn của nhiều đề tài và dự án. Số lượng đề tài, dự án hoàn thành chậm tiến độ có xu thế tăng lên mà phần lớn nằm ở nguyên nhân chủ quan là chủ nhiệm đề tài và các cộng tác viên chưa đầu tư thời gian thỏa đáng cho công tác nghiên cứu khoa học, thậm chí chỉ quan tâm tới các đề tài khi có thời gian “trống”. Chất lượng các công trình nghiên cứu chưa được cải thiện, do vậy rất khó khăn để áp dụng vào thực tế. Cho nên, sở sẽ nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khoa học và giá trị thực tiễn của các đề tài với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng và hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học.

  • Một số chương trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TPHCM

- Đề án “Đổi mới công nghệ công nghiệp sản xuất phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn TP” đã khảo sát nhu cầu đổi mới công nghệ của 50 doanh nghiệp, qua đó tư vấn đổi mới công nghệ cho 9 doanh nghiệp về tiết kiệm năng lượng, cải tiến sản xuất…

- Chương trình tiết kiệm năng lượng đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; cung cấp thông tin cho khoảng 12.800 doanh nghiệp, tòa nhà văn phòng, trường học, viện nghiên cứu; kiểm toán năng lượng, tư vấn cho 600 doanh nghiệp, tòa nhà về các giải pháp tiết kiệm năng lượng với tiềm năng tiết kiệm năng lượng >20%.

  • Những chuyển biến trong phát triển nguồn nhân lực

Hoạt động KH-CN TPHCM không những đảm bảo phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội TP mà còn phát triển tiềm lực KH-CN. Chính vì thế, trong các chương trình, chương trình phát triển nguồn nhân lực KH-CN được sở thực hiện trong những năm qua cho thấy những chuyển biến tích cực.

Phát triển nguồn nhân lực trình độ cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được thực hiện thông qua chiến lược liên kết hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước. Như tại Khu công nghệ cao, đã tiến hành các chương trình đào tạo ngắn hạn về kỹ năng chuyên nghiệp; liên kết với Đại học Quốc gia TPHCM trong đào tạo, hỗ trợ huấn luyện chuyên môn và cung cấp nguồn lực; hỗ trợ các doanh nghiệp trong đào tạo, huấn luyện nhân sự. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu công nghệ cao cũng chủ động trong hợp tác, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đào tạo công nghệ cao theo tiêu chuẩn và lĩnh vực yêu cầu. Còn Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM đã xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ sinh học đến năm 2012 với số lượng cán bộ khoa học đào tạo sau đại học là 100 người. Từ năm 2007, trung tâm đã cử 13 cán bộ đào tạo sau đại học trong nước và 11 cán bộ đi đào tạo tại các nước: Nhật, Hàn Quốc, Hà Lan, Canada và Cuba.

Song song đó, phát triển nguồn nhân lực CNTT bằng cách thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển nhân lực CNTT TPHCM để hỗ trợ tài chính cho các chương trình phát triển nhân lực CNTT và dự án đầu tư về đào tạo CNTT; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực CNTT với các doanh nghiệp CNTT, phần mềm lớn trên thế giới để thành lập các trung tâm đào tạo chuyên viên CNTT theo chương trình cấp chứng chỉ và văn bằng quốc tế.

Công tác phát triển nguồn nhân lực tại các trường đại học cũng được gắn kết với sở. Các trường đại học trên địa bàn TP không ngừng phát triển, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Chương trình đào tạo kỹ sư tài năng tại Trường Đại học Bách khoa đã chứng minh được hiệu quả trong việc phát huy tài năng trẻ. TP đã hỗ trợ kinh phí cho một số đơn vị khoa học xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm, gần đây nhất đã thẩm định đề án và hỗ trợ 50% kinh phí (15 tỷ đồng) xây dựng Phòng thí nghiệm nghiên cứu tế bào gốc cho Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM).

Để quản lý tốt tiềm lực khoa học và công nghệ, Sở KH-CN còn phối hợp với Cục Thống kê TP và Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật bổ sung về lực lượng KH-CN ở TP và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài; về cơ sở vật chất kỹ thuật khoa học công nghệ trên địa bàn TP nhằm nắm vững nguồn lực tri thức để sử dụng đúng chuyên môn, sở trường của lực lượng KH-CN trong và ngoài nước. Với những chuyển biến tích cực trong thời gian qua, rõ ràng việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực KH-CN trình độ cao đang từng bước đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học, tiếp thu làm chủ và sáng tạo công nghệ mới hiện đại.

Bá Tân thực hiện

Tin cùng chuyên mục