Công nghiệp Đà Nẵng

Tìm lợi thế từ làm vệ tinh

Tìm lợi thế từ làm vệ tinh

Khái niệm công nghiệp vệ tinh đã được các nhà quản lý kinh tế Đà Nẵng đưa ra những năm gần đây như định hướng để chấn chỉnh tình hình đầu tư công nghiệp địa phương. Theo đó, chặng đường sắp tới của công nghiệp Đà Nẵng sẽ chịu nhiều áp lực cạnh tranh hơn nhưng cũng có những thay đổi quan trọng để phát triển mạnh hơn.

Phân tích của các nhà quản lý cho thấy, sau chặng đường 30 năm đầu tư phát triển, công nghiệp Đà Nẵng đang bộc lộ rõ những nhược điểm cần khắc phục ngay. Định hướng công nghiệp nặng, chú trọng chế tạo và sản xuất hàng xuất khẩu của giai đoạn trước đây tất nhiên mang lại những thành quả nhất định cho kinh tế địa phương, nhưng “càng đi xa càng trì trệ”.

Đà Nẵng với nguồn tài nguyên thiên nhiên không dồi dào, xa các vùng nguyên nhiên liệu hỗ trợ, lại eo hẹp mặt bằng đất đai… thật sự không phù hợp các dự án đầu tư công nghiệp quy mô mà địa phương đã cố gắng mời về.

Tìm lợi thế từ làm vệ tinh ảnh 1

Ngành cơ khí chế tạo sẽ được Đà Nẵng điều chỉnh theo hướng ứng dụng hiện đại hơn.

Trong hoạch định kinh tế của Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng, cho đến năm 2010 công nghiệp vẫn được xác định giữ vai trò chủ lực. Song sau năm 2010, Đà Nẵng sẽ khẳng định vị trí đô thị tâm điểm miền Trung, trở thành đầu mối giao thương đích thực cho các hoạt động đầu tư trong khu vực, dự án dọc theo hành lang kinh tế Đông Tây và tuyến trục kinh tế Bắc-Nam. Những yếu tố này đòi hỏi địa phương phải chuyển dịch theo hướng ưu tiên dịch vụ, du lịch và thương mại. Sản xuất công nghiệp chỉ còn vai trò bổ trợ, phục vụ các lĩnh vực kia.

Trước mắt, Đà Nẵng phải sớm định hình được hoạt động công nghiệp vệ tinh an toàn, đa dạng, ứng dụng công nghệ cao, phục vụ tốt nhu cầu đầu mối làm xuất nhập khẩu, luân chuyển hàng hóa khu vực. Các ngành ưu tiên phát triển sẽ ở 3 lĩnh vực chế biến xuất khẩu, làm hàng tiêu dùng và dịch vụ công nghiệp. Sản phẩm lợi thế của địa phương sẽ chuyển dần từ hàng dệt may, cơ khí nặng sang hàng tiêu dùng trực tiếp, như hàng gia dụng, lương thực, thực phẩm chế biến, nước uống…

Các dạng sản phẩm cơ khí cũng sẽ có tính công nghệ hiện đại hơn, như sản xuất ô tô, xe máy, dây cáp điện, tụ điện, linh kiện điện tử, máy vi tính… Đặc điểm căn bản trong các sản phẩm này là chỉ giữ vai trò cung ứng nguyên liệu công nghệ và hoàn thiện dây chuyền đầu tư sản xuất cho các dự án công nghiệp trong vùng, miền. Đơn cử, các sản phẩm mô tơ cỡ nhỏ, linh kiện điện tử của tập đoàn Mabuchi (Nhật Bản) vừa triển khai mới đây chỉ giữ vai trò xuất khẩu để phục vụ các dự án sản xuất lắp ráp xe và máy móc công nghiệp quy mô. Rất nhiều dự án như vậy đã được đầu tư tại Đà Nẵng trong 2 năm qua và sẽ còn tiếp tục được đầu tư những năm tới.

Ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng cho biết, càng ngày càng có nhiều nhà đầu tư chú ý đến vị trí lợi thế của Đà Nẵng trong mục tiêu liên kết các dự án phát triển hơn là chấp nhận điều kiện đầu tư đơn độc tại đây. Một doanh nghiệp có thể thiết lập trụ sở phân phối, kinh doanh tại Đà Nẵng nhưng sẽ đặt nhà máy ở các tỉnh thành khác, thậm chí tận Thái Lan hay Lào để tiện khai thác nguồn nguyên vật liệu, nhân công tại chỗ.

Do đó, ngay từ bây giờ, Đà Nẵng cần chủ động tạo lập các đơn vị giữ vai trò vệ tinh, với sản phẩm phục vụ thay thế hàng nguyên liệu nhập khẩu và đóng gói để xuất khẩu… Việc này cũng cho phép dịch chuyển dần các dự án đầu tư công nghiệp quy mô ra khỏi Đà Nẵng nhưng vẫn giữ vững quan hệ đầu mối xúc tiến đầu tư, lôi kéo các dự án hình thành quanh Đà Nẵng. Như vậy, Đà Nẵng mới chắc chắn thành công trong chiến lược định hình lại hướng đi cho nền công nghiệp của mình!

Theo ông Trần Văn Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng thì địa phương muốn nâng tầm của mình lên vị trí đại diện của miền Trung nhất thiết phải dựa vào sự thay đổi tích cực trong các dự án đầu tư kinh tế. “Một khi Đà Nẵng đặt vị trí mình làm vệ tinh cho các nơi phát triển thì các nơi sẽ chấp nhận Đà Nẵng làm đầu mối trước tiên”, ông Minh nhấn mạnh như vậy. 

Huỳnh Ký

Tin cùng chuyên mục