Tin đồn... nhảm, thiệt hại... thật!

Tin đồn... nhảm, thiệt hại... thật!

Trong các khó khăn tác động đến hoạt động ngân hàng, tin đồn thất thiệt gây tác động lớn. Nó không chỉ xâm hại đến uy tín, ảnh hưởng đến ngân hàng nào đó, mà còn phá hoại an ninh tiền tệ, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Vì vậy, việc tìm giải pháp phòng chống tin đồn đang là vấn đề cấp bách hiện nay của hệ thống ngân hàng nước ta.

  • Phòng hơn chống

Tin đồn thất thiệt đã “đánh” vào hệ thống ngân hàng nước ta qua sự kiện của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) (vào tháng 10-2003), Ngân hàng TMCP Nông thôn Ninh Bình (tháng 7-2005) và Ngân hàng TMCP Phương Nam chi nhánh Hà Nội (cuối tháng 7-2005).

Tin đồn... nhảm, thiệt hại... thật! ảnh 1

Các ngân hàng phải chủ động có phương án xử lý sự cố tin đồn.

Những thông tin sai lệch đã gây tâm lý hoang mang, làm cho người gửi tiền rút tiền ồ ạt, dẫn đến các ngân hàng này bị khó khăn tạm thời trong chi trả. Với sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) và các cơ quan truyền thông… mới ngăn chặn được hiệu ứng dây chuyền của tin đồn.

Theo ông Hà Thế Ổn, Phó Tổng Giám đốc BHTGVN, chính các sự kiện này là bài học cho các ngân hàng, các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương rút kinh nghiệm và có phương án phản ứng kịp thời trước tình huống bất ngờ xảy ra trong quá trình hội nhập. Không thể chờ sự cố tin đồn xảy ra rồi mới xử lý mà đòi hỏi các ngân hàng phải phòng trước khi chống.

Muốn thực hiện điều này, trước nhất các ngân hàng thương mại phải thực hiện đúng các quy định của nhà nước về an toàn vốn, duy trì khả năng thanh khoản; chủ động xây dựng phương án xử lý các tình huống khi xảy ra tình trạng khách hàng đột xuất ồ ạt rút tiền trước hạn, cần tuyệt đối tránh hiện tượng khất chi khi khách hàng có nhu cầu rút tiền và đặc biệt chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan quản lý cũng như cơ quan báo chí, truyền thông về hoạt động ngân hàng định kỳ khi xảy ra sự cố.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc ACB, cho rằng sở dĩ tin đồn tồn tại được vì ta chưa có một tổ chức nào phát ngôn chính thức về thông tin hoạt động ngân hàng. Vì vậy các ngân hàng phải xây dựng được một chiến lược truyền thông chuyên nghiệp cho hoạt động ngân hàng, trong đó công tác PR phải đóng vai trò quan trọng.

Ông Hải cho biết sau “tai nạn” trước đây, ACB đã xây dựng ngay một loạt các kịch bản, phương án để ứng phó với tin đồn (từ thanh khoản đến công tác truyền thông…) với sự phân chia cấp độ rủi ro, ngân hàng sẽ tiến hành báo động nhanh chóng đến toàn hệ thống để có phương án đối phó kịp thời với sự cố.

Vấn đề công khai tài chính của các ngân hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong xử lý tin đồn. Theo T.S Lê Hùng (Đại học Ngân hàng TPHCM) các ngân hàng có thể bảo mật công nghệ hay chiến lược hoạt động, nhưng tài chính thì phải công khai để cho người dân biết đến “sức khỏe” của mình, có như vậy mới xây dựng được niềm tin trong dân.

Có một thực tế hiện nay là ý thức về công khai và minh bạch tài chính của các ngân hàng vẫn còn kém. Chỉ cần một tin đồn có đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của người dân thì hậu quả mang lại cho cả hệ thống ngân hàng là rất lớn.

  • “Sống chung” với tin đồn

Theo ông Trần Huy Chương, Trưởng Đại diện Hiệp hội Ngân hàng tại TPHCM, tin đồn có thể xảy ra trong mọi lĩnh vực và không thể xóa bỏ tin đồn vì vậy các ngân hàng phải biết “sống chung” với tin đồn. Từ việc xác định nguồn gốc của tin đồn, hệ thống ngân hàng nước ta cần phải xây dựng phương án cụ thể liên kết giữa các ngân hàng trên cùng địa bàn để khi cần thiết có thể hỗ trợ lẫn nhau trong thanh khoản.

NHNN cần tăng cường giám sát, phối hợp phát ngôn kịp thời với các cơ quan pháp luật, cơ quan báo chí… khi sự cố xảy ra. Về lâu dài, hệ thống ngân hàng thương mại nên nghĩ đến việc thiết lập “Quỹ an toàn hệ thống” để xử lý các sự cố của các ngân hàng thành viên, trong đó đề cử BHTGVN là nơi quản lý và có quy chế sử dụng nguồn quỹ này.

NHNN cũng cần đẩy nhanh việc hoàn chỉnh và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế, có cơ chế ứng xử linh hoạt, đủ sức hỗ trợ giải quyết khi có sự cố xảy ra.

Hiện nay cơ chế hoạt động của BHTGVN đang tiếp tục hoàn thiện theo hướng: Khi các hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra sự cố đột xuất, ngoài việc thực hiện trách nhiệm chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền khi tổ chức này giải thể phá sản, BHTGVN còn thực hiện chức năng hỗ trợ tài chính theo quy định của Chính phủ để góp phần ổn định nhanh hoạt động các tổ chức kinh doanh tiền tệ.

Ngoài ra, BHTGVN phải tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi để giúp các đơn vị hoạt động an toàn và chấp hành các quy định an toàn trong hoạt động của mình. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia hiện nay người dân vẫn chưa biết nhiều đến hoạt động của BHTGVN.

Vì vậy đòi hỏi BHTGVN nên tuyên truyền quảng bá thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người gửi tiền hiểu và yên tâm là tiền gửi tại ngân hàng đã được bảo hiểm. Đây là biện pháp phòng ngừa nhưng cũng là biện pháp chống, để người dân an tâm. 

THIÊN - NGÂN

Tin cùng chuyên mục