Khu không gian khoa học được xem như là “trái tim” của Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) vì nơi chỉ tập trung các doanh nghiệp (DN), đơn vị chuyên về nghiên cứu, sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng… Đến nay đã tròn 3 năm xây dựng nhưng hình dáng và sức mạnh “trái tim của SHTP” vẫn chưa rõ nét. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP.
- Phóng viên: Thưa ông, từ tháng 6-2010, Ban Quản lý Khu SHTP đã hoàn tất quy hoạch chi tiết của Khu không gian khoa học, vậy đến nay việc thu hút DN vào đây có như mong muốn?
>> PGS-TS LÊ HOÀI QUỐC: Do quy hoạch khu 93ha chuyên về nghiên cứu, đào tạo, ươm tạo công nghệ cao này nằm giữa SHTP nên trong sơ đồ tổng thể phát triển, chúng tôi gọi tắt là Khu trái tim công nghệ cao, hay Khu không gian khoa học để các đối tác dễ hình dung hoạt động chủ lực của phân khu chức năng này. Đến nay, nơi đây đã triển khai thu hút đầu tư trên 10 đối tác. Thực sự đầu tư vào nghiên cứu công nghệ, ươm tạo công nghệ cao là đầu tư mạo hiểm và thời gian qua do biến động về kinh tế nên một số nhà đầu tư dự án vào Khu không gian khoa học chậm triển khai. Một số nhà đầu tư đã khởi công xây dựng cơ sở nghiên cứu công nghệ cao như Viện Nghiên cứu năng lượng mới Tập đoàn Dầu khí, Đại học Hutech, Trung tâm Sắc ký Hải Đăng..
- DN Việt Nam có hào hứng khi đầu tư vào Khu không gian khoa học? DN nước ngoài có vẻ như không quan tâm đến Khu không gian khoa học?
Như đã trình bày ở trên, việc quan tâm đầu tư vào Khu không gian khoa học thu hút sự chú ý của các tập đoàn công nghệ cao nước ngoài và cả các DN KH-CN Việt Nam. Đã có một số tập đoàn chuyên về phát triển công viên khoa học đang xúc tiến đầu tư hạ tầng cho khu này, một số công ty công nghệ thông tin, công nghệ sinh học hàng đầu của thế giới có tiếp xúc về ý định đầu tư cơ sở nghiên cứu triển khai (R&D) của họ sau khi đánh giá nguồn nhân lực trình độ cao của Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu đầu tư dạng triển khai hoặc công đoạn sáng tạo công nghệ. Điển hình qua sự đầu tư của Tập đoàn Sanofi khi thành lập một trung tâm R&D tại SHTP. Hay FPT cũng đang nâng cấp hoạt động thông qua dự án đầu tư một cơ sở nghiên cứu - đào tạo bậc cao theo chiến lược mới của tập đoàn này…
- Có ý kiến cho rằng, 93,22ha dành cho Khu không gian khoa học là không kinh tế, vậy thực chất giáù trị của Khu không gian khoa học như thế nào?
Các nước phát triển trên thế giới đã chứng minh nền kinh tế tri thức có hiệu quả kinh tế hơn hẳn nền kinh tế công nghiệp. Có thể minh chứng qua sự đầu tư đúng đắn cho nghiên cứu triển khai công nghệ cao của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Phần Lan... đã tạo cho các nước này sự vượt trội, khởi sắc chỉ trong một vài thập niên. Khu không gian khoa học của SHTP là thể nghiệm đầu tiên về mô hình kinh tế tri thức với dự báo về giá trị gia tăng cao gấp bội các phân khu sản xuất, dịch vụ còn lại. TP cũng đã chuẩn bị nghiên cứu thành lập một khu công nghệ cao thứ hai với sự tập trung toàn bộ hoạt động về R&D và ươm tạo công nghệ nhằm góp phần đẩy mạnh sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, dự kiến gọi là Công viên Khoa học TPHCM.
- Hiện các DN, đơn vị đầu tư vào Khu không gian khoa học đã đạt được những giá trị như ông nói?
Các đơn vị đầu tư vào Khu không gian khoa học trong SHTP đều có nghiên cứu về kế hoạch kinh doanh, cho thấy họ sẽ đạt các giá trị đầu tư xứng đáng khi chọn dạng đầu tư tiên tiến này. Tuy nhiên, các cơ sở đang triển khai xây dựng từ năm 2012, chưa hoạt động ổn định nên chưa đánh giá qua thực tiễn. Một số cơ sở DN ở khu sản xuất đã có đầu tư khá cao cho hoạt động R&D như FPT, Nanogen… đều có doanh thu lớn và giá trị gia tăng cao.
- Vào Khu không gian khoa học, các dự án nghiên cứu, ươm tạo đòi hỏi những chiến lược dài hơi… Vậy DN, đơn vị muốn đầu tư vào đây cần chuẩn bị gì?
Nguyên tắc hàng đầu của DN là tồn tại, sau đó mới là chiến lược thị phần, định vị… Muốn tồn tại, tất yếu phải đổi mới công nghệ, không thể chỉ nhập trang thiết bị mới ở nước ngoài về thì đảm bảo sự tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt về công nghệ cao, công nghệ mới hiện nay. Nhiều khi, DN muốn mua công nghệ cũng chẳng ai bán cho. Vậy lối thoát cho các công ty, tập đoàn Việt Nam chính là tầm nhìn. Khi có tầm nhìn đúng, tốt thì dòng chảy tài chính đương nhiên hướng về DN đổi mới công nghệ có sức hấp dẫn hơn các DN còn lại.
- TP sẽ được gì khi Khu không gian khoa học xây dựng thành công và cơ sở nào để ông tin tưởng nó sẽ thành công?
Nhiệm vụ nâng cao giá trị gia tăng của hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao là nhiệm vụ xuyên suốt và được Ban Quản lý SHTP tập trung thúc đẩy hiện nay và trong thời gian sắp tới theo những gì mà lãnh đạo TP và trung ương đặt ra. Mục tiêu đưa SHTP trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển mạnh của khu vực Đông Nam Á là nhiệm vụ khó khăn, cần nhiều nỗ lực để hoàn thành. Nhiều chuyên gia hàng đầu của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đã nói Khu không gian khoa học là quy hoạch đúng cho việc phát triển công nghệ cao Việt Nam. Chúng tôi cũng đang nỗ lực hết sức để luôn có phương cách, giải pháp tốt nhất cho việc thực hiện trọn vẹn “trái tim khu công nghệ cao”, động lực cho sự phát triển bền vững của SHTP và chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào hướng đi này.
BÁ TÂN thực hiện