- Giao lưu “Mùa xuân hiếu học”
Ngày 27-1, Hội Khuyến học TPHCM đã tổ chức buổi giao lưu “Mùa xuân hiếu học” với các gia đình phấn đấu vượt qua nghịch cảnh, nuôi dạy con cái thành đạt. Đó là ông Dư Ngọc Hải (quận 12) đã trải qua nhiều nghề trồng mía, trồng lài, chạy xe ôm để nuôi 9 người con học ĐH và sau ĐH. Ông Thái Anh Tuấn (huyện Bình Chánh) thuộc diện xóa đói giảm nghèo nhưng luôn xem trọng việc học của con. Và tiêu biểu cho những tấm gương hiếu học là Trần Nguyễn Bích Châu (quận Bình Thạnh) với quan niệm “học giỏi để thoát nghèo”, Châu đã giành được học bổng sau ĐH của ĐH Oxford, Anh quốc… Được biết, toàn TP có 20.000 gia đình hiếu học. Mỗi gia đình hiếu học đã góp phần cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng.
D.D
- 1.000 học sinh tiểu học nhận chứng chỉ tiếng Anh thiếu nhi
Ngày 27-1, Sở GD-ĐT TPHCM và Đại học Cambridge đã trao chứng chỉ tiếng Anh thiếu nhi (cấp độ Starter) do Đại học Cambridge cấp cho 1.000 học sinh các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM. Đây là số học sinh đầu tiên được nhận chứng chỉ trong chương trình ký kết hợp tác về tổ chức các kỳ thi tiếng Anh giữa Sở GD-ĐT TPHCM và Đại học Cambridge. Việc tổ chức thường xuyên các kỳ thi Anh văn thiếu nhi này là một bước quan trọng của Sở GD-ĐT TPHCM trong việc nâng cao tiêu chuẩn đánh giá các kỹ năng tiếng Anh của học sinh cũng như hỗ trợ chuyên môn cho các trường và các giáo viên tiếng Anh trong công tác giảng dạy.
L.L.
- 58 NXB và nhà in tham gia đấu thầu sách giáo khoa
Ngày 27-1, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Giáo dục (NXB GD) đã tổ chức đấu thầu in sách giáo khoa (SGK), sách tham khảo năm 2007 với sự tham gia của 58 nhà xuất bản và nhà in trên toàn quốc. Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Tổng giám đốc NXB GD cho biết, năm 2007 số lượng SGK và sách tham khảo đưa ra đấu thầu lên tới 54 gói thầu, tăng gấp 1,5 lần so với năm trước và đây là một trong những dấu hiệu tích cực của việc xã hội hóa in sách giáo khoa.
Được biết, Bộ GD-ĐT đã tổ chức soạn thảo quy định về quy trình biên soạn, xuất bản, in và phát hành SGK, tuy nhiên, đến nay còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu nên chưa được ban hành (như việc đảm bảo chất lượng SGK, cung ứng sách cho các vùng khó khăn…). Tuy nhiên, theo dự kiến, những SGK đã biên soạn và đang được triển khai thí điểm thì Bộ GD-ĐT tiếp tục chủ trì thực hiện để hoàn thiện; việc xuất bản, in, phát hành SGK sẽ mở rộng để các tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật cùng tham gia. Khi được Quốc hội, Chính phủ cho phép, có thể tổ chức biên soạn, in, phát hành nhiều bộ SGK theo chương trình đã được ban hành. Như vậy, cho đến thời điểm này, NXB GD được xem là còn giữ “độc quyền” trong khâu tổ chức bản thảo sách giáo khoa.
V.L.