
Bộ phim “Người Bình Xuyên”, dài 78 tập do Nguyễn Tường Phương và Lê Phương Nam biên kịch kiêm đạo diễn, hãng TFS sản xuất. Phim được thực hiện khá công phu, ròng rã suốt 5 năm trời và dự kiến phát sóng trên truyền hình vào dịp lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Đạo diễn Nguyễn Tường Phương:
- PV: Thưa đạo diễn Nguyễn Tường Phương, “Người Bình Xuyên” là bộ phim truyện lịch sử dựa theo tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyên Hùng, có điểm khác nào khi chuyển thể từ tiểu thuyết thành kịch bản phim?
- Đạo diễn NGUYỄN TƯỜNG PHƯƠNG: Về cơ bản, tư tưởng chủ đạo bộ phim không có gì khác so với tiểu thuyết ký sự lịch sử “Người Bình Xuyên” của nhà văn Nguyên Hùng. Chúng tôi bắt gặp trong tác phẩm của ông một mạch ngầm của dòng chảy xuyên suốt chiều dài lịch sử vùng đất Nam bộ. Đó là một giai đoạn lịch sử đầy bi tráng khi Pháp nã phát súng đầu tiên vào cửa Cần Giờ và đánh chiếm thành Gia Định năm 1859.
Sau đó đến những cuộc nổi dậy của người dân yêu nước Nam bộ bất chấp lệnh vua hòa nghị với giặc. Nghĩa quân kháng cự anh dũng, khi 6 tỉnh Nam kỳ bị rơi vào tay Pháp, vẫn nổ ra những cuộc đấu tranh liên tục trong thời kỳ phát triển chính sách khai thác thuộc địa tàn bạo của thực dân Pháp.
Mất đất, mất nước, những người nông dân nghèo khổ Nam bộ trong giai đoạn này bị tha hóa và sống co cụm trở thành những nhóm giang hồ một cõi... Nội dung phim Người Bình Xuyên cũng phản ánh một thời hoạt động của những phe nhóm giang hồ cho đến khi gặp được Đảng Cộng sản. Lòng yêu nước được khơi dậy và họ đã tập hợp lại thành những đội quân cứu quốc, theo Đảng làm cách mạng, chống Pháp. Hoạt động rõ nét nhất, bắt đầu từ cuộc khởi nghĩa Nam kỳ…
- Người Bình Xuyên được tái hiện như thế nào trong phim?
- Chúng tôi thể hiện hệ thống hình tượng nhân vật trên trục lịch sử kháng chiến. Cho nên, đan xen trong cách kể chuyện, ghép phim tư liệu đánh những dấu mốc lịch ử là mô tả nhân vật. Hệ thống nhân vật sẽ xoay quanh hai nhân vật trung tâm là Mười Trí và Bảy Viễn. Quan điểm chính trị của họ khá rõ khi một người đi theo cách mạng và một người tự huyễn hoặc mình, tự gọi “Bình Xuyên ly khai”, quay về thành phố nhưng thực chất là đầu hàng thực dân Pháp.
- Phim có bối cảnh một giai đoạn lịch sử Nam bộ tuy ngắn nhưng khá phức tạp và nghe nói “tốn” khá nhiều diễn viên?
- Có đến hơn 200 vai lớn, nhỏ trong phim, nhưng tựu trung vẫn xoay quanh hai trục trung tâm Mười Trí, Bảy Viễn. Trong phim quy tụ hầu hết các diễn viên nhiều thế hệ như nghệ sĩ Ba Xây, Hoài Trúc Phương, NSƯT Mạnh Dung, NSƯT Minh Châu, Ánh Hoa, Quang Đại, Đào Bá Sơn, Lê Văn Nghĩa, Nguyễn Hậu… Nhóm diễn viên trẻ thật nhiệt tình và hào hứng khi tìm cách khắc họa nhân vật của mình suốt quá trình lao động nghệ thuật. Họ đọc kịch bản, tư liệu, suy nghĩ, cảm nhận về nhân vật và tìm tòi nét diễn làm sao cho thuyết phục. Một số diễn viên trẻ diễn xuất rất đạt như Trung Dũng với vai Mười Trí, Trương Minh Quốc Thái (Bảy Viễn), Võ Thanh Tâm (Dương Văn Dương), Lý Thanh Thảo (Hai Ngạn)…
- Với cách thể hiện phim theo dòng lịch sử với hàng chuỗi sự kiện, có yếu tố nào được coi là… hấp dẫn cho phim?
- Có chứ. Nhiều pha võ thuật được diễn viên võ sư “chính hiệu” hoặc diễn viên cascadeur hoặc kể cả diễn viên không biết võ, trong lúc tập luyện diễn xuất đã diễn khá ấn tượng, bắt mắt. Nhịp phim khi cần tiết tấu nhanh cũng “action”, cũng dồn dập, hấp dẫn như phim hành động. Sức sống ở từng nhân vật qua những mảnh đời riêng, tâm trạng riêng được đan thắt theo nhiều tình huống xảy ra suốt mạch phim. Trong phim vẫn có mối tình thật đẹp của Mười Trí-Hai Ngạn; mối tình của Hai Vĩnh-Cô Tư Xóm cỏ… Hoặc kiểu tình cảm theo tính cách anh chị giang hồ của Bảy Viễn trong chuyện hỏi cưới một cô đào sau khi coi hát cũng mang lại chút trữ tình, dí dỏm cho phim.
- Làm phim lịch sử dễ “ngốn” thời gian và kinh phí dàn dựng, phục trang, hóa trang, anh có thể nói thêm chuyện bên lề này?
- Về tái hiện bối cảnh, nhân vật trong phim những năm 30, 40 thực sự là điều khó khăn không nhỏ đối với đoàn phim. Nhóm hóa trang phải nghiên cứu khuôn mặt nhân vật qua từng giai đoạn hoạt động hoặc biểu hiện tính cách khác nhau. Ví dụ Mười Trí lúc là anh đánh xe thổ mộ chở cau ở đất 18 thôn vườn trầu sẽ khác một Mười Trí trong chốn giang hồ của nhóm Cửu Long Chín Rồng; hoặc Bảy Viễn lúc ở thành phố trông bảnh bao khác với một Bảy Viễn bậm trợn lúc “đi hát” (tiếng lóng nghĩa là ăn cướp). Xây dựng bối cảnh bến Bình Đông cũng không thể nào tìm lại không gian này ở quận 8 ngày nay, đoàn phim đã phải tái hiện cả khu vực này tại một cảng nhỏ và nhà kho chứa xi măng cũ tại Cao Lãnh.
Nhiều bối cảnh rừng Sác xưa được anh em họa sĩ thiết kế miệt mài tái hiện thật công phu ở Gáo Giồng, Đồng Tháp. Thật cảm động, trong thời gian quay phim, cả đoàn phải “hành quân” từ sáng sớm để đến hiện trường rừng tràm nguyên sinh Gáo Giồng. Ngoại trừ lúc diễn viên được hóa trang ngồi trên ghe, còn lại hầu như đạo diễn, quay phim, thiết kế… chịu trận đứng dưới nước, suốt các cảnh quay.
- Bây giờ cảm xúc của những người làm phim như thế nào trong khi chờ “Người Bình Xuyên” được… phát sóng?
- Thú thực, từ cảm xúc yêu nước đầy chất tráng khí ca qua bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, rồi xuyên suốt đến số phận những người nông dân bị bần cùng, bị tha hóa, bị va đập trở thành những người giang hồ như nhiều nhân vật trong tiểu thuyết “Người Bình Xuyên” đã hấp dẫn chúng tôi mãnh liệt. Cho đến bây giờ khi phim “Người Bình Xuyên” hoàn thành, chúng tôi rất vui; nhưng, trước giờ “đứa con” của mình mang ra trình làng với khán giả, ai mà không khỏi… hồi hộp!
- Và khán giả cũng đón chờ...
KIM ỬNG