Tính dân tộc trong phim Việt Nam ngày càng mờ nhạt

So với những tác phẩm điện ảnh Việt Nam cách đây nửa thế kỷ như Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng Mười… thì tính dân tộc trong phim Việt hiện nay ngày càng mờ nhạt. Đứng trước lo ngại này, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã tổ chức hội thảo về tính dân tộc trong phim truyện Việt Nam tại Hà Nội.
Tính dân tộc trong phim Việt Nam ngày càng mờ nhạt

So với những tác phẩm điện ảnh Việt Nam cách đây nửa thế kỷ như Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng Mười… thì tính dân tộc trong phim Việt hiện nay ngày càng mờ nhạt. Đứng trước lo ngại này, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã tổ chức hội thảo về tính dân tộc trong phim truyện Việt Nam tại Hà Nội.

        Xa rồi thời hoàng kim

Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, cách đây 30 năm, khi lần đầu tiên điện ảnh Việt Nam góp mặt với thế giới, nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng người Pháp Geoges Sadoul đã viết: “Đó là một nền điện ảnh trên bán đảo Indochine (Đông Dương), nhưng nó không phải là Indo (Ấn Độ) mà cũng không phải là Chine (Trung Quốc)”. Ngay từ hồi đó, Geoges muốn nhấn mạnh tới một nét đặc trưng trong điện ảnh của Việt Nam, đó là bản sắc dân tộc. Bản sắc dân tộc Việt Nam đã đi ngay vào những tác phẩm điện ảnh đầu tiên (loại hình nghệ thuật được nhận định là non trẻ nhất) như: Chung một dòng sông, Con chim vành khuyên, Chị Tư Hậu

Poster phim Chị Tư Hậu - một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam thời kỳ đầu.

Poster phim Chị Tư Hậu - một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam thời kỳ đầu.

Tính dân tộc được coi là linh hồn và xương sống của điện ảnh Việt Nam. Song giờ đây, chính xu hướng thương mại trong điện ảnh đã góp phần làm lu mờ tính dân tộc trong điện ảnh Việt Nam vốn có một thời. Trong khi bản sắc riêng mới là cái quan trọng đối với nghệ sĩ và đóng góp vào bản sắc chung của điện ảnh Việt Nam. Với người nghệ sĩ lớn, bản sắc dân tộc nằm trong tư tưởng, tâm hồn mỗi người nghệ sĩ và chỉ có thể ở những tác phẩm chạm được tới thân phận của dân tộc, thông qua những số phận, những con người cụ thể. Thiếu vắng điều đó, phim sẽ dần rơi vào quên lãng.

Một số bộ phim chiếu rạp dù được nhà sản xuất loan báo với lợi nhuận khổng lồ, số lượng khán giả đông đảo, nhưng nếu phim được lồng tiếng Hàn Quốc, Thái Lan hay Trung Quốc, có lẽ, không còn nhận ra đó là phim Việt Nam hay phim của các nước kể trên. Không ít những nhà làm phim cũng tìm tòi, sáng tạo và đầu tư sản xuất những bộ phim - để như họ nói là phản ánh tính dân tộc, đậm đà bản sắc… thông qua sản xuất các bộ phim lịch sử, dã sử. Tuy nhiên, khi ra mắt công chúng, hoặc có phim chưa kịp ra mắt công chúng đã nhận “điều tiếng” chẳng khác gì phim của Trung Quốc, Hàn Quốc. Một số phim được loan tin là đầu tư lớn như: Bụi đời Chợ Lớn, Bẫy cấp ba, Khi tôi 20… nhưng cũng không thể ra rạp bởi sự lố lăng, gợi dục, khơi dậy bạo lực trong giới trẻ. Không thể tìm thấy tính dân tộc trong những bộ phim “hàng nhái” ấy. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc càng ngày càng có nhiều phim được sản xuất nhưng không mấy người nhớ tên. Những bộ phim có doanh thu “khủng” được nhắc đến ở một thời điểm nào đó về độ “nóng” ngoài phòng vé nhưng nhanh chóng bị quên lãng chỉ trong một thời gian ngắn.

        Đâu là lối thoát?

Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bản sắc dân tộc không chỉ là những nét tiêu biểu, tinh túy của tiền nhân được thời gian sàng lọc, chưng cất, gìn giữ cho hậu thế mà còn là những cái đẹp đang nảy nở trong đời sống và con người hôm nay.

Đồng tình quan điểm này, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đưa ra dẫn chứng: “Trước đây, tính dân tộc thể hiện qua một số bộ phim truyện hài, điển hình như phim Bờm của đạo diễn Lê Đức Tiến. Một dân tộc biết mang cái xấu, cái ngớ ngẩn, cái tính toán tiểu nông của mình ra để tự hài hước diễu mình thì đó là một dân tộc vĩ đại… Tôi nghĩ rằng, phim truyện Việt Nam ngay từ bây giờ cần phải chú ý đến mảng đề tài hài hước này. Bởi văn học dân gian, kho tàng truyện cười, chuyện tiếu lâm cha ông để lại vô cùng phong phú”. NSND Đàm Liên cho rằng nước ta không thiếu những nhà biên kịch, đạo diễn tài năng, diễn viên giỏi nhưng chúng ta đã thiếu một sự đầu tư có tính lâu dài cho nghệ thuật. Đồng tình quan điểm này, TS Lê Thị Bích Hồng cho rằng cần phải tăng cường sản xuất phim “thương hiệu Việt Nam”, đồng thời có nhiều giải pháp khuyến khích người làm điện ảnh thông qua việc nâng cao chất lượng và đổi mới cách trao thưởng trong hệ thống giải thưởng điện ảnh…

MAI AN

Tin cùng chuyên mục