Chiến tranh đã lùi xa, những chuyện về chiến tranh, vấn đề sống, chết, quan hệ giữa con người với con người trong hoàn cảnh khốc liệt vẫn luôn là mảnh đất được “cày xới”, chăm bẵm kỹù lưỡng nhất. Ngày 29-7, tại Hà Nội, một lần nữa, đề tài chiến tranh lại được các học viên thuộc Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, Hội Nhà văn mổ xẻ, phân tích qua cách nhìn đầy tính nhân văn của nhà văn Trần Văn Tuấn với tiểu thuyết “Rừng thiêng nước trong”.
Khắc họa chân thực hình ảnh người lính
“Rừng thiêng nước trong” được NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2004, song cho tới thời điểm này, cuốn sách đã sở hữu nhiều giải thưởng văn học uy tín trong và ngoài nước. Có thể kể ra như giải A cuộc thi tiểu thuyết 2002 - 2004 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức và giải thưởng của Bộ Quốc phòng cho các tác phẩm xuất sắc viết về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Gần đây nhất, năm 2007, “Rừng thiêng nước trong” lại một lần nữa vinh dự được trao giải thưởng văn học Đông Nam Á 2007 (S.E.A Write Awards).
Chính vì thế, ngay khi bước vào hội thảo, phần lớn các học viên của Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du đều đã chuẩn bị nhiều bản tham luận dài và khá sâu sắc về “Rừng thiêng nước trong”. Là người biên tập cuốn “Rừng thiêng nước trong” - nhà văn Lê Minh Khuê, “bà đỡ” của hàng trăm tác phẩm văn học nhớ lại: “Tôi đã đọc rất nhiều tác phẩm viết về chiến tranh, thời điểm mà bản thảo của tác giả Trần Văn Tuấn gửi đến có thể coi là giai đoạn tôi đang ở tình trạng “bão hòa” về cảm xúc, song với cách nhìn đầy dung dị, chân thực của người lính, ngay lập tức tôi đã bị “Rừng thiêng nước trong” cuốn đi đầy thích thú”.
Cùng quan điểm này, nhà văn Bùi Minh Thanh cho rằng một trong những yếu tố quyết định sự thành công của cuốn tiểu thuyết chính là đã phản ánh những vấn đề của người lính qua chiếc gương văn hóa. Ông Bùi Minh Thanh lý giải, thực tế đã có khá nhiều tiểu thuyết viết về chiến tranh song rất ít và hầu như chưa có cuốn tiểu thuyết nào viết về một đơn vị hậu cần ngay tại địa bàn ác liệt của vùng giáp ranh giữa Sài Gòn và Bình Dương. Cái tài của tác giả Trần Văn Tuấn là ông đã biết phát hiện và khai thác đúng “vùng lõm” mà nhiều tiểu thuyết gia đã không nhận ra khi viết về cuộc chiến.
Hơn thế, nhà văn, nhà báo Hà Trọng Bảo khẳng định chính sự không lệ thuộc vào những đánh giá, không bị cuốn vào tiếng hò reo chiến thắng và nỗi đau của sự hy sinh dần nguôi ngoai, đó chính là những điểm thực sự tạo được điểm nhấn với độc giả khi đọc “Rừng thiêng nước trong”.
Tiểu thuyết chỉ tập trung phản ánh về một đơn vị hậu cần Đoàn 33. Nét đặc biệt của đơn vị này là vừa đảm bảo công tác hậu cần bằng cách móc nối, thu gom, huy động lương thực thuốc men từ vùng địch để đảm bảo cho bộ đội vừa làm nhiệm vụ chiến đấu. Tại đây, những nhân vật như Hai Lu, Sáu Đặng, Út Tửng... đã xuất hiện. “Không có nhân vật nào nổi bật, mỗi người một vẻ, một tính cách, số phận khác nhau, song dường như chỉ thiếu một người trong số họ thì tác phẩm cũng mất đi sự hoàn chỉnh”, nhà phê bình Hà Trọng Bảo nhấn mạnh. Theo ông, sở dĩ có được sự lôi cuốn mà vẫn mạch lạc, đầy chất lính trong tác phẩm chính là nhờ “phông” văn hóa rất dày dặn của tác giả Trần Văn Tuấn.
Ấn tượng về thủ pháp
Đây là một trong những ý kiến nhận được sự đồng thuận cao nhất của các nhà văn, nhà báo khi nói về “Rừng thiêng nước trong”. Cách kể chuyện trong truyện, với những “Lời của trăng rừng”, “Lời của một người chăn dê”, “Tiếng chim hót”, “Lời cây chò ngàn năm”... với kết cấu chương đoạn vừa tạo cảm giác hoang mang, vừa mang tính tự sự đã tạo nên một chất rất riêng trong tiểu thuyết chiến tranh của Trần Văn Tuấn. Hơn thế, chính chất tài tử, “tưng tửng”, hóm hỉnh của người Nam bộ dưới cái nhìn uyên thâm, sâu sắc của người dân miền Bắc tạo ra nên chất giọng đặc biệt rất hiếm có trong “Rừng thiêng nước trong”.
Nhà văn Nguyễn Thành, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hưng Yên bày tỏ: Những sự rất không bình thường như mưa bom, bão đạn, mưa rừng, đói khát lại trở nên rất bình dị qua ngòi bút của Trần Văn Tuấn. Ở đó, tác giả không chỉ tạo ra được những nhân vật cụ thể như chỉ huy Hai Lu, cơ mưu, một Hai Bé xông xáo trong lửa đạn... mà người đọc còn thấy chính hình ảnh của mình trong những năm đầy lửa khói ấy. Tác giả đã “đẩy” các nhân vật vượt qua được sự miêu tả đơn điệu thông thường thành sự khắc họa nên chân dung, tính cách của từng người mà cao hơn là từ những nhân vật cụ thể đó để tỏa sáng bản chất cao đẹp của người chiến sĩ quân giải phóng. Theo ông Thành, chỉ có những người đã vùi mình trong đất lửa mới vẽ được những hình tượng chân thật và dung dị đến như vậy.
Song, theo nhà văn Hoàng Quảng Uyên, tác giả Trần Văn Tuấn dường như đã hơi nghiêng về bút pháp của một nhà báo trong một cuốn tiểu thuyết. Chính vì thế, người đọc có thể thấy sự chia đều “ngòi bút” của mình cho toàn bộ các nhân vật của mình, dường như với nhân vật nào ông cũng sợ bị thiệt thòi. Giá như tác giả ưu tiên chăm chút cho một vài nhân vật chính thì có thể tác phẩm sẽ đạt được thành công lớn hơn nữa - nhà văn Hoàng Quảng Uyên nói. Song đó cũng có thể là cái “tạng” viết của Trần Văn Tuấn.
Cùng chung một câu chuyện về thời chiến, song tiểu thuyết “Rừng thiêng nước trong” của nhà văn Trần Văn Tuấn nổi lên như một hiện tượng đặc biệt của văn đàn bởi sự chân thật, giản dị và đầy chất nhân văn.
VĨNH XUÂN