Tỏa sáng với phận đời tăm tối

Trong lần gặp lại Thịnh mới đây, tôi không ngạc nhiên khi nghe những dự định và ước mơ của Thịnh để “săn” kỷ lục thế giới, sau khi đã chơi thông thạo trên 10 loại nhạc cụ và còn viết được hàng trăm bài báo, soạn được hàng chục bản nhạc phổ từ thơ. Thịnh có tên đầy đủ là Bùi Ngọc Thịnh (sinh năm 2000, ngụ tổ 17, Ninh Hiệp, Ninh Hòa, Khánh Hòa), mù cả hai mắt nhưng đã được ghi vào kỷ lục châu Á vì chơi được nhiều loại nhạc cụ âm nhạc nhất.
Tỏa sáng với phận đời tăm tối

Trong lần gặp lại Thịnh mới đây, tôi không ngạc nhiên khi nghe những dự định và ước mơ của Thịnh để “săn” kỷ lục thế giới, sau khi đã chơi thông thạo trên 10 loại nhạc cụ và còn viết được hàng trăm bài báo, soạn được hàng chục bản nhạc phổ từ thơ. Thịnh có tên đầy đủ là Bùi Ngọc Thịnh (sinh năm 2000, ngụ tổ 17, Ninh Hiệp, Ninh Hòa, Khánh Hòa), mù cả hai mắt nhưng đã được ghi vào kỷ lục châu Á vì chơi được nhiều loại nhạc cụ âm nhạc nhất.

Tài năng không phải bẩm sinh

“Khát vọng lớn nhất của em là được cống hiến cho nền âm nhạc truyền thống, dù thân thể không được toàn vẹn như bao người khác. Mỗi ngày em đều tự nhắc mình không được gục ngã. Được vươn lên cống hiến là hạnh phúc”, triết lý sống của Thịnh ngay trong lần gặp lại này đã cho tôi thêm ấn tượng và sự khâm phục.

Ngược về tuổi thơ của Thịnh, một ngày cuối tháng 4-2005, ông Bùi Quang Lộc (cha của Thịnh) bổng ngớ người khi nghe đứa con trai mù lòa bẩm sinh của mình, xưa nay chỉ biết lặng câm chẳng nói chẳng rằng, lại nằng nặc đòi cha mua cho mấy loại đàn để chơi. Ngỡ con bị mắc bệnh thần kinh, ông xua tay gạt ý định của Thịnh, nhưng suốt cả tháng trời Thịnh cứ nhất quyết đòi phải mua đàn để học làm nhạc sĩ. Khi đó, ông Lộc quát: “Con thật hão huyền. Người ta lành lặn học hết trường này đến trường điểm khác còn chẳng ăn thua gì, còn con…”. Nhưng Thịnh vẫn nhất quyết giữ nguyên ý định của mình.

Mọi nguồn cơn về sở thích đặc biệt của cậu bé này bắt đầu từ chiếc radio cũ của ông Lộc giữ lại từ những năm 1980. Thịnh bộc bạch: “Nhà em nghèo xác xơ, em lại mù cả hai mắt từ nhỏ. Con đường từ nhà đến bệnh viện mắt ở các thành phố lớn là con đường chứa đầy nước mắt. Bao nhiêu lần gia đình đưa em ra Hà Nội khám chữa nhưng bác sĩ đều lắc đầu bất lực. Thanh quản của em lại không tốt, rất khó phát âm, thành ra chẳng mấy khi muốn giao tiếp nữa. Cứ ngỡ tất cả đã sụp đổ rồi”. Trở về lầm lũi, cha mẹ suốt ngày đi bán vé số mưu sinh nên Thịnh chỉ còn mỗi việc ôm chiếc đài radio nghe suốt ngày đêm, đặc biệt chỉ nghe những chương trình nhạc truyền thống. “Em cũng không lý giải được tại sao, nhưng khi đó cứ nghe những bản nhạc xập xình ồn ào ở hàng quán người ta mở là không thể nào chịu được. Em đắm đuối vào các bản nhạc dân ca cổ truyền, thích nghe cả cải lương, tuồng, chèo, nghe hết ngày này đến ngày kia không biết chán. Nhưng điều đó trở thành món ăn tinh thần vô giá và em nghĩ đó là giá trị đích thực”, Thịnh bộc bạch. Thưởng thức các loại nhạc này, Thịnh còn được nghe giới thiệu về các loại nhạc cụ và dạy cách chơi các thể loại nhạc cụ này nên Thịnh càng bùng cháy niềm đam mê hơn.

Thế là Thịnh quyết chí thực hiện đam mê của mình. Để chứng minh cho cha mẹ tin tưởng, Thịnh tự mò mẫm sang nhà ông Nguyễn Hành - người chuyên chơi nhạc thuê cho các đám cưới. Vừa thương vừa tò mò về cậu bé này, ông Hành nhận dạy miễn phí cho Thịnh một tháng. Sau một tháng đó, ông Hành đi hết ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác khi Thịnh không những lĩnh hội trọn vẹn những kiến thức, những bản nhạc ông trực tiếp dạy mà còn thành thạo nhiều bản nhạc khác từ những lần theo ông đi phụ các đám cưới mà Thịnh học lỏm được. Ông Hành tâm sự: “Lành lặn như tôi, muốn chơi được vài chục bản nhạc phải học hết mấy tháng. Thế mà cậu bé ấy chỉ học một tháng đánh thành thạo 30 bản nhạc piano, 20 bản nhạc guitar và nhạc lý căn bản đều nắm hết”.

Đến lúc này ông Bùi Quang Lộc và người thân của Thịnh mới tin vào khả năng kỳ lạ và sự cố gắng bền bỉ của con trai mình. Năm 2006, Thịnh đi biểu diễn độc tấu trong nhiều hội nghị, số tiền kiếm được em mua 11 loại nhạc cụ như: đàn guitar phím lõm, đàn sến, đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn bầu, đàn piano, mandolin, trống blue, sáo trúc… Sau khi có được các loại nhạc cụ này, Thịnh tự đi mua các đĩa DVD, VCD hướng dẫn về tự học. Học đến quên ăn, đến ngủ gục bên các nhạc cụ. Ông Bùi Quang Lộc nhớ lại: “Năm 2007, gia đình tôi bị một phen hoảng hồn vì cháu. Quá mê tập các loại nhạc cụ nên nhiều bữa cháu quên ăn, có lần phải nhập viện điều trị và truyền nước gần cả tháng mới hồi phục được. Thế nhưng sau đó cháu nó càng đam mê mạnh mẽ hơn”.

Bùi Ngọc Thịnh biểu diễn âm nhạc trong lễ biểu dương người khuyết tật năm 2014

Kỷ lục gia châu Á cháy bỏng khát vọng

Cầm xấp bản thảo đã nhờ đánh máy và một số bài báo đã được in, Bùi Ngọc Thịnh tâm sự với tôi: “Em bắt đầu công việc này từ hơn một năm nay thôi, vất vả lắm vì phải học chữ nổi. Khi có ý tưởng hình thành trong đầu, em đọc lại rồi nhờ các bạn mắt sáng viết cho, sau đó đem gửi các báo. Mảng em thích viết nhất là bình - phê bình âm nhạc và văn hóa. Thế hệ trẻ như em, có nhiều bạn đang xa rời nhạc truyền thống, em rất buồn. Vì thế em thấy phải viết ra những cảm nhận của mình”. Cứ nghĩ thế, tâm huyết thế và viết ra bằng tất cả niềm say mê của mình, dù còn non nớt, nhưng những bài báo của Thịnh cũng khiến nhiều người phải nghĩ suy.

Năm 2012, Thịnh được vinh danh kỷ lục châu Á vì chơi được 7 loại nhạc cụ khác nhau. Hào quang đó càng tạo động lực để em cố gắng hơn. Thịnh cho biết, sau lần được vinh danh đó, em lao vào viết báo và học nhạc hăng say hơn. “Phải viết để “đốt” lên ngọn lửa, “hâm nóng” lại dòng nhạc truyền thống trong tâm hồn giới trẻ”. Sau khi đạt kỷ lục, Bùi Ngọc Thịnh được Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang (nay là Đại học Khánh Hòa) tuyển thẳng vào lớp năng khiếu đặc biệt của trường. Ông Lưu Thế Hải, giáo viên trực tiếp của Thịnh khẳng định: “Đó là một tài năng hiếm có và rất đặc biệt ở chỗ luôn khát vọng cống hiến cho mọi người chứ không chỉ riêng bản thân. Tôi dạy đến đâu, Thịnh tiếp thu đến đó. Với người khác, chơi được một loại nhạc cụ đã giỏi, còn trò Thịnh đến tháng 2-2016 đã chơi thạo 11 loại nhạc cụ rồi. Mới 16 tuổi mà những bài báo của cậu ấy viết ra, tôi đọc cũng phải nể”. Không chỉ viết báo, Thịnh còn tự mày mò soạn nhạc và phổ thơ. Thịnh giãi bày: “Cũng còn vụng về lắm! Nhưng có ngày em phổ  được vài bài. Khi nghe bạn bè, thầy cô trong lớp đọc những bài thơ hay, có giai điệu thích hợp là em muốn phổ nhạc ngay. Em cũng dự định tự soạn nhiều bản nhạc mới nữa”.           

Nhiều bí quyết hay

Suốt buổi chiều hôm ấy, sau cuộc trò truyện, Thịnh say mê đánh đàn cò cho tôi nghe suốt 2 giờ mà không biết chán. Thịnh nghiệm ra rằng: “Đàn cò chơi ở nơi có không khí lạnh sẽ kém hay hẳn những nơi nóng hơn. Sợi dây chủ đạo của đàn cò chịu lạnh rất kém, không réo rắt vào lòng người được. Thế nên có những buổi diễn, em muốn được tắt hết máy lạnh đi. Nóng một chút mà thưởng thức trọn vẹn âm điệu của đàn cò thì rất tuyệt vời. Còn với sáo trúc, quan trọng nhất vẫn là làn điệu và cách lấy hơi. Phải lấy hơi nhịp nhàng mới được”. Với đàn tranh, Thịnh cũng rút ra nhiều bí quyết riêng trong việc lựa chọn. Em cho rằng: Đàn tranh càng nhiều dây thì quãng bass, quãng trầm càng rộng. Đàn càng to, âm càng vang và trầm, ấm, ngân dài và lâu. Theo như dự định của Thịnh, mỗi loại nhạc cụ em đã chơi thành thạo sẽ nhờ người ghi lại các bí quyết riêng, từ đó có thể mang đi cho những người đồng cảnh ngộ như em tham khảo.

Ước mơ kỷ lục thế giới

Vào ngày 26-5-2012, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietkings) đã tổ chức ngày hội ngộ các kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 22 tại TPHCM, trong đó vinh danh 10 kỷ lục châu Á tại Việt Nam. Và cậu bé mù cả hai mắt Bùi Ngọc Thịnh là một trong 10 kỷ lục gia được vinh danh lần đó. Trong năm 2016 này, Bùi Ngọc Thịnh quyết tâm học thêm một loại nhạc cụ nữa và ước mơ được ghi tân vào kỷ lục thế giới qua việc chơi thành thạo được 12 loại nhạc cụ.

HÀ VĂN ĐẠO

Tin cùng chuyên mục