
“Con nhớ làm bài thi thật tốt nhé! Con mà đậu đại học là cả họ nhà mình ăn mừng lớn lắm. Mẹ chỉ có một ước mong con sẽ đậu đại học để nở mày, nở mặt với mọi người…”.
Đó là những gì mẹ tôi đã kỳ vọng và mong mỏi ngày tôi báo hiếu bằng kết quả thi đậu vào Trường ĐH Bách khoa TPHCM cách đây 5 năm. Sinh ra ở vùng quê miền Trung nghèo khó, mẹ tôi cũng như nhiều bậc cha mẹ khác chỉ có một ước mơ duy nhất là con mình sẽ đậu đại học để có nghề có nghiệp đàng hoàng, để thoát khỏi nghề nông vất vả, chân lấm tay bùn. Ba tôi mất sớm nên để lại gánh nặng mưu sinh - nuôi 4 anh chị em tôi cho mẹ. Nhà không có đất đai nên mẹ phải tần tảo nuôi heo, gà và buôn bán nhỏ. Chị đầu và anh thứ hai học không nổi nên nghỉ sớm, chỉ còn tôi và đứa em vẫn đeo đuổi con chữ đến cùng. Vì thế, mẹ tôi kỳ vọng vào tôi, đứa con học khá nhất nhà là đúng. Thương mẹ, tôi đã cố gắng học ở trường, tự học ở nhà và đến mùa thi đã khăn gói vào TPHCM luyện thi trước 2 tháng.
Thế nhưng, vì áp lực nặng nề phải thi đậu đại học, trở thành kỹ sư xây dựng như mong ước của mẹ, tôi đã làm bài không như mong đợi. Dù “sôi kinh, mài sử” dốc sức ôn luyện, giải nhiều mẫu đề thi khó nhưng đến khi làm bài thi tôi lại bị phân tâm, thiếu bình tĩnh và không thể tập trung cao độ để tìm cách giải bài tốt nhất. Kết quả là năm đó tôi rớt đại học và khi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt sạm nắng của mẹ, tôi cảm thấy mình như rơi vào hố sâu không lối thoát. Kỳ thi năm sau, tôi lại hạ quyết tâm phải thi đậu đại học nhưng may mắn không mỉm cười và tôi chấp nhận học cao đẳng nghề gần nhà. Sau ba năm gắn bó với trường, dốc tâm học nghề điện tử, ra trường tôi mượn vốn và mở một cửa hàng nhỏ sửa chữa đồ điện tử. Thấy tôi có nghề nghiệp vững vàng lại ra đời sớm hơn học đại học ở Sài Gòn tốn kém, mẹ tôi đã mỉm cười thay vì trách móc.

Học sinh Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương thực hành nghề cơ điện tử. Ảnh: T.L
Nhiều khi ngẫm lại, tôi lại thấy rớt đại học là may mắn chứ không phải ngõ cụt. Đúng như ai đó từng nói rằng khi “cánh cửa này khép lại thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra”. Điều quan trọng là các bạn trẻ có đủ bản lĩnh và tự tin khi chọn con đường nghề nghiệp đúng với năng lực, sở trường, đam mê của mình hay không. Nếu có điều kiện, nếu có đủ năng lực để học đại học thì bạn hãy chọn lựa, hãy dấn thân. Còn không thì phía trước vẫn có nhiều cơ hội và con đường học nghề sẽ là lựa chọn phù hợp vì nó vừa ngắn, vừa sớm có việc làm, tự nuôi sống bản thân. Tôi không dám tự hào nhưng cảm thấy mình đã chọn đúng, khi nhìn thấy con số hàng trăm ngàn cử nhân, kỹ sư đang lâm vào ngõ cụt thất nghiệp, đang xếp hàng chờ việc làm…
Tôi kể ra câu chuyện của mình cũng mong các bậc phụ huynh hãy lắng nghe con cái và đừng gây áp lực cho họ trước mỗi kỳ thi “vượt vũ môn”. Đừng bắt con cái phải gánh giấc mơ của người lớn vì nó sẽ đẩy không ít cuộc đời vào ngõ cụt, để không ít bạn trẻ bước ra đời nhưng thiếu đam mê, thiếu bản lĩnh.
TÙNG LÊ