Tối đa hóa lợi ích cho khách hàng

Tháng 6-2020, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) vinh dự được công nhận là doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số xuất sắc. Mới đây, EVNHCMC cũng vừa ký kết hợp tác với Tập đoàn FPT để đơn vị này làm đối tác chiến lược, cung cấp các giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho ngành điện TPHCM.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Phạm Quốc Bảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVNHCMC, đã chia sẻ tầm nhìn và nỗ lực của đơn vị trong quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, cung cấp tiện ích dịch vụ cho người sử dụng điện. 

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNHCMC Phạm Quốc Bảo (thứ hai từ trái qua) thăm công nhân bảo trì trạm điện
PHÓNG VIÊN: Khách hàng thường không quan tâm những thay đổi công nghệ bên trong ngành, mà chỉ đánh giá xem mình nhận được gì từ những đổi mới đó. Việc chuyển đổi số đem lại điều gì cho khách hàng, thưa ông?

Ông PHẠM QUỐC BẢO: Hoàn toàn chính xác khi nói rằng, khách hàng đánh giá doanh nghiệp thông qua chất lượng các sản phẩm, dịch vụ mà họ nhận được. Chính vì vậy, Đảng ủy Tổng Công ty Điện lực TPHCM xác định mục tiêu là xây dựng tổng công ty trở thành doanh nghiệp công nghệ số, quản lý hệ thống lưới điện thông minh trên toàn thành phố và cung cấp dịch vụ điện tiên tiến trên nền tảng ứng dụng toàn diện các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Từ đó, chúng tôi đã tập trung đầu tư hiện đại hóa hệ thống điện, đồng thời điện tử hóa tất cả các hình thức giao dịch khách hàng, nhằm tối đa hóa lợi ích cho khách hàng.

Điển hình là kết quả quá trình hiện đại hóa hệ thống điện, đến cuối năm 2020, chúng tôi đã hoàn tất triển khai hệ thống giám sát, điều khiển từ xa cho toàn bộ 770/770 tuyến dây lưới điện trung thế, tự động hóa vận hành cho 240 tuyến dây công cộng. Nhờ vậy, hơn 90% số vụ sự cố trung thế đã được khôi phục cấp điện với thời gian ngắn hơn 5 phút, thay vì phải đợi 60 phút như trước đây.

Trong khâu dịch vụ khách hàng, chúng tôi đã cung cấp 100% dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 đối với 19/19 loại hình dịch vụ điện, tỉ lệ giải quyết trực tuyến đạt xấp xỉ 100%. Chúng tôi cũng đã đưa 12 loại hình dịch vụ điện lên cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ xác thực điện tử đạt 91,91% cho 10 loại dịch vụ điện, chứng tỏ các phương thức giao dịch điện tử rất thuận tiện và được đa số khách hàng lựa chọn.

Một ví dụ khác, là thời gian trung bình giải quyết cấp điện qua trạm biến áp chuyên dùng chỉ còn 2,59 ngày, rút ngắn 0,03 ngày so với năm 2019. Việc đơn giản hóa thủ tục cấp điện và nâng cao chỉ số độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng đã được tổ chức Doing Business ghi nhận, góp phần nâng cao bộ chỉ số về môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Chúng tôi đã ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin để khách hàng thuận lợi hơn khi giao dịch, tương tác với ngành điện, qua các hình thức: tổng đài 1900545454, website cskh.evnhcmc.vn, email cskh@evnhcmc.vn, ứng dụng EVNHCMC CSKH (App), trang EVNHCMC trên Zalo, tin nhắn SMS, cổng dịch vụ công UBND TPHCM và cổng dịch vụ công quốc gia. Việc thu tiền điện cũng được kết nối từ nhiều năm nay với 23 ngân hàng và 9 đối tác thu hộ, thực hiện tại các điểm thu ngân hàng, siêu thị tiện ích hoặc những hình thức điện tử SMS/Mobile/Internet Banking... 

Những tháng ngày “sống cùng Covid-19” đã cho thấy, không gian trực tuyến quan trọng đến dường nào đối với tất cả chúng ta. Kinh nghiệm của EVNHCMC trong quá trình thực hiện chuyển đổi số là gì?

Chúng tôi nhận thức sâu sắc việc thực hiện chuyển đổi số là cơ bản thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. EVNHCMC xác định xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định trong chiến lược phát triển của ngành từ nay đến 2030. Một trong các yêu cầu quan trọng cần phải đáp ứng khi triển khai chuyển đổi số là việc đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức. Toàn thể lãnh đạo, CNVC-LĐ của EVNHCMC cần hiểu rõ về chuyển đổi số. Tổng công ty cần đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém về phát triển trong kỷ nguyên số để đổi mới tư duy, thực hiện chuyển đổi tổng thể và toàn diện. Thực hiện chương trình chuyển đổi số đặt ra yêu cầu mỗi CNVC-LĐ của EVNHCMC phải có tư duy, cách tiếp cận mới, dám nghĩ, dám làm, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường sống, điều kiện làm việc. Và chúng tôi đã thành công bước đầu nhờ đánh giá đúng các yếu tố này.

Mặc dù năm 2020 là năm gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên EVNHCMC đã nỗ lực hoàn thành chủ đề năm “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực quản trị DN”. Đây cũng là lợi thế lớn góp thêm vào quá trình chuyển đổi số của EVNHCMC và là động lực để EVNHCMC quyết tâm đến năm 2022 sẽ cơ bản hoàn thành quá trình chuyển đổi số.

Từ năm 2021, EVNHCMC đặt mục tiêu chuyển đổi số vào tất cả các lĩnh vực hoạt động, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?

Đơn vị đang phối hợp với FPT xây dựng lộ trình chuyển đổi số trong EVNHCMC, với nhiều mục tiêu trọng tâm trong giai đoạn 2020-2022. Trong đó, cung cấp các dịch vụ có khả năng tương tác “mọi lúc, mọi nơi” với khách hàng trên không gian số và đem lại trải nghiệm hài lòng nhất cho khách hàng. Xây dựng và thiết lập môi trường làm việc cộng tác, chia sẻ giúp nâng cao hiệu suất làm việc. Xây dựng kiến trúc tổng thể DN phù hợp lộ trình chuyển đổi số, bao gồm các hoạt động từ đầu tư, phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, các hoạt động quản trị DN. Thực hiện các thủ tục để EVNHCMC được công nhận là DN chuyển đổi số. Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông dùng riêng (VTDR). Đảm bảo độ ổn định, tin cậy và liên tục của các dịch vụ CNTT, VTDR: Đầu tư hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ bí mật trên không gian mạng. Xây dựng đội ngũ chuyên gia CNTT chất lượng cao, làm chủ trong công tác vận hành, triển khai các ứng dụng, tiến tới làm chủ về công nghệ… Đồng thời, nghiên cứu cơ chế khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư kinh phí cho công tác an ninh mạng, bảo vệ bí mật trên không gian mạng.

Tin cùng chuyên mục