Đạo diễn, diễn viên Trần Lực:

Tôi thích ở Người đôi mắt sáng

Tôi thích ở Người đôi mắt sáng

“Nhiều người nói rằng diện mạo tôi chẳng có nét gì giống với Bác và họ ngạc nhiên khi tôi được mời vào vai Nguyễn Ái Quốc. Phim công chiếu, điều mà người ta “săm soi” nhiều nhất cũng là vẻ bề ngoài của tôi để so sánh với Bác… Tôi cũng tự nhận thấy ngoại hình mình không giống Người, nhưng cũng như đạo diễn, tôi cho điều đó không quan trọng. Tôi đã cố gắng thể hiện cái thần của Người. Cái thần biểu hiện rõ nhất qua cặp mắt. Một cặp mắt rất sáng. Cặp mắt khi nói chuyện với ai thì nhìn thẳng, khi làm gì thì chăm chú, khóe mắt mở to, đau đáu…”. 

Tôi thích ở Người đôi mắt sáng ảnh 1

Diễn viên Trần Lực ký tên tặng khán giả

Diễn viên Trần Lực đã tâm sự như vậy khi anh được  đạo diễn Khắc Lợi mời vào vai Tống Văn Sơ (tên của Bác khi hoạt động cách mạng ở Hồng Công) trong bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”.
 
Tôi là người cuối cùng đạo diễn mời thử vai, tôi không hề nghĩ mình sẽ được mời. Nhưng có lẽ đạo diễn nhìn thấy ở tôi điều gì đó tương đồng có thể lột tả hình tượng Bác. Đạo diễn nói với tôi, ông muốn làm một bộ phim đời thường về Bác. Giai đoạn hoạt động cách mạng ở Hồng Công, Người khoảng 41 tuổi và Người cũng chưa phải là một lãnh tụ. Tôi cũng ở vào cái tuổi đó, đạo diễn muốn tôi diễn thật giản dị…
 
Nghề diễn viên rất đặc biệt, có những vai diễn yêu cầu nhân vật phải thật giống hoặc hóa trang sao cho giống với nguyên mẫu, song cũng có những nhân vật ngoại hình không giống chút nào thế nhưng sự hóa thân của diễn viên lại khiến người xem như sống với hình mẫu quen thuộc. Vấn đề là người diễn viên phải tìm cho được cái mã khóa để bước vào thế giới nội tâm nhân vật.
 
Trần Lực đã đi tìm cái mã khóa ấy trong các tư liệu về Bác. Anh đọc các sách báo viết về Bác, tới viện bảo tàng, anh gặp ông Vũ Kỳ – người thư ký tận tụy của Bác, anh xem hầu hết các phim tư liệu về Bác…
 
Tôi thực sự cảm thấy thoải mái khi đến với nhân vật Tống Văn Sơ. Các nhà làm phim đã tạo mọi điều kiện để tôi có thể nghiên cứu vai diễn, tôi được cùng tìm tòi, cùng trăn trở với bộ phim thay vì chỉ loay hoay với mình vai diễn. Đầu tiên việc nghiên cứu chỉ để phục vụ cho công việc hóa thân vào nhân vật, nhưng sau đó tôi đã thực sự bị cuốn hút bởi con người, tinh thần lạc quan, ý chí chiến đấu, cuộc sống giản dị và rất nhiều điều… từ Bác. Tôi nhận thấy cách thể hiện Bác chân thực nhất, sinh động nhất đó là sự bình dị. Bác là một con người hết sức bình dị như bao người bình thường khác, chính từ những điều rất đỗi bình thường ấy, Bác đã làm được những điều mà người khác cho là phi thường…
 
Trần Lực đã làm được cái điều mà những nhà làm phim cũng như khán giả mong ở anh, đó là thể hiện thành công tinh thần và khí phách của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc. Anh hài lòng với những gì mà mình làm được, mặc dù “khi xem lại cũng có một vài cái hơi tiếc… nhưng ai cũng vậy, luôn mong muốn sự cầu toàn”.
 
Điều làm nên một đạo diễn, diễn viên Trần Lực?
 
Quê tôi là một ngôi làng cổ ở Hải Phòng. Dòng họ tôi gắn bó lâu đời với văn chương, nghệ thuật. Trong số những người con của cụ tôi có nhà văn Khái Hưng và ông nội tôi là Trần Tiêu đều thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Bố tôi là GS-NSND Trần Bảng – một nhà biên kịch, đạo diễn chèo, mẹ tôi là một diễn viên chèo. Tôi là đứa cháu đích tôn với bao nỗi kỳ vọng từ gia đình và dòng họ Trần. Sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, từ nhỏ tôi đã lang thang theo mẹ đi diễn khắp nơi.

Những làn điệu dân tộc ngấm trong khí quản tôi, những người nghệ sĩ sống chung trong khu tập thể với gia đình tôi như: Can Trường, Trần Tiến, Thế Anh, Trọng Trinh… đều là những bậc đàn anh của tôi trên con đường nghệ thuật sau này. Bộ phim đầu tiên tôi đóng có tên “Chuyện tình bên dòng sông” do nghệ sĩ Đức Hoàn làm đạo diễn. Tôi đóng cặp với nữ diễn viên Lê Khanh.
 
Trần Lực có 2 năm trong quân ngũ, anh là một tay guitar bass của đội kịch Đoàn Văn công hậu cần. Năm 1981 anh ra quân và thi vào Trường Sân khấu Điện ảnh. Tốt nghiệp khoa đạo diễn năm 1983, sau đó Trần Lực sang học tiếp tại Bulgaria. Năm 1991, anh về nước và bắt đầu bước vào lĩnh vực điện ảnh.
 
9 năm trời ở nước ngoài, về nước tôi thấy mình trở nên lạc hậu đối với đời sống ở quê nhà. Tôi bắt đầu rong ruổi từ Bắc vô Nam, từ Móng Cái đến Cà Mau để tìm cho mình một vốn sống. Những nơi dừng chân, những người dân địa phương mà tôi tiếp xúc, những món ăn lạ… tất cả đều cho tôi vốn kiến thức tuyệt vời.
 
Từ những nhân vật trong “Cây bạch đàn vô danh”, “Hoa ban đỏ”, “Mẹ chồng tôi”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”… cho đến những bộ phim do anh làm đạo diễn như “Chuyện nhà Mộc”, “Hai Bình làm thủy điện”, “Tết này ai đến xông nhà”… đều ghi dấu ấn của một Trần Lực. Một diễn viên Trần Lực đầy chiều sâu trong từng vai diễn và một đạo diễn Trần Lực thích mang đến cho khán giả những tiếng cười sảng khoái song cũng không kém phần ý nhị, sâu sắc. 

HÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục