
Có người mới chập chững vào nghề giáo. Cũng có cô đã gắn bó mấy chục năm với nghiệp “gõ đầu trẻ”… Sống bằng đồng lương ít ỏi của người “bán cháo phổi”, đổi lại cho những thế hệ học trò tri thức và cách sống làm người. Bây giờ, khát khao lớn nhất trong họ vẫn là cống hiến, tình nguyện làm người đưa đò thầm lặng như chính người thầy đạo cao, đức trọng Võ Trường Toản.
“Xin được làm cô giáo bình thường, yêu trẻ!”
Ngoài ngũ tuần - cái tuổi mà người ta bắt đầu nghĩ đến chuyện về hưu nhưng cô giáo Đỗ Thị Ngọc Thúy của Trường THCS Phan Tây Hồ (Gò Vấp) bắt đầu mày mò học tin học, làm phim. Là GV dạy môn Giáo dục công dân 33 năm, cô biết môn này khô cứng “khó nuốt” đối với HS nên ra sức tìm cách dạy sao cho HS dễ hiểu. Trong nhiều bài giảng về đạo đức – chính trị của mình, cô thường đưa những câu ca dao, tục ngữ bình dị gần gũi với các em. Cô cập nhật thêm kiến thức tin học, vận dụng làm giáo án điện tử, rồi chèn phim ảnh cho bài giảng thêm sinh động… “Mấy bạn trẻ có ưu thế nhanh nhạy khi tiếp xúc công nghệ. Cô già rồi nên mần gì cũng chậm chạp nhưng phải học để giảng bài cho tụi nhỏ dễ hiểu. Học theo hình thức mở học sinh ham phát biểu đóng góp bài lắm. Cực mà hiệu quả vậy là vui rồi”, cô Thúy tâm sự.

Cô Đỗ Thị Ngọc Thúy - Thầy Võ Anh Hào
Chính cái cảm giác bồi hồi ấy mà cô giáo Ngọc Thúy đã đeo mang nghiệp làm kẻ “đưa đò” hơn 30 năm bất chấp sự phản đối của gia đình. Khi mới tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm, những năm đầu 1980, cô được phân công lên tận Củ Chi dạy cho trẻ vùng xa. Vất vả, khổ cực vì xa nhà không làm cô Thúy nản lòng nhưng điều khiến ba mẹ cô ngăn cản vì xót cho cô con gái xinh xắn. Thật bất ngờ, cô giáo 53 tuổi ngồi trước mặt chúng tôi có gương mặt phúc hậu, hiền dịu lại tìm mọi biện pháp để “hoãn binh” với gia đình, từ năn nỉ đến cứng rắn kiên quyết bám nghề. “Ba mẹ cô phải nhượng bộ trước đứa con gái “cứng đầu” này”, cô Thúy cười hiền. Đến năm 1985, ngành chuyển cô về Gò Vấp công tác tại Trường THCS Phan Tây Hồ đến bây giờ.
Khi còn làø một GV trẻ mới về trường, cô được Ban giám hiệu “thử sức” cho chủ nhiệm lớp học có nhiều học trò cá biệt, quậy phá. Trong đó, một HS có hoàn cảnh gia đình không trong sạch. Nhiều người ngại cô giáo trẻ sẽ bị học trò quậy lấn lướt và chính cô cũng thấy ngán ngại. Nhưng cô tâm niệm: “Các em như tre non cần được uốn nắn. Cô phân bạn đó làm lớp phó kỷ luật để có trách nhiệm. Cô không phân biệt em nào, luôn giữ lời hứa với các em nên tự khắc các em quý cô. Khi các em đến nhà cô chơi thấy sân vườn um tùm, người lặng lẽ cầm chổi quét dọn lại chính là những học trò cá biệt đó. Lần đó, cô khóc vì sung sướng”. Điều đó làm cô càng vững tâm với con đường lựa chọn: dạy học trò tri thức và cách sống đạo đức.
Chính vì vậy, hôm 17-11, cô vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT dành cho những cán bộ quản lý hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mà cô chỉ là một “cô giáo bình thường, yêu trẻ”, như cô tâm niệm…
Học phải “hành”
“Những sáng kiến và nghiên cứu từ cách dạy lý thuyết đến thị phạm các kỹ năng trong thực hành của tôi xuất phát từ những biểu hiện của học trò”ø, thầy Võ Anh Hào, giáo viên Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng (Tân Bình) bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi như thế. Nghề giáo đến với thầy thật bất ngờ, nó như một ngả rẽ trong cuộc sống của thầy. Vào những năm 1997, cầm tấm bằng kỹ sư ngành điện công nghiệp, dễ dàng xin vào làm việc trong nhiều công ty lớn tại TPHCM.
Thế nhưng, sau hai năm lăn lộn với nghề điện dân dụng, kỹ sư Hào quyết định bỏ “thợ” làm “thầy” từ một lời mời của người thầy cũ. Từ đồng lương kỹ sư hơn 2 triệu đồng, thầy rất trăn trở khi đồng lương bị giảm đi 3 lần, chỉ còn 700.000 đồng/tháng trong khi phải đứng lớp nói khan cả cổ, dạy đi dạy lại nhiều lần một thao tác dù rất đơn giản cho học trò... Mọi sinh hoạt đều phải dè xẻn từng đồng. Buồn, chán nhiều khi muốn bỏ dạy nhưng rồi lại suy nghĩ nếu không có thầy thì làm sao có trò… Thời gian cứ trôi đi, tình thầy trò, tình đồng nghiệp dần gắn bó và thấm sâu vào tâm trí thầy lúc nào không biết.
Những năm làm thợ cũng giúp thầy rất nhiều trong công tác giảng dạy. Hơn thế nữa, những mối quan hệ trước đây của thầy cũng tạo rất nhiều “đất” để học sinh, sinh viên “dụng võ” trong khi học cũng như khi tốt nghiệp ra trường. Trước thực trạng các trường nghề thiếu trang thiết bị phục vụ giảng dạy (nhất là ngành kỹ thuật), thầy luôn suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo và thiết kế những phương pháp mới.
Tuổi đời và tuổi nghề cũng “thường thường bậc trung” nhưng với lòng yêu nghề, thầy luôn tìm những cách truyền đạt kiến thức đến với học trò bằng con đường ngắn nhất. Với thầy, giáo viên dạy nghề trước hết phải có kinh nghiệm thực tế để lồng ghép và đưa vào bài giảng. Đừng cố nhồi nhét những phần lý thuyết khô cứng mà nó chẳng giúp gì nhiều cho học sinh mà nên dạy những gì thực tế hơn. Một điều quan trọng nữa đối với người thầy dạy nghề là hãy truyền hết những “kỹ xảo” mình có để người học kế thừa, phát huy nó.
TIÊU HÀ - THANH HÙNG