Tổng thống mới, nỗi e ngại mới

Ông Jair Bolsonaro, người theo chủ nghĩa dân túy, sau lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Brazil ngày 2-1 đã lập tức kêu gọi quốc hội chống lại nạn tham nhũng dai dẳng ở nước này.

Phát biểu trước một phiên họp chung của hai viện quốc hội chỉ vài phút sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Bolsonaro cam kết tuân theo những chuẩn mực dân chủ. Theo ông Bolsonaro, cử tri Brazil vốn đã quá chán chường với nạn tham nhũng, tỷ lệ tội ác, bạo lực cao và nền kinh tế còn ì ạch của đất nước. 

Ông Bolsonaro cho biết, chính phủ sẽ được dẫn đường bằng những cam kết của ông đối với cử tri Brazil. Tân Tổng thống Brazil nêu rõ: “Tôi sẽ làm việc không biết mệt mỏi để Brazil vươn tới tương lai. Lời hứa của tôi là củng cố nền dân chủ của Brazil”. Chính phủ mới của ông Bolsonaro cho biết sẽ xác định rõ các chính sách ưu tiên trong 10 ngày sau khi đi vào hoạt động. Tiếp đó, chính phủ mới sẽ xem xét tất cả các quyết định được đưa ra trong 2 tháng cuối dưới thời chính quyền Tổng thống Michel Temer và cân nhắc có nên tiếp tục xúc tiến các quyết sách này hay không.

Trên mặt trận kinh tế, tân tổng thống hứa sẽ thực hiện những cải cách thể chế quan trọng để thu hẹp thâm hụt ngân sách vốn đang nới rộng. Ông Bolsonaro (63 tuổi), một nghị sĩ già dặn đã tận dụng được sự tức giận của người dân Brazil đối với định chế để trở thành tổng thống cực hữu đầu tiên của quốc gia Nam Mỹ này, kể từ khi chế độ độc tài quân sự giao lại quyền hành cho chính phủ dân sự 30 năm trước. Cộng đồng doanh nghiệp Brazil rất hào hứng với nhiệm kỳ tổng thống của ông Bolsonaro và trông chờ ông sẽ bổ nhiệm một nhóm các nhà kinh tế do nhà đầu tư ngân hàng Paulo Guedes đứng đầu. Ông Guedes đã hứa sẽ có hành động nhanh chóng để kiểm soát thâm hụt ngân sách của đất nước. Ông này cũng có kế hoạch bán càng nhiều công ty nhà nước càng tốt trong một dự án tư hữu hóa mà ông dự tính sẽ đem lại cho Brazil đến 257 tỷ USD.

Về ngoại giao, ông Bolsonaro dự định sẽ định hình lại các mối quan hệ quốc tế của Brazil bằng cách xa rời liên minh với các nước đang phát triển và xích lại gần hơn các lãnh đạo phương Tây, nhất là Tổng thống Mỹ Donald Trump - người mà ông Bolsonaro bày tỏ sự ngưỡng mộ. Ông Donald Trump đã điều Ngoại trưởng Mike Pompeo đến dự lễ nhậm chức của người đồng nhiệm Brazil. Trong một dấu hiệu rõ ràng về sự thay đổi chính sách ngoại giao, Tổng thống Bolsonaro dự định sẽ dời Đại sứ quán Brazil ở Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem. Hành động này là sự từ bỏ lập trường lâu nay của Brazil là ủng hộ giải pháp hai nhà nước đối với vấn đề Palestine. 

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh Record TV vào đêm trước lễ nhậm chức, ông Bolsonaro đã công kích bộ máy quan liêu của Brazil vốn làm cho môi trường kinh doanh ở Brazil rất khó khăn và đắt đỏ. Ông thề sẽ dẹp bỏ cái gọi là “chi phí Brazil” vốn trói tay trói chân các doanh nghiệp tư nhân. Ông cũng cam kết làm theo ông Donald Trump là rút Brazil ra khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Điều này đã làm các nhà hoạt động môi trường lo ngại. Kế hoạch của ông Bolsonaro là xây dựng những đập thủy điện ở sông Amazon và cho phép khai mỏ ở những khu bảo tồn thổ dân vốn được xem là những người bảo vệ cuối cùng của rừng rậm nhiệt đới lớn nhất thế giới cũng khiến nhiều người lo ngại.

Tin cùng chuyên mục