TP Hồ Chí Minh - Phát triển thêm mô hình trường phổ thông chất lượng cao

Năm học 2012 - 2013, TPHCM sẽ phát triển thêm hai trường theo mô hình trường phổ thông chất lượng cao gồm THPT Nguyễn Hiền (quận 11) và THPT Nguyễn Du (quận 10). Lựa chọn nào cho mô hình và cách đi của hai ngôi trường mới này sau khi mô hình của Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) thí điểm đã 6 năm qua? Những thành quả và kinh nghiệm đã được mổ xẻ tại hội thảo về mô hình trường chất lượng cao, diễn ra sáng 22-9.

Năm học 2012 - 2013, TPHCM sẽ phát triển thêm hai trường theo mô hình trường phổ thông chất lượng cao gồm THPT Nguyễn Hiền (quận 11) và THPT Nguyễn Du (quận 10). Lựa chọn nào cho mô hình và cách đi của hai ngôi trường mới này sau khi mô hình của Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) thí điểm đã 6 năm qua? Những thành quả và kinh nghiệm đã được mổ xẻ tại hội thảo về mô hình trường chất lượng cao, diễn ra sáng 22-9.

Điểm sáng tiết học tích cực

Tiết học môn Sử của lớp 12A3, Trường THPT Lê Quý Đôn thật sự sinh động và cuốn hút. Khác với ngày thường, khi người đứng lớp hôm nay là một nhóm 5 em học sinh. Các em thay phiên thuyết trình về vấn đề phân biệt chủng tộc tại Nam Phi. Đi kèm là một giáo án điện tử với nhiều hình ảnh và video clip minh họa. “Toàn bộ bài giảng được nhóm tích cực tìm kiếm tư liệu trong gần 2 tuần lễ. Sau khi được thầy chủ nhiệm môn Sử đồng ý, tụi em sẽ thay phiên nhau trình bày những kiến thức đã tìm được. Các bạn trong lớp đặt câu hỏi và chất vấn nhóm về kiến thức kể trên”, em Xuân Thiện cho biết.

Cấu trúc buổi học chỉ có vậy, nhưng sự chủ động trong cách tìm tòi và khả năng tư duy của các học sinh đáng được ghi nhận. Trong khi thầy giáo chỉ làm người “cầm trịch”, nhắc nhở và đúc kết những kiến thức quan trọng vào cuối buổi học, còn lại là diễn đàn cho các em học sinh.

“Những tiết học như vậy sẽ giúp các em phải đầu tư thật nhiều thời gian nếu muốn trả lời được những câu hỏi của các em học sinh khác. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các em nhớ bài lâu, lại phát triển được kỹ năng làm việc nhóm, phát biểu trước đám đông. Mỗi học kỳ chúng tôi có khoảng 5 giờ cho tiết học tích cực như thế này, được lồng ghép vào chương trình, thay thế khoảng thời gian giảm tải theo quy định”, thầy Nguyễn Viết Đặng Du, giáo viên dạy Sử chia sẻ.

Thành công lớn nhất của mô hình chất lượng cao tại Trường THPT Lê Quý Đôn là xây dựng được các tiết học tích cực như thế này. Hiện trong mỗi học kỳ của trường, 100% các lớp đều thực hiện các tiết học tích cực trong các bộ môn.
 
Lựa chọn con đường ngắn nhất

Tại hội thảo, thầy Phạm Văn Phiệt, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết, mô hình trường chất lượng cao tuy chỉ mới triển khai được 6 năm học (2007 - 2012), nhưng không thể phủ nhận những cố gắng của tập thể giáo viên và học sinh. Với tư cách là trường đi tiên phong trong mô hình mới này, những khó khăn trong những ngày đầu là không tránh khỏi.

“Thời điểm đó, chúng tôi phải đối mặt với áp lực về chất lượng đầu ra. Giáo viên phải đứng trước thử thách về phương pháp dạy học với những hệ thống kỹ thuật dạy học tiên tiến. Mang tiếng là trường thu học phí cao, nhưng mỗi giáo viên chỉ được trả thêm chỉ 7.000 đồng/tiết. Quá ít ỏi cho những người đi khai phá cho một lớp học sinh mới, có kiến thức và kỹ năng”, thầy Phiệt nhớ lại. Từ những thay đổi như phương pháp học, sĩ số giảm xuống 30 học sinh/lớp, trang thiết bị hiện đại… 100% học sinh của trường đã đậu tú tài với điểm trung bình trên 36 điểm; 75% học sinh đậu nguyện vọng 1 các kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ…

Từng kiêm nhiệm vị trí hiệu trưởng của Trường THPT Lê Quý Đôn những ngày đầu thành lập, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP, lưu ý, những con số kể trên chỉ là chỉ số đánh giá chứ không phải là mục tiêu của trường chất lượng cao. Những thành quả của Trường THPT Lê Quý Đôn cũng là những sáng kiến của tập thể nhà trường trong 6 năm dạy và học. Không có mô hình trường chất lượng cao nào là chuẩn mực cả. Trường THPT Nguyễn Hiền và THPT Nguyễn Du cần phát hiện những thế mạnh của mình để có thể đi con đường ngắn nhất. Hướng đến mục tiêu là chất lượng đầu ra của học sinh phải cao hơn các trường khác.

Trước nhiều ý kiến tương đồng của các thầy cô cho rằng khung thời gian giảng dạy theo chương trình chung của bộ hiện còn dài, ông Chương cho rằng không yêu cầu phải thực hiện một cách cứng nhắc. Ngoài các kiến thức cơ bản, các hình thức dạy lồng ghép vào khoảng giữa chương trình sẽ tạo cho học sinh thích thú hơn với các môn học. Quy định của bộ chỉ là những quy định tối thiểu. Nếu một sáng kiến hay giúp học sinh nắm tốt kiến thức cũng đáng được triển khai.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục