TPHCM: 60 đề tài tham gia vòng tuyển chọn dự án tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia

Sáng 11-1, tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TPHCM), 60 đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh các trường THCS và THPT trên địa bàn TPHCM đã tham gia vòng tuyển chọn dự án tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2023-2024.

Giảm số lượng nhưng tăng về chất lượng

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, năm học 2023-2024, có hơn 1.200 đề tài nghiên cứu khoa học tham gia vòng tuyển chọn cấp cơ sở.

Trải qua vòng thi cấp quận, huyện, 610 dự án tiếp tục tranh tài tại vòng thi cấp thành phố, chọn ra 60 đề tài xuất sắc nhất tham dự vòng tuyển chọn tham gia cấp quốc gia.

5386933f0bf0a0aef9e1-4307.jpg
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc phát biểu tại lễ khai mạc

“Hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy và tổ chức hoạt động học tập ở bậc phổ thông, qua đó phát huy năng lực, phẩm chất người học. Năm nay, số lượng đề tài dự thi cấp thành phố giảm so với năm ngoái nhưng chất lượng tốt hơn, phát huy cao sự tự tin, năng động, sáng tạo của học sinh”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ.

9d765de0f32f5871013e-298.jpg
Nhóm học sinh Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) với đề tài dự thi “Nhận thức về bạo lực ngôn ngữ của học sinh THCS”

Từ vòng thi tuyển chọn, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ chọn ra 4 đề tài xuất sắc nhất tham dự Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TPHCM, năm nay, gần 50% đề tài dự thi thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, thể hiện sự quan tâm lớn của thế hệ trẻ đối với các vấn đề tâm lý lứa tuổi, hành vi trong cuộc sống đô thị.

Bên cạnh đó, nhóm đề tài theo định hướng chuyển đổi số đã có sự thay đổi rõ rệt về chất lượng và số lượng với nhiều đề tài có tính ứng dụng cao như hệ thống nhúng, robot và máy tính thông minh, thiết kế hệ thống phần mềm…

Đặc biệt, nhóm đề tài vốn là thế mạnh của thành phố về các lĩnh vực hóa sinh, kỹ thuật, y sinh, khoa học vật liệu... có nhiều đề tài được đánh giá cao, thể hiện việc không ngừng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo của học sinh thành phố.

Củng cố toàn diện kỹ năng, kiến thức cho học sinh

Với đề tài “Khảo sát ảnh hưởng của nội dung ngắn (short form content) đến chất lượng học tập của học sinh trung học phổ thông”, nhóm tác giả gồm Lê Nguyễn Như Huỳnh và Trần Thị Hà Mây, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) đã tìm ra các giải pháp giảm ảnh hưởng tiêu cực của các ứng dụng mạng xã hội đối với việc học của học sinh.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp như: công ty mẹ sử dụng thuật toán để loại bỏ những nội dung xấu đăng tải trên các nền tảng xã hội, phát triển các ứng dụng dành riêng cho trẻ em để cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý nội dung con mình đang xem.

2da11665a7aa0cf455bb-5998.jpg
Nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu “Khảo sát ảnh hưởng của nội dung ngắn (short form content) đến chất lượng học tập của học sinh trung học phổ thông” đến từ Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn)

Song song đó, các trường phổ thông phát triển mô hình câu lạc bộ kỹ năng, sinh hoạt chuyên đề nhằm giúp học sinh nâng cao kỹ năng quản lý thời gian, gia tăng khả năng tập trung trong thời gian dài, hạn chế sử dụng điện thoại di động với mục đích cá nhân trong giờ học…

“Nội dung ngắn đăng tải trên các nền tảng xã hội như Tiktok, Intergram, Facebook… có ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực đến việc học của học sinh. Sau khi thực hiện đề tài nghiên cứu, bản thân em đã cải thiện tốt hơn khả năng tập trung, nâng cao kết quả học tập”, Trần Thị Hà Mây cho biết.

Thầy Tô Hoàng Anh Khôi, giáo viên THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) - người hướng dẫn đề tài “Nhận thức về bạo lực ngôn ngữ của học sinh THCS” chia sẻ, việc tham gia nghiên cứu khoa học giúp học sinh củng cố kiến thức đã học, qua đó phát triển khả năng tư duy và sáng tạo, tạo cơ hội cho các em trau dồi kỹ năng trình bày, thuyết trình, làm việc nhóm.

Tin cùng chuyên mục