TPHCM cần 121.933 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương cho đầu tư công

Tại kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa X, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình trình bày tờ trình để HĐND TPHCM xem xét, thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương của TPHCM với tổng số vốn là 121.933 tỷ đồng.
Ngày 18-10, kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa X khai mạc dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM. Tại kỳ họp, các đại biểu đã dành một phút tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Kỳ họp diễn ra tại 3 điểm cầu: 111 Bà huyện Thanh Quan, 272 Võ Thị Sáu và 255 Trần Hưng Đạo.
Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, đại biểu Quốc hội; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM.
TPHCM cần 121.933 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương cho đầu tư công ảnh 1 Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tại kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa X, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình trình bày tờ trình của UBND TPHCM về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương của TPHCM.
Dành hơn 20.623 tỷ đồng dự phòng
Theo đó, UBND TPHCM trình HĐND TPHCM thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương của TPHCM với tổng số vốn là 121.933 tỷ đồng. Trong đó, đối với nguồn vốn từ bội chi ngân sách TPHCM là hơn 12.555 tỷ đồng; nguồn vốn cân đối ngân sách TPHCM là hơn 109.378 tỷ đồng.
UBND TPHCM kiến nghị HĐND TPHCM thống nhất sử dụng số vốn cân đối ngân sách địa phương là hơn 20.623 tỷ đồng để dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, dự phòng từ nguồn vốn từ bội chi ngân sách TPHCM là hơn 2.318 tỷ đồng; và dự phòng từ nguồn vốn cân đối ngân sách TPHCM là hơn 18.305 tỷ đồng.
Các dự án nổi bật được đầu tư hoặc tiếp tục đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 như: Dự án xây dựng đường sắt đô thị TPHCM tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) với hơn 6.562 tỷ đồng (trong tổng vốn đầu tư hơn 43.757 tỷ đồng); dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành – Tham Lương) với 500 tỷ đồng (trong tổng số vốn đầu tư hơn 47.890 tỷ đồng)…
Ở lĩnh vực môi trường có các dự án: dự án vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2 với 2.000 tỷ đồng (trong tổng số vốn đầu tư 11.132 tỷ đồng); dự án cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi – Tẻ giai đoạn 2 với 1.100 tỷ đồng (trong tổng số vốn đầu tư 11.281 tỷ đồng).
Lĩnh vực cấp nước, thoát nước có dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 với hơn 8.882 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025 (trong tổng số vốn đầu tư 9.976 tỷ đồng)…
Giảm vốn ở dự án chậm triển khai
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình cũng đã trình bày tờ trình về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021 nguồn vốn ngân sách địa phương của TPHCM.
Theo kế hoạch năm 2021, đầu tư công nguồn vốn ngân sách địa phương của TPHCM là hơn 31.976 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 1-10, số vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách địa phương của TPHCM đã giải ngân là hơn 10.910 tỷ đồng (đạt 34% tổng kế hoạch vốn ngân sách TPHCM giao trong năm 2021).
TPHCM cần 121.933 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương cho đầu tư công ảnh 2 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo UBND TPHCM, có những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đối với vốn đầu tư trong nước: giá nguyên vật liệu tăng cao đột biến làm ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng và thực hiện các hợp đồng xây dựng… Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng thi công còn chậm do tác động của dịch Covid-19 không thể tổ chức tập trung lấy ý kiến người dân…
Trong khi đó, đối với dự án sử dụng vốn ODA, do tác động của dịch Covid-19, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát… đều bị ảnh hưởng, làm chậm tiến độ của các dự án ODA.
UBND TPHCM đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021 nhằm bổ sung vốn cho các dự án cấp bách, có khả năng giải ngân nhanh, đáp ứng công tác phòng chống dịch Covid-19, góp phần tích cực vào quá trình mở cửa lại và phục hồi kinh tế TPHCM. Cùng với đó, đảm bảo tỷ lệ giải ngân của từng dự án đến hết năm 2021 đạt 95% trở lên.
Theo đó, UBND TPHCM đề nghị điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021 nguồn vốn ngân sách TPHCM từ 31.976 tỷ đồng thành gần 29.271 tỷ đồng.
Trong đó, điều chỉnh giảm vốn (hơn 6.444 tỷ đồng) đã giao đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, chậm triển khai hoặc gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Đồng thời, điều chỉnh tăng vốn với quy mô 3.794 tỷ đồng cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, bổ sung vốn để quyết toán, dự án đã triển khai đến giai đoạn cuối cần bố trí đủ phần vốn còn lại để hoàn tất, sớm đưa dự án vào sử dụng, tạo hiệu quả kinh tế - xã hội.

UBND TPHCM đề xuất lùi thu phí cảng biển lần thứ 2, dành 1.482 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp

Cũng tại kỳ họp, UBND TPHCM đề xuất HĐND TPHCM xem xét, quyết định điều chỉnh thời gian thu phí từ 0 giờ ngày 1-10-2021 thành 0 giờ ngày 1-4-2022.

Theo đó, UBND TPHCM đã có tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 25-6-2021 của HĐND TPHCM về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 9-12-2020 của HĐND TPHCM về ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TPHCM.

Trong đó, UBND TPHCM đề xuất HĐND TPHCM xem xét, quyết định điều chỉnh thời gian thu phí từ 0 giờ ngày 1-10-2021 thành 0 giờ ngày 1-4-2022.

Đây là lần thứ 2 UBND TPHCM đề xuất lùi thu phí cảng biển. Trước đó, UBND TPHCM đề xuất và đã được HĐND TPHCM chấp thuận điều chỉnh thời gian thu phí từ 0 giờ ngày 1-7-2021 thành 0 giờ ngày 1-10-2021.

Việc đề xuất lùi thu phí cảng biển lần thứ 2 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 tác động, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.


Theo tính toán của TPHCM, nếu thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1-10-2021 thì số thu dự kiến trong 6 tháng (từ ngày 1-10-2021 đến ngày 31-3-2022) là 1.482 tỷ đồng.

Với việc TPHCM chưa thu phí trong 6 tháng, khoản thu dự kiến này xem như hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép - vừa quyết liệt phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Lý giải về lùi thời gian thu phí đến ngày 1-4-2022, UBND TPHCM cho rằng, dự kiến đầu năm 2022, TPHCM sẽ kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa tất cả các hoạt động kinh doanh, dịch vụ… Để doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi kinh tế (dự kiến 3 tháng), việc lùi thời gian thu phí đến ngày 1-4-2022 là cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh, sớm phục hồi hoạt sản xuất kinh doanh.

Trước đó, TPHCM đã hoãn thu phí cảng biển trong 3 tháng (từ ngày 1-7-2021 đến ngày 1-10-2021) với khoản thu dự kiến là 723 tỷ đồng.

Như vậy, nếu tiếp tục lùi thu phí hạ tầng cảng biển thêm 6 tháng thì toàn bộ khoản thu dự kiến trong 9 tháng là hơn 2.200 tỷ đồng xem như khoản hỗ trợ doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục