TPHCM: Cơ sở vật chất trường học có mức độ hài lòng thấp nhất trong các dịch vụ giáo dục công năm 2023

Sở GD-ĐT TPHCM vừa công bố kết quả  khảo sát sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công năm 2023. Nhìn chung, các chỉ số đều tăng so với năm 2022 nhưng còn chênh lệch giữa các bậc học. 

Trước đó, để thực hiện khảo sát, Sở GD-ĐT TPHCM đã chia TP Thủ Đức và 21 quận, huyện thành 3 nhóm gồm phát triển cao, phát triển và trung bình.

Trong đó, ở mỗi nhóm, sở này chọn một quận, huyện để tiến hành khảo sát gồm các quận 3 (nhóm phát triển cao), Tân Phú (nhóm phát triển) và huyện Củ Chi (nhóm trung bình).

Ở mỗi quận, huyện, đơn vị tổ chức chọn ngẫu nhiên 3-4 trường mầm non, 3-4 trường tiểu học, 3-4 trường THCS và 2 trường THPT để tiến hành khảo sát. Sau đó, ở từng đơn vị, học sinh và phụ huynh được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên.

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, tổng số phiếu khảo sát được phát ra là 7.004 phiếu. Phiếu khảo sát được phát trực tiếp tại lớp học và trong phiên họp cha mẹ học sinh cuối học kỳ II năm học 2022-2023.

Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của học sinh và phụ huynh đối với các tiêu chí đánh giá trong cơ sở giáo dục công lập

Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của học sinh và phụ huynh đối với các tiêu chí đánh giá trong cơ sở giáo dục công lập

Các tiêu chí đo lường gồm đánh giá mức độ tiếp cận giáo dục; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; môi trường giáo dục; hoạt động giáo dục; sự phát triển và thực hiện nghĩa vụ công dân của học sinh.

Căn cứ kết quả khảo sát, Sở GD-ĐT TPHCM nhận định, điểm hài lòng chung của phụ huynh và học sinh đối với dịch vụ giáo dục công theo các tiêu chí năm 2023 đều cao hơn so với năm 2022.

Cụ thể, điểm hài lòng chung của phụ huynh năm 2023 đạt 4,51 điểm (năm 2022 đạt 4,48 điểm), riêng điểm hài lòng chung của học sinh là 4,53 điểm (năm 2022 đạt 4,37 điểm).

Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của phụ huynh đối với từng cấp học và trên địa bàn quận, huyện

Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của phụ huynh đối với từng cấp học và trên địa bàn quận, huyện

Tuy nhiên, trong từng cấp học, các chỉ số cao nhất ở bậc mầm non và giảm dần từ cấp tiểu học, THCS đến THPT. Kết quả này cho thấy yêu cầu và đòi hỏi của xã hội đối với ngành giáo dục ngày càng cao hơn ở các cấp học lớn.

Bên cạnh những mặt tích cực, kết quả khảo sát cũng cho thấy một số điểm còn hạn chế cần khắc phục của các cơ sở giáo dục, trong đó tiêu chí đạt tỷ lệ hài lòng thấp nhất là cơ sở vật chất trường học.

Cụ thể, tốc độ xây dựng trường lớp còn hạn chế, diện tích sân chơi thấp, sĩ số học sinh/lớp cao, tỷ lệ học 2 buổi/ngày chưa đáp ứng nhu cầu của học sinh và phụ huynh.

Trên cơ sở phân tích kết quả đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, ngành giáo dục thành phố sẽ xác định những mục tiêu cụ thể cho năm học mới, mạnh dạn đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục công lập.

Tin cùng chuyên mục