Trao đổi thêm về hướng phát triển sắp tới của huyện Bình Chánh, Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Trần Văn Nam cho biết, huyện Bình Chánh quyết tâm đưa huyện trở thành quận hay thành phố vào năm 2025. Hiện tại, huyện đã rà soát các tiêu chí để lên thành phố, cơ bản đạt được nhiều, chỉ còn một số tiêu chí cần thời gian phấn đấu thêm để đạt. |
Chiều 11-11, UBND huyện Bình Chánh tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp năm với chủ đề: “Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19”.
Lãnh đạo huyện Bình Chánh tham dự gồm: Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Trần Văn Nam; Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Thị Kim Dung; Chủ tịch UBND huyện Đào Gia Vượng; Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Lũy.
Lãnh đạo huyện Bình Chánh gặp gỡ doanh nghiệp. Ảnh: CHINH NHÂN
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Bình Chánh, Tổng giám đốc Công ty TNHH SX-TM Uyên Phát mong muốn qua đợt dịch này, doanh nghiệp cần hỗ trợ được xây nhà ở xã hội cho công nhân nhằm vừa giữ chân người lao động vừa tránh sự lây lan của dịch bệnh.
“Đây là vấn đề cần thiết và cấp bách. Hiện nay, các doanh nghiệp đang có nhu cầu xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, do vướng quy hoạch, doanh nghiệp gặp khó trong việc tìm quá trình tìm quỹ đất để thực hiện. Huyện có thể “giới thiệu” khu đất cụ thể để doanh nghiệp xây dựng khu nhà ở cho công nhân”, ông Cẩm đề nghị.
Ông Nguyễn Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Bình Chánh. Ảnh: CHINH NHÂN
Theo ông Trịnh Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng, xây dựng nhà ở cho công nhân là vấn đề cần làm "ráo riết". Các cấp lãnh đạo huyện cần tháo gỡ, hướng dẫn doanh nghiệp bằng cách xây dựng các nhà lưu trú.
Theo đó, các nhà lưu trú cho công nhân có thể làm ở những khu vực quy hoạch dân cư xây dựng mới hoặc đất ở đô thị, đất ở nông thôn và gần nhà máy, xí nghiệp để người lao động có nơi ăn chốn ở, đảm bảo sức khỏe. Từ đó, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định và tiếp tục tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
“Chúng ta làm sao phải có được nhà lưu trú cho công nhân nhanh nhất, gọn nhất và doanh nghiệp có thể thực hiện sớm nhất trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay”, ông Hùng nêu ý kiến.
Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Đào Gia Vượng bày tỏ đồng tình với ý kiến xây dựng nhà ở xã hội, khu lưu trú cho công nhân của doanh nghiệp. Quan điểm của huyện là ủng hộ doanh nghiệp xây dựng nhà lưu trú cho công nhân để duy trì ổn định sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng trong điều kiện "bình thường mới" gắn với đảm bảo phòng, chống dịch.
“Hiện nay, có một doanh nghiệp có khu đất tại xã Vĩnh Lộc B đã được thành phố chấp thuận cho triển khai nghiên cứu để thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân (mua hoặc thuê) giúp đảm bảo duy trì sản xuất trong giai đoạn chống dịch”, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh thông tin.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm, các doanh nghiệp có thể tự tìm khu đất, trong khả năng có thể mua và thuê được và tham khảo trước quy hoạch. Huyện sẽ hỗ trợ doanh nghiệp các bước thực hiện thủ tục xây dựng. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân phải đảm bảo đúng mục đích, tránh "biến tướng" thành mục đích sử dụng khác. Doanh nghiệp phải cam kết với địa phương, nếu sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Tại hội nghị, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM và Phòng Kinh tế, Hội Nông dân huyện Bình Chánh cùng nhau ký kết hợp đồng thống nhất phối hợp triển khai phát triển cửa hàng tiện ích, tiện lợi, cửa hàng bình ổn, bán hàng lưu động và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Nam TPHCM ký kết hợp đồng tín dụng với một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện.