TPHCM không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã xác định rõ chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người; an sinh xã hội phải bảo đảm sự linh hoạt, thích ứng với các tình huống xấu xảy ra trên diện rộng, không để ai bị bỏ lại phía sau. 

Đối với TPHCM, tinh thần đó được triển khai ra sao? PV Báo SGGP đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, về công tác đảm bảo an sinh xã hội gắn với phát triển bền vững, xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải trao quà tặng công nhân ở huyện Bình Chánh. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải trao quà tặng công nhân ở huyện Bình Chánh. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phóng viên: Đồng chí có thể chia sẻ về kết quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn TPHCM từ đầu năm đến nay và kế hoạch đảm bảo an sinh những tháng cuối năm?

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải: Từ đầu năm 2023 đến nay, TPHCM đã triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội, chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố.

Trong đó, những chương trình như xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà tình thương; trao tặng học bổng, phương tiện sinh kế; thẻ bảo hiểm y tế; chăm lo tết, hỗ trợ kinh phí thường xuyên cho hộ đặc biệt khó khăn… đã góp phần ổn định cuộc sống của người dân thành phố.

Những tháng cuối năm, TPHCM tiếp tục duy trì thực hiện chương trình trao tặng học bổng Nguyễn Hữu Thọ; hỗ trợ, trao tặng phương tiện sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tình thương cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện bảo trợ kinh phí hàng tháng cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm lo các thương binh nặng, đặc biệt nặng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; hỗ trợ kinh phí khuyến khích đào tạo nghề, giải quyết việc làm…

Hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo MTTQVN TPHCM, các đoàn thể trên địa bàn thành phố đăng ký thực hiện nhiều công trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn. Đây là những công trình thiết thực, ý nghĩa sẽ hỗ trợ các hộ nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, TPHCM phát huy các nguồn lực như thế nào để thực hiện mục tiêu an sinh, chính sách xã hội như tinh thần Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đề ra?

Công tác an sinh xã hội, chăm lo người lao động gặp khó khăn do bị mất việc, giãn việc được TPHCM thực hiện xuyên suốt, nhất là dịp lễ, tết. Qua đó, động viên công nhân, người lao động tiếp tục gắn bó, cùng chung tay vì sự phát triển chung của thành phố. Hiện nay, thành phố có chủ trương thành lập Quỹ An sinh xã hội TPHCM, dự kiến đẩy mạnh việc phối hợp, liên kết với các cơ quan, tổ chức, các tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân, nhà hảo tâm, các tổ chức làm thiện nguyện cùng tham gia hỗ trợ cho người lao động khó khăn. Trong đó, tiêu biểu như hỗ trợ đào tạo việc làm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi việc làm; hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm…

Khi Quỹ An sinh xã hội TPHCM đi vào hoạt động sẽ phối hợp với các nguồn quỹ thành phố đang quản lý. Quỹ sẽ thực hiện chăm lo người yếu thế, người dễ bị tổn thương, các chương trình, đề án với mục tiêu trang bị, cung cấp cho người lao động khó khăn những kỹ năng, nhận thức và các hình thức hỗ trợ khác để người lao động có thể nâng giá trị lao động, tăng nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực cho công tác giảm nghèo bền vững của thành phố.

"Từ kết quả và kinh nghiệm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trong thời gian qua, thành phố tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ giảm nghèo đa chiều và bền vững để tiếp tục triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM. Trong đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ đầy đủ các chính sách của chương trình như vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhà ở, y tế, bảo hiểm xã hội…"

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải

Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có phải là một giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững?

Đúng vậy, TPHCM xác định thực hiện đạt mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao sau đào tạo nghề nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố tập trung đầu tư trường chất lượng cao các nghề trọng điểm, gắn với các ngành nghề mũi nhọn của thành phố trong thời gian tới như: Công nghệ thông tin - truyền thông - trí tuệ nhân tạo, tự động hóa - robot, y tế, quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng và du lịch… để phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng cao.

Thành phố cũng tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, phát huy tốt mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Chú trọng phát triển nhân lực có trình độ, kỹ năng cao và bồi dưỡng nhân tài; tuyển chọn đào tạo và gửi đào tạo ở các quốc gia tiên tiến, sớm hình thành đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý thuộc nhiều lĩnh vực đáp ứng yêu cầu công việc cả trước mắt và lâu dài của thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải trao quà chăm lo trẻ mồ côi do Covid-19. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải trao quà chăm lo trẻ mồ côi do Covid-19. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Cụ thể việc thực hiện chính sách xã hội ổn định và phát triển, gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội sẽ được TPHCM triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

Như tôi đã chia sẻ, TPHCM luôn quan tâm chỉ đạo đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn; nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác trợ giúp xã hội đối với các nhóm đối tượng yếu thế, nhất là hộ nghèo và cận nghèo. Các chính sách tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn thành phố luôn gắn liền với đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách để thành phố phát triển bền vững.

Hiện TPHCM đang quản lý hơn 6.000 đối tượng bảo trợ xã hội tại các cơ sở bảo trợ công lập và hơn 3.000 người tại các cơ sở bảo trợ ngoài công lập. Thành phố là nơi đi đầu cả nước trong việc thực hiện chính sách ưu đãi cho người khuyết tật và người cao tuổi; người từ 75 tuổi trở lên được miễn phí khi tham gia giao thông bằng xe buýt công cộng. Ngoài ra, thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, TPHCM đã hỗ trợ hơn 5.244 tỷ đồng cho gần 5,3 triệu người. Đồng thời, tổ chức đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo cung ứng, nhu cầu tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế tại thành phố đến năm 2025.

Với những giải pháp nêu trên, thành phố sẽ đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình?

Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung công tác giảm nghèo bền vững. Cụ thể, giảm nghèo bền vững phải được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Cùng với đó tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện Chỉ thị 05-CT/ TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI về công tác giảm nghèo bền vững.

Thành phố huy động tối đa các nguồn lực xã hội cùng tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Song song đó, khuyến khích tinh thần năng động sáng tạo để tạo hiệu quả cao nhất cho sự nghiệp giảm nghèo bền vững, hướng đến hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo “đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố” mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM đề ra trước thời hạn để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tin cùng chuyên mục