TPHCM: Muôn kiểu dẫn chứng của thí sinh với câu hỏi về “trách nhiệm của thế hệ trẻ” trong đề thi môn Văn

Kết thúc giờ làm bài môn Ngữ văn buổi sáng, hầu hết thí sinh đều ra về với tâm trạng khá phấn khởi. Nhìn chung, các em đánh giá đề thi năm nay không quá khó, chỉ cần ôn tập nghiêm túc có thể đạt điểm trung bình - khá.
Thí sinh sau giờ làm bài thi Ngữ văn tại điểm thi Trường THPT Tân Phong, quận 7. Ảnh: CAO THĂNG
Thí sinh sau giờ làm bài thi Ngữ văn tại điểm thi Trường THPT Tân Phong, quận 7. Ảnh: CAO THĂNG

>> Gợi ý giải đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

Là thí sinh đầu tiên rời khỏi phòng thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1), Đặng Ngọc Vũ, học sinh lớp 12C, Trường Năng khiếu TDTT cho biết, em ấn tượng nhất với câu nghị luận xã hội về “trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”.

Để làm câu hỏi nghị luận xã hội, Ngọc Vũ đã đưa vào bài làm câu nói “Dân ta phải biết sử ta – Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để dẫn dắt vào bài viết. Theo đó, thí sinh này cho rằng chỉ khi hiểu được lịch sử dân tộc thì thế hệ trẻ mới xác định được trách nhiệm của mình để qua đó nối tiếp các giá trị truyền thống của dân tộc.

TPHCM: Muôn kiểu dẫn chứng của thí sinh với câu hỏi về “trách nhiệm của thế hệ trẻ” trong đề thi môn Văn ảnh 1 Những thí sinh đầu tiên rời khỏi điểm thi Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa sau khi kết thúc giờ làm bài môn Ngữ văn. Ảnh: THU TÂM

Vì khá tâm đắc với câu hỏi nghị luận xã hội nên thí sinh này dành nhiều thời gian cho bài viết. Nhận xét về đề thi năm nay, Ngọc Vũ cho rằng đề có độ khó tương đương năm ngoái, không có câu hỏi gài bẫy hay đánh đố thí sinh.

Còn đối với Dương Thị Thanh Thúy, học sinh lớp 12CF, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, em thích nhất câu hỏi đọc hiểu vì dễ lấy điểm nhất trong đề thi. Cụ thể, đề thi trích dẫn 2 đoạn thơ của tác phẩm “Con đường của những vì sao” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Đề yêu cầu thí sinh xác định thể thơ, chỉ ra những tính từ miêu tả, nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh và nhận xét suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa sự hi sinh của tuổi trẻ.

TPHCM: Muôn kiểu dẫn chứng của thí sinh với câu hỏi về “trách nhiệm của thế hệ trẻ” trong đề thi môn Văn ảnh 2 Các em tỏ ra khá tự tin với bài làm môn Ngữ văn. Ảnh: THU TÂM

Cũng có nhiều hứng thú với chủ đề trách nhiệm của tuổi trẻ, Trần Minh Anh Thư, học sinh lớp 12 TH1, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho rằng, câu hỏi nghị luận xã hội về trách nhiệm của thế hệ trẻ khá ý nghĩa, thể hiện được lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam.

Để cho bài làm được phong phú, thí sinh này đã liên tưởng đến những đóng góp của doanh nhân Phạm Nhật Vượng, Tập đoàn Vingroup – người mà theo em đã góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Đề thi năm nay được Anh Thư đánh giá khá vừa sức, không học bài vẫn có thể làm được. Thí sinh này dự đoán mình được 8 điểm môn Ngữ văn.

Đặc biệt, với câu hỏi nghị luận văn học về tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu là tác phẩm Anh Thư không ôn kỹ nhưng vẫn làm được do vừa mới học và ôn tập trong học kỳ 2 năm lớp 12.

TPHCM: Muôn kiểu dẫn chứng của thí sinh với câu hỏi về “trách nhiệm của thế hệ trẻ” trong đề thi môn Văn ảnh 3 Cùng nhau lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ sau khi kết thúc giờ làm bài môn thi đầu tiên. Ảnh: THU TÂM

Tương tự, Nguyễn Bình Minh, học sinh lớp 12A2, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa hài hước cho biết, đề thi khá “nhân đạo” khi trích dẫn một tác phẩm trong học kỳ 2 nên em còn nhớ kiến thức. Riêng câu hỏi nghị luận xã hội về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với em khá dễ viết, liên quan đoạn trích ở câu hỏi đọc hiểu giúp thí sinh có sẵn mạch cảm xúc, dễ viết và đưa dẫn chứng thực tế.

Ở một góc sân trường, Lê Đình Minh Trí, học sinh lớp 12TD, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đang phấn khích cụng tay với các bạn cùng lớp vì cảm thấy khá tự tin với bài làm môn Ngữ văn.

TPHCM: Muôn kiểu dẫn chứng của thí sinh với câu hỏi về “trách nhiệm của thế hệ trẻ” trong đề thi môn Văn ảnh 4 Lời chúc dễ thương của các chiến sĩ tình nguyện viên "Tiếp sức mùa thi" trước cổng điểm thi Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Ảnh: THU TÂM

Chia sẻ với PV Báo SGGP, Minh Trí cho biết, em học kỹ 4 tác phẩm là “Chiếc thuyền ngoài xa”, “Người lái đò sông Đà”, “Ai đã đặt tên cho dòng song” và “Vợ chồng A Phủ” nên đề thi ra một trong 4 tác phẩm đó giúp em có sẵn cảm xúc để làm bài.

Thí sinh này khoe làm hết 4 mặt giấy thi. Vấn đề trách nhiệm của thế hệ trẻ mang tính thời sự cao, Minh Trí đã lấy dẫn chứng từ những cách hành xử giữa người với người trong xã hội đến truyền thống yêu nước của dân tộc. Giới trẻ cần tiếp thu có chọn lọc để phát triển hơn, thể hiện được bản lĩnh và trách nhiệm của một công dân Việt Nam.

Minh Trí cho biết em dư khoảng 10 phút thời gian làm bài. So với đề thi năm ngoái, em thấy mức độ phân hóa tương đương. Em đoán mình được 7-7,5 điểm môn Ngữ văn.

TPHCM: Muôn kiểu dẫn chứng của thí sinh với câu hỏi về “trách nhiệm của thế hệ trẻ” trong đề thi môn Văn ảnh 5 Thí sinh vui mừng sau giờ thi Ngữ văn tại điểm thi Trường THPT Tân Phong, quận 7. Ảnh: CAO THĂNG

Đặc biệt, với Quản Phương Anh, học sinh lớp 12A2, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, câu hỏi về trách nhiệm của thế hệ trẻ đã giúp em liên tưởng đến ý nghĩa và giá trị của các làng nghề truyền thống của dân tộc.

“Em dẫn chứng ngay chính nghề truyền thống của gia đình là nghề làm bột màu để tạo tranh sơn dầu. Do dẫn chứng thực tế là cái nôi em đã sinh ra và lớn lên nên em có nhiều cảm xúc để viết. Em kết hợp dẫn chứng thêm câu nói của Bác Hồ là “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” nên rất tự tin về bài làm của mình. Em viết đầy cả 7 mặt giấy thi”, Quản Phương Anh phấn khởi cho biết.

Riêng với Vũ Tuấn Hùng, học sinh lớp 12A1, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa lại mang tâm trạng khác. Thí sinh này cho rằng so với đề thi năm ngoái về lối sống dễ diễn giải hơn thì năm nay khái niệm “Trách nhiệm của thế hệ trẻ” tương đối trừu tượng, dẫn chứng nhiều nhưng phải hiểu sâu mới viết tốt.

Chiều nay, các em tiếp tục bước vào giờ làm bài môn Toán, thời gian làm bài 90 phút.

Tin cùng chuyên mục