TPHCM: Tổ chức dạy học 1 buổi/ngày đối với học sinh lớp 1

Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản hướng dẫn chuyên môn về dạy học trực tiếp đối với học sinh lớp 1 ở bậc tiểu học. Theo đó, trong giai đoạn thí điểm dạy học trực tiếp từ ngày 13-12 đến ngày 25-12, các trường tiểu học sẽ đón học sinh lớp 1 theo cấp độ dịch.

Đối với các cơ sở giáo dục thuộc khu vực cấp độ 1 (vùng xanh), học sinh lớp 1 đi học 1 buổi/ngày, học sinh các khối khác tiếp tục học trên môi trường Internet. Riêng Trường Tiểu học Thạnh An (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) tổ chức học trực tiếp cho tất cả các khối lớp. 

Trường học bảo đảm mật độ học sinh trong một lớp, khoảng cách an toàn giữa các phòng học theo các quy định của Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn trường học trong phòng chống dịch Covid-19.

Đối với các cơ sở giáo dục thuộc khu vực cấp độ 2 (vùng vàng), học sinh lớp 1 đi học 1 buổi/ngày, mỗi buổi không quá 50% sĩ số học sinh toàn khối. 

Đối với các cơ sở giáo dục thuộc khu vực cấp độ 3 (vùng cam), học sinh lớp 1 đi học 3 buổi/tuần, mỗi buổi không quá 50% sĩ số học sinh toàn khối.

Đối với các cơ sở giáo dục thuộc khu vực cấp độ 4, tất cả học sinh tham gia học tập trên môi trường Internet. 

TPHCM: Tổ chức dạy học 1 buổi/ngày đối với học sinh lớp 1   ảnh 1 Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) trong một tiết học vào năm học 2020-2021

Những trường hợp học sinh đang ở tỉnh chưa về được thành phố, học sinh đang trong khu vực cách ly, phong tỏa, đang phải cách ly y tế vì nhiễm bệnh, các học sinh có bệnh lý nền (có xác nhận của bác sĩ) tạm thời chưa tham gia học tập trực tiếp mà được nhà trường tổ chức hướng dẫn tự học qua Internet, qua truyền hình và các phương tiện khác.

Về chuyên môn, giáo viên sẽ chủ động phân loại học sinh theo năng lực, tổ chức hướng dẫn các hoạt động học tập theo nhóm, có các giải pháp để củng cố, bồi dưỡng kiến thức đối với những học sinh chưa tham gia học tập trong giai đoạn học trực tuyến, hoặc chưa đạt được các yêu cầu về phẩm chất, năng lực.

Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, ngày đầu tiên đi học trực tiếp, các giáo viên làm quen với học sinh, dành thời gian hướng dẫn cho học sinh hình thành thói quen phòng dịch Covid-19 tại trường; xây dựng nền nếp học tập cho học sinh; tổ chức khảo sát nhanh để nắm bắt, chia nhóm học sinh...

Những ngày tiếp theo, giáo viên sẽ kết hợp tổ chức ôn tập, củng cố các kiến thức cốt lõi đã triển khai trong giai đoạn học tập trên môi trường Internet song song với việc tổ chức dạy học kiến thức mới.

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, việc tổ chức thí điểm cho học sinh lớp 1 trở lại trường học nhằm duy trì, củng cố chất lượng dạy học, giúp học sinh tiếp tục nắm bắt được mạch kiến thức của chương trình, nhanh chóng hòa nhập với tiến độ học tập trung. 
Trước đó, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch thí điểm cho học sinh trở lại trường học đối với 3 khối lớp gồm 1, 9 và 12. Trong đó, thời gian thí điểm được thực hiện trong 2 tuần từ 13 đến 25-12.
Sau đó, các trường sẽ tiến hành đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm để quyết định phương án mở rộng dần đối tượng đến trường học trực tiếp đối với học sinh.

Tin cùng chuyên mục

Giáo dục hội nhập

Giải thưởng Võ Trường Toản

Giải thưởng Võ Trường Toản: 25 năm chở trọn đạo người Thầy longform

Nghề giáo được ví như nghề đưa đò, chuyên chở học trò đến bến bờ tri thức; dẫn đường, khai mở hành trình thành nhân, lập nghiệp. Trên hành trình ấy, người thầy chịu biết bao trở lực, thử thách. Năm 1998, với trách nhiệm xã hội của mình, Báo SGGP lên ý tưởng tổ chức một giải thưởng dành để tôn vinh người Thầy, giải thưởng lấy tên cụ Võ Trường Toản, người thầy nổi tiếng của đất Sài Gòn - Gia Định xưa, ra đời. Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, 1/4 thế kỷ, giải thưởng đã trở thành điểm tựa của biết bao người Thầy.

Học bổng Nguyễn Văn Hưởng

CLB Medseeds tổ chức hoạt động rèn kỹ năng cho sinh viên ngành y

Trong 2 ngày 22 và 23-10, CLB Medseeds (gồm các sinh viên đã và đang được trợ giúp từ Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng của Báo SGGP) đã tổ chức 2 buổi thảo luận với chủ đề “Cần chuẩn bị gì để xin học bổng du học” và “Phát triển kỹ năng tư duy phản biện cho sinh viên y khoa”. 

Giải thưởng Tôn Đức Thắng

Viết những ước mơ

Trong hàng ngàn sáng kiến, cải tiến được ứng dụng vào thực tiễn do những công nhân, kỹ sư đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng thực hiện, có không ít nỗ lực của các nữ công nhân, nữ kỹ sư ngày đêm cần mẫn tìm tòi, nghiên cứu. Nhiều sản phẩm, ý tưởng của các chị được ứng dụng vào thực tiễn, không chỉ mang lại giá trị cho đơn vị mà còn nâng tầm sản phẩm Việt.