TPHCM triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn trường học

Ngày 27-5, Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản khẩn gửi trưởng phòng GD-ĐT 24 quận huyện, hiệu trưởng các trường THPT, trung cấp, cao đẳng, giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc trên địa bàn TP về tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh.
Nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM mé nhánh cây trên đường Tô Hiến Thành, quận 10. Ảnh: NGUYỄN NHÂN
Nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM mé nhánh cây trên đường Tô Hiến Thành, quận 10. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Theo đó, Sở GD-ĐT TP yêu cầu các cơ sở giáo dục cần rà soát công tác ký kết liên tịch với địa phương nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tại đơn vị, chủ động và kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai, bão, lũ lụt... nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên. 

Sở GD-ĐT TP lưu ý các đơn vị trường học xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, tổ chức tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường, tích hợp, lồng ghép nội dung phòng chống bạo lực học đường vào nội dung một số môn học phù hợp. Trường học cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền, tổ chức đoàn thể địa phương tổ chức hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, các lớp học bơi, học kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước trong thời gian nghỉ hè. Đặc biệt, sau sự cố cây xanh ngã đổ ở Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, Sở GD-ĐT TP yêu cầu các cơ sở giáo dục quan tâm kiểm tra, cắt tỉa cành, chăm sóc cây xanh, xử lý thông thoáng hệ thống thoát nước, chống dột trong khuôn viên nhà trường, kiểm tra đảm bảo an toàn hệ thống điện tại các phòng học, phòng chức năng, phòng thí nghiệm, thực hành... 

Song song đó, các trường cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như tăng cường vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp, tiếp tục duy trì đeo khẩu trang từ nhà tới trường, trước khi vào lớp, trong giờ ra chơi và khi ra khỏi lớp. Các hoạt động tập trung đông người khi tổ chức trong nhà trường phải đảm bảo an toàn như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, sát khuẩn nơi tổ chức. Trường học tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, tuyệt đối không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tại đơn vị. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm phân công cụ thể người quản lý, giám sát và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo thực đơn cho học sinh bán trú, nội trú đáp ứng tiêu chuẩn dinh dưỡng và vệ sinh, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Riêng về công tác phòng cháy chữa cháy, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, trường học cần quản lý, thu gom, tiêu hủy hóa chất hết hạn sử dụng, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, các trường phải quản lý chặt chẽ và có kế hoạch thường xuyên kiểm tra an toàn tại các phòng thực hành, thí nghiệm, hệ thống điện, căn tin... 

Liên quan tới vụ tai nạn do cây phượng đổ tại Trường THCS Bạch Đằng, ngày 27-5, bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, cho biết, hiện các bác sĩ, điều dưỡng đang tập trung giúp 4 em học sinh đang điều trị tại bệnh viện mau chóng hồi phục. Trước đó, 4 học sinh gặp nạn được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hoảng loạn tinh thần do cơ thể bị đau. Đặc biệt, các em bị hốt hoảng khi nghe tin bạn qua đời, vì thế ảnh hưởng đến sinh hiệu của cơ thể. Các bác sĩ, điều dưỡng đã thực hiện các biện pháp giảm đau, nâng đỡ tinh thần cho các em, đồng thời cho người nhà vào chăm sóc để các em được ổn định trước phẫu thuật.

Theo đó, trưa 27-5, hai học sinh nặng nhất là em N.L.H.M. (12 tuổi) bị gãy xương cẳng tay phải - chấn thương cột sống và bụng kín và em T.K.H. (12 tuổi) bị gãy xương đùi, gãy xương cẳng chân trái, chấn thương bụng kín đã được phẫu thuật kết hợp xương bằng phương pháp đóng đinh nội tủy thành công. Em L.G.M. (12 tuổi) và em N.A.T. (12 tuổi) đang được theo dõi tiếp ở khoa Ngoại thần kinh, dự kiến xuất viện trong ngày 28-5.

Cùng ngày, bác sĩ CKII Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Bệnh viện Quốc tế chấn thương chỉnh hình Sài Gòn (Sài Gòn ITO), cho biết, 3 học sinh đang nằm điều trị tại bệnh viện hiện sức khỏe đều ổn định. Trước đó, bệnh viện tiếp nhận 1 học sinh có vết thương vùng mặt, bị rách vành tai trái, trật khớp xương đòn; 1 học sinh bị gãy 2 xương cẳng chân trái; 1 học sinh bị gãy 2 xương cẳng chân trái, kèm gãy xương chậu, gãy xương cổ chân, chấn thương đầu. Các em đã được phẫu thuật trong ngày 26-5; dự kiến được điều trị trong khoảng một tuần. 

Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT quận 3, cho biết: “Ngoài các em bị thương nặng đang điều trị tại bệnh viện, có 10 học sinh bị thương nhẹ đang được điều trị ngoại trú. Ngành giáo dục đang cùng chuyên gia tâm lý nắm bắt các biểu hiện tâm lý của từng em này. Rất may, nhiều em có tâm lý, sức khỏe ổn định”.

Tin cùng chuyên mục