TPP - nhiều ý kiến trái chiều

Ngày 6-10, một ngày sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt được thỏa thuận giữa 12 nước tham gia, dư luận quốc tế có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh hiệp định được xem là “của thế kỷ 21” này.
TPP - nhiều ý kiến trái chiều

Ngày 6-10, một ngày sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt được thỏa thuận giữa 12 nước tham gia, dư luận quốc tế có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh hiệp định được xem là “của thế
kỷ 21” này.

Hân hoan

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tuyên bố, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa đạt được giữa 12 quốc gia sau 5 năm đàm phán là một thắng lợi lớn đối với Australia. Các rào cản thuế quan được khai thông với việc giảm hơn 98% thuế xuất nhập khẩu đối với các nước tham gia TPP và có thêm nhiều thị trường mới mở cửa. Nông dân sẽ được cắt giảm mạnh thuế trong các lĩnh vực như thịt bò, các sản phẩm sữa, rượu vang, đường, gạo, rau quả và hải sản ở một số thị trường. Các nhà sản xuất thịt bò sẽ được hưởng lợi khi thuế cắt giảm thêm 9% và lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ các nhà sản xuất lúa gạo sẽ có thể tăng sản lượng bán tại Nhật Bản. Những người trồng mía sẽ tăng gấp đôi sản lượng đường xuất đi thị trường Mỹ…

Nông nghiệp Nhật Bản phải đối mặt với thách thức khi nước này tham gia TPP

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 6-10 cũng đánh giá việc đạt được đồng thuận về TPP là một thành công. Chính phủ và liên minh cầm quyền Nhật Bản đã lập tức bắt tay vào công tác chuẩn bị để trình quốc hội thông qua TPP. Tuy nhiên, báo chí Nhật Bản nhận định, do đàm phán hiệp định kéo dài hơn dự kiến, cùng với tình hình phức tạp hiện nay trên chính trường Nhật Bản, nhiều khả năng quốc hội nước này chỉ có thời gian xem xét TPP từ tháng 4-2016.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed đã bày tỏ tin tưởng rằng TPP sẽ giúp Malaysia thúc đẩy thương mại và đầu tư, đồng thời giảm nhẹ các thách thức khi hội nhập thị trường kinh tế thế giới. Chính phủ Hàn Quốc đã hoan nghênh việc 12 nước đạt được thỏa thuận về TPP, đồng thời tuyên bố Seoul sẽ nỗ lực tham gia hiệp định này ngay khi nào có thể.

Bộ Thương mại Trung Quốc nhận định, TPP là một trong những thỏa thuận thương mại tự do chủ chốt đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc hy vọng TPP cũng như các thỏa thuận thương mại tự do khác có thể thúc đẩy lẫn nhau và góp phần vào sự tăng trưởng thương mại, đầu tư và kinh tế của khu vực này.

Và quan ngại

Cả phe Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đều tỏ ra thận trọng về TPP. Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders của đảng Cộng hòa cảnh báo, TPP sẽ khiến nhiều người mất việc và người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Nhiều nghị sĩ của đảng Dân chủ lo ngại TPP sẽ khiến nhiều người lao động trong lĩnh vực sản xuất chế tạo mất việc làm, xói mòn các luật môi trường. Hạ nghị sĩ Louise Slaughter của đảng Dân chủ còn gay gắt hơn khi cho biết bà sẽ cùng những người đồng cấp của Canada và Australia làm mọi cách để cản trở thỏa thuận.

Tại Canada, nông dân ngành sữa lo ngại rằng, việc cắt giảm thuế và nghiêm cấm bảo hộ khiến họ phải đối mặt với sự cạnh tranh giá thành rẻ hơn từ các quốc gia khác. Thủ tướng Canada Stephen Harper cho hay, Chính phủ nước này đã thông qua một kế hoạch chi 4,3 tỷ USD trong 15 năm tới để bảo vệ nông dân Canada khỏi những tác động của TPP. Trong khi đó, tổ chức công đoàn Unifor của Canada cho hay, TPP sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp xe hơi. Unifor ước tính hơn 2.000 lao động sẽ mất việc làm vì TPP. Chính phủ Canada đã bác bỏ quan điểm của Unifor.

Chính phủ Nhật Bản cũng cho biết sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt gồm toàn bộ thành viên của nội các, nhằm xem xét những tác động tiêu cực của hiệp định TPP đối với kinh tế trong nước trong tương lai. Theo các điều khoản TPP, Nhật Bản buộc phải giảm thuế nông nghiệp để đổi lấy những lợi ích kinh tế khác. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh tới lĩnh vực nông nghiệp Nhật Bản.

Một đại diện của tổ chức Bác sĩ không biên giới cho rằng, TPP sẽ khiến việc tiếp cận dược phẩm ở các nước đang phát triển trở nên khó khăn.

TPP là hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử, chiếm tới 40% nền kinh tế thương mại toàn cầu. Theo quy định, sau khi được ký kết, văn kiện này cần nhận được sự phê chuẩn của 12 chính phủ và quốc hội các nước thành viên để có hiệu lực.

Đỗ Cao (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục