Thực phẩm tươi sống ngoại nhập

Tràn ngập thị trường trong nước

Tràn ngập thị trường trong nước

Sau táo, lê, trứng gà Trung Quốc, rồi đến cá nục bông, cá thu đao Đài Loan, nay lại thêm các mặt hàng cà rốt, khoai tây, hành tím, gừng… ngoại nhập đang làm mưa, làm gió tại các chợ bán sỉ và lẻ của TPHCM. Trước tình trạng này, những người có trách nhiệm không khỏi băn khoăn...

  • Hàng ngoại lấn át hàng nội

Cách đây khoảng 2 năm, các loại cá ngoại nhập như cá thu đao, cá nục bông, saba, cá hồi, cá trứng,… về các chợ đầu mối chỉ chiếm một phần rất nhỏ, khoảng 5%-10% so với lượng cá về TP hàng đêm. Người dân muốn thưởng thức loại cá này thì phải vào nhà hàng, khách sạn. Nhưng chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, những mặt hàng này về TP đã tăng lên rất cao.

Tràn ngập thị trường trong nước ảnh 1

Cá nục bông Đài Loan đóng hộp hàng đêm tràn về chợ đầu mối thủy hải sản Chánh Hưng.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ tại một số chợ đầu mối, chỉ riêng 2 loại cá thu đao và cá nục bông có nguồn gốc từ Đài Loan đã chiếm khoảng 20%-25% so với lượng cá biển về TP hàng đêm. Với số lượng ngày càng nhiều, giờ đây 2 loại cá này đã bắt đầu “bơi” về các chợ bán lẻ.

Cá nục bông Đài Loan cũng tương tự như cá nục của ta, nhưng trọng lượng lớn hơn (bình quân 1kg cá nục bông chỉ khoảng 3 con, trong khi cá nục ta khoảng 10-12 con/kg). Cá thu đao ngoại thì ngược lại, nhỏ hơn nhiều so với cá thu nội (mỗi con chỉ khoảng 0,5kg - 0,6kg nên rất dễ dàng cho người mua nguyên con), vả lại mình cá dài, dẹp.

Chị T. bán cá ở chợ Văn Thánh cho biết: 2 loại cá này rất hút hàng, giá lại rẻ hơn cá nội. Chẳng hạn, cá thu đao chỉ khoảng 25.000-27.000đ/kg (rẻ hơn cá trong nước 15.000-20.000đ/kg), nục bông chỉ 16.000đ/kg. Chị N.B.M, Q. Phú Nhuận nhận xét: “So với cá ta thì cá Đài Loan chưa hẳn đã ngon hơn, nhưng tôi vẫn chọn mua để tăng thêm khẩu vị cho gia đình”.

Đáng lưu ý, khi cá tra, cá basa bị dội chợ, rớt giá thì 2 loại cá này đã “lội” ngược xuống miền Tây để làm một cuộc cạnh tranh rất dữ dội.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Tam Bình, Thủ Đức cho biết, trong tổng số 1.300 tấn trái cây và rau, củ, quả các loại về chợ mỗi đêm thì chỉ riêng rau, củ, quả có xuất xứ từ TQ chiếm khoảng 200 tấn. Trong đó, nhiều nhất là cà rốt, rồi đến súp lơ, hành tỏi, gừng, khoai tây…

Tại chợ đầu mối Hóc Môn, mỗi đêm cũng đón khoảng 100 tấn rau, củ quả của TQ, trong đó cà rốt chiếm khoảng 30 tấn, tỏi 15-20 tấn, khoai tây 20 tấn….

  • Vì sao hàng Trung Quốc bán chạy?

So với các loại rau, củ, quả cùng loại của Đà Lạt thì hàng TQ như cà rốt, gừng... có củ to hơn, súp-lơ tươi hơn và còn được bao bọc trong chiếc túi lưới, nhìn rất bắt mắt.

Chị X. bán hành, tỏi, gừng ở chợ N.Đ.C cho biết: “Thời gian đầu, tôi lấy hàng về bán sợ người ta không mua (vì sợ dư âm trái cây TQ có tẩm nhiều hóa chất), tôi đành nói dối đây toàn là hàng VN xuất khẩu. Đến nay thì ai cũng biết là hàng TQ nhưng họ vẫn mua và số lượng bán ra ngày càng nhiều”.

Tràn ngập thị trường trong nước ảnh 2

Gừng Trung Quốc lấn sân trên thị trường nội.

Theo ông Trương Minh Đức, Phó phòng Kinh doanh Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền - đơn vị quản lý chợ đầu mối thủy hải sản Chánh Hưng, sự có mặt của cá thu đao và cá nục Đài Loan đã làm cân đối và phong phú thêm nguồn cung tại chợ.

Chính cá ngoại đã gây áp lực về giá đối với cá nội. Bằng chứng, cá nục, cá bạc má trước đây giá bán sỉ lên tới 14.000-18.000đ/kg, nhưng từ khi có cá ngoại thì giá bán cá trong nước đã bị kéo xuống, mỗi ký giảm chừng 2.000-3.000đ/kg.

Bà Nguyễn Thanh Hà tỏ ra lo lắng nói: “Hiện nguồn cung rau, củ, quả của chúng ta rất dồi dào. Nếu rau TQ tiếp tục đổ về thì sẽ gây khó khăn, trở ngại cho các nhà vườn trong nước. Tại sao các loại rau, củ lại được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng? Nhìn vào hình thức thì hầu hết các loại thực phẩm đều rất sạch sẽ, căng mọng, rất bắt mắt.

Thông thường, các loại thực phẩm này để được khoảng 5 ngày nhưng vẫn tươi ngon”. Trong khi đó, rau, củ nước ta chỉ để được trung bình 2-3 ngày là đã xuống nước. Điều này khiến không ít người đặt ra nghi vấn phải chăng hàng TQ được bảo quản bằng hóa chất (?).

Trong thời gian đi thực tế, chúng tôi nhận thấy còn một yếu tố rất quan trọng khiến thực phẩm TQ bán chạy, đó là cùng một chủng loại sản phẩm nhưng giá bán giữa hàng VN và TQ chỉ xê xích nhau khoảng 1.000-3.000đ/kg. Thậm chí, có một số mặt hàng TQ, giá bán còn thấp hơn khá nhiều so với hàng trong nước.

Cụ thể, khoai tây bán sỉ chỉ 3.000đ/kg (rẻ hơn khoai Đà Lạt 2.000đ/kg), hành tím 4.000-5.000đ/kg (rẻ hơn hành trong nước 2.000đ/kg)… Nhu cầu sử dụng thực phẩm mới lạ cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng thực phẩm TQ đổ về TP không ngừng gia tăng.

Đây là những vấn đề đặt ra cho các ngành chức năng, cho các doanh nghiệp và nhà sản xuất nông nghiệp để tìm hướng đi mới, có biện pháp thích hợp trong tình hình cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại hiện nay. 

Hải Hà

Tin cùng chuyên mục