Triển vọng dịch vụ bao thanh toán

Triển vọng dịch vụ bao thanh toán

Theo các chuyên gia tài chính, dịch vụ bao thanh toán (BTT) là một trong những nghiệp vụ mới đầy tiềm năng của các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại và cũng là kênh hỗ trợ vốn đắc lực đối với các tổ chức kinh tế. Bản chất của nghiệp vụ BTT là hình thức cấp tín dụng cho bên bán hàng thông qua việc mua lại các khoản phải thu phát sinh từ việc mua bán hàng hóa đã được bên bán hàng và bên mua hàng cam kết trong hợp đồng mua bán hàng hóa.

Triển vọng dịch vụ bao thanh toán ảnh 1

Dịch vụ bao thanh toán tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh: Đ.V.D.

Quy trình BTT được thực hiện như sau: sau hình thức thanh toán trả chậm, bên mua tiếp xúc với đơn vị BTT (ngân hàng) để đi đến thỏa thuận thực hiện nghiệp vụ BTT; bên mua và ngân hàng ký hợp đồng BTT và tiến hành gửi thông báo đến cho bên mua; khi bên mua nhận được thông báo này và gửi hồi đáp chấp nhận, cam kết thanh toán cho ngân hàng theo hợp đồng BTT, ngân hàng tiến hành giải ngân cho bên mua.

Trước triển vọng phát triển nghiệp vụ BTT tại nước ta, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quy chế về hoạt động BTT của các tổ chức tín dụng (TCTD), cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nợ quá hạn đối với hoạt động BTT của các TCTD. Ngay sau đó, một số ngân hàng đã được NHNN cho phép thực hiện nghiệp vụ này và đã triển khai rất thành công.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, chỉ triển khai dịch vụ này từ tháng 5-2005 và chỉ với bao thanh toán trong nước nhưng đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của các khách hàng vì dịch vụ này phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Đến nay đã có doanh số thực hiện dịch vụ BTT của ACB đã đạt hơn 30 tỷ đồng. Với dịch vụ này, ngân hàng sẵn sàng ứng tiền trước cho doanh nghiệp đến 80% giá trị khoản phải thu.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng đã hợp tác với Ngân hàng Far East National, chi nhánh TPHCM triển khai nghiệp vụ BTT với các doanh nghiệp. Hiện nghiệp vụ này của OCB đã được nhiều khách hàng liên hệ để thực hiện. Được biết NHNN cũng vừa chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) được thực hiện nghiệp vụ BTT và chuẩn bị giới thiệu ra thị trường trong năm 2006. Có thể thấy, thực hiện nghiệp vụ BTT đã tạo thuận lợi cho nhà xuất khẩu trong việc thanh toán tiền hàng xuất khẩu, giúp cho hoạt động tài chính sôi động và hiệu quả hơn.

THẾ TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục