Đưa chuyên gia Việt Nam sang châu Phi

Triển vọng trong tầm tay

Việc đưa các chuyên gia Việt Nam sang châu Phi đã được triển khai từ nhiều năm qua và trên thực tế, Việt Nam đã trở thành người bạn thân thiết của nhiều quốc gia ở châu Phi. Trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng nên đẩy mạnh việc đưa chuyên gia sang châu Phi để “cứu vãn” tình hình đưa người đi làm việc ở nước ngoài.

Nhiều năm qua, Việt Nam đã đưa các chuyên gia lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp sang các nước châu Phi. Việc thực hiện đưa chuyên gia sang châu Phi chủ yếu do Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT thực hiện với các cơ quan chủ quản của nước bạn, thông qua các hợp tác chuyên ngành. Về nguyên tắc, Chính phủ rất ủng hộ chủ trương đưa chuyên gia và lao động sang châu Phi để tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và phía bạn.

Tuy nhiên, theo ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB-XH, hiện nay chủ yếu Việt Nam mới thực hiện việc đưa chuyên gia sang châu Phi, còn lao động sang khu vực này hiện vẫn còn khiêm tốn. “Thời điểm này đưa lao động sang châu Phi là chưa hợp lý. Vì mức tăng trưởng GDP của bạn chưa cao, lương cho người lao động thấp nên chúng tôi chưa đặt vấn đề đưa lao động nhiều sang châu Phi. Đó là chưa kể các yếu tố khác đều khó khăn như khí hậu, phong tục tập quán, thổ nhưỡng”, ông Hải cho biết.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Trần Bá Việt Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT cho biết, ngành giáo dục đã triển khai đưa chuyên gia giáo dục sang châu Phi từ nhiều năm nay, tuy quy mô chưa lớn nhưng triển vọng thì rất đáng quan tâm. Chính phủ cũng muốn nâng tầm hợp tác phát triển giáo dục-nhân lực với các nước châu Phi. Tuy nhiên, hiện nay do chế độ chưa hấp dẫn nên cũng chưa có nhiều chuyên viên giáo dục thích sang khu vực này.

Còn theo ông Đào Công Hải, sở dĩ quy mô đưa chuyên gia sang châu Phi từ trước tới nay còn hạn chế là vì các yêu cầu khá cao. Chuyên gia phải là từ chuyên viên chính trở lên, có trình độ chuyên môn, có tiếng Anh, nên không phải ai cũng đáp ứng được yêu cầu. “Còn thu nhập theo tôi không phải là vấn đề. Lương chuyên gia Việt Nam làm việc ở châu Phi cao tương đương với lương chuyên gia ở Hàn Quốc, Nhật Bản, có thể đạt tới 2.000-3.000 USD/tháng. Thời gian làm việc có thể kéo dài từ 6 tháng đến 3 năm, tùy theo thời gian của chương trình, dự án họ tham gia”, ông Hải khẳng định.

Hiện nay, nhu cầu tiếp nhận chuyên gia của các nước châu Phi là rất lớn. Kể cả một số nước khu vực Trung Đông, như Các tiểu vương quốc Ả Rập cũng có nhu cầu tiếp nhận nhiều chuyên gia, lao động có tay nghề, có kinh nghiệm, ngoại ngữ, thậm chí, không cần chuyên gia mà chỉ cần các vị trí đốc công, thợ bậc cao. “Đặc biệt, các nước châu Phi họ rất cần chuyên gia của Việt Nam vì nếu phải thuê chuyên gia của các nước phát triển, họ phải chi trả rất lớn”, ông Hải cho hay.

Thời gian qua, GS-TS Võ Tòng Xuân cũng đã triển khai chương trình đưa nhiều chuyên gia nông nghiệp và nông dân có tay nghề cao ở vùng ĐBSCL sang thực hiện các dự án hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa Việt Nam tại “lục địa đen”. GS-TS Võ Tòng Xuân cũng hy vọng sẽ góp phần tham mưu cho Chính phủ, Bộ NN-PTNT về một “đại công trình xuất khẩu nông dân ĐBSCL sang bên kia đại dương”. Theo GS, với những đức tính và kinh nghiệm mà nông dân ĐBSCL đang có, họ hoàn toàn có thể trở thành chuyên gia về kỹ thuật trồng lúa cho người dân châu Phi, góp phần tận dụng tiềm năng đất đai thổ nhưỡng, giảm lượng gạo phải nhập khẩu hàng năm và nạn đói ở những vùng đất này.

Lâm Nguyên

Tin cùng chuyên mục