Triệt chất cấm phải đánh từ gốc

Bộ NN-PTNT và Bộ Công an sẽ kiên quyết tìm ra các đối tượng, đường dây mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và thực phẩm, đồng thời đề nghị Quốc hội bổ sung hành vi sử dụng chất cấm là một tội ác cần phải truy tố theo luật hình sự.

Xử lý hình sự việc đưa chất cấm vào thực phẩm

Đó là một trong những nội dung quan trọng được nêu ra và mổ xẻ, bàn giải pháp triển khai thực hiện tại hội nghị về chấn chỉnh tình trạng sử dụng chất cấm, thực phẩm ngày càng mất an toàn, đe dọa sức khỏe của hàng triệu người tiêu dùng do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 5-11. Bộ NN-PTNT coi đây như một “hội nghị Diên Hồng” triệu tập lãnh đạo nông nghiệp của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với sự tham dự của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an để triển khai ngay những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm từ nay đến Tết Nguyên đán 2016 và trong lâu dài.

Trong hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát bức xúc nói rằng ông phải nhiều lần dùng từ “tội ác” bởi không thể chấp nhận được việc ở tỉnh Bình Dương người ta có thể ngâm chuối vào thuốc trừ cỏ CO 2,4D để làm chuối chín vàng và sau đó sẽ ra sao nếu những đứa trẻ vẫn còn non nớt ăn phải, cũng như vấn nạn đưa chất cấm, kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi và thực phẩm gây độc hại cho sức khỏe... ngày càng gia tăng và nhức nhối. “Đó không phải là vi phạm nữa mà là tội ác và thể hiện sự tàn độc. Chúng ta không thể làm ngơ để một người làm hại nhiều người”, Bộ trưởng Cao Đức Phát bày tỏ rõ sự bức xúc. Ông cũng cho rằng vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhiều năm qua mặc dù đã có bước chuyển biến tốt ở nhiều lĩnh vực nhưng lại nảy sinh những vấn đề gây bức xúc hơn, cụ thể là chất cấm trong chăn nuôi và thực phẩm.

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, người đã đề xuất bổ sung quy định về chất cấm trong chăn nuôi và thực phẩm vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét thảo luận thì luật hiện hành đang có bất cập, bỏ sót vi phạm về chất cấm và cần phải nâng tội ác này lên mức xử lý hình sự mới răn đe được. Ủng hộ quan điểm bổ sung quy định về chất cấm vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đại tá Trần Trọng Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho biết, như hiện nay tại Điều 155 Bộ luật Hình sự về tội phạm buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng cấm... thì không có từ “sử dụng” và cũng không có chỗ nào quy định về xử lý khi dùng chất cấm như Salbutamol. Còn Điều 244 về xử lý hình sự đối với những vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ quy định cấu thành tội phạm hình sự khi gây ra hiệu quả nghiêm trọng như gây ngộ độc hàng loạt. Do những bất cập về luật nên trên thực tế cơ quan chức năng đã bắt hàng loạt trường hợp đưa hàn the vào giò chả, dùng đạm ure ướp cá và đưa formaldehyde vào bánh phở... mà vẫn không thể xử lý được.

Ông Trần Trọng Bình cho rằng, để khắc phục bất cập này, không thể căn cứ yếu tố cấu thành hậu quả khi quy định tội về sử dụng chất cấm trong thực phẩm mà phải áp dụng yếu tố cấu thành hình thức, chỉ cần có hành vi đưa hoặc sử dụng chất cấm vào thực phẩm, thức ăn chăn nuôi là bị truy tố về hình sự.

Truy tìm đường dây chất cấm

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, cơ quan chức năng của bộ đã tổ chức thu thập, kiểm tra và phát hiện khoảng 1.000 mẫu thực phẩm nhiễm Salbutamol, 20kg chất tạo nạc mà Cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản công bố không phải là “nghi” chất Salbutamol mà chính là Salbutamol, đề nghị phải tìm ra đường dây cung cấp chất này.

Đại diện tỉnh Bình Dương cho rằng, để triệt chất cấm thì cần phải “đánh” từ gốc bởi do chăn nuôi và sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ, chúng ta không thể biết trước doanh nghiệp và người chăn nuôi sẽ “bỏ” chất gì vào thức ăn chăn nuôi hoặc thực phẩm khi chế biến. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng tán thành quan điểm phải triệt từ gốc bằng cách điều tra, xử lý các đầu mối, đầu nậu buôn bán và cung cấp chất cấm. Ông dẫn lại kinh nghiệm về ngăn chặn nạn buôn lậu gia cầm và cá tầm lậu năm 2012-2013, sau khi chỉ mặt tận nơi hàng chục đường dây buôn lậu thì tình trạng đã thay đổi rõ.

Đối với quản lý chất cấm, bên cạnh sự vào cuộc với tinh thần cao và quyết liệt của các cơ quan chức năng, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với C49 Bộ Công an kiên quyết điều tra làm rõ các đối tượng, đường dây sử dụng, mua bán chất cấm. Theo ông Cao Đức Phát, ở Việt Nam không có cơ sở sản xuất chất Salbutamol vậy chất cấm này vào nội địa là do nhập lậu hoặc doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu rồi tuồn ra thị trường.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, ngay trong tuần tới, Thanh tra Bộ NN-PTNT sẽ công bố ngay đường dây nóng để giúp mọi người dân có thể chủ động phát hiện và cung cấp cho Bộ NN-PTNT về những cơ sở, doanh nghiệp sử dụng chất cấm. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng công bố “treo thưởng” cho những ai có thông tin tố giác chất cấm ở mức hậu hĩnh, tùy theo chất lượng của thông tin.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục