Triệt để tiêu hủy hàng lậu

Theo Bộ Công thương, trong quý 1-2015, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã xử lý trên 22.500 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình nhập lậu các sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng ngày càng phức tạp.
Triệt để tiêu hủy hàng lậu

Theo Bộ Công thương, trong quý 1-2015, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã xử lý trên 22.500 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình nhập lậu các sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng ngày càng phức tạp.

Hàng lậu lộng hành

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Trần Hùng, Cục phó Cục QLTT kiêm Phó Chánh văn phòng Ban 389 (Ban chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), chia sẻ, hiện có nhiều ban, ngành phối hợp chống hàng lậu, hàng gian, hàng giả. Đầu tư xây dựng kho bãi lưu giữ hàng hóa; chi phí quản lý, theo dõi, tiêu hủy các sản phẩm nhập lậu luôn cần những khoản ngân sách lớn. Tuy nhiên, số lượng mỹ phẩm, rượu bia, thuốc lá, sữa, sản phẩm dinh dưỡng… nhập lậu dường như chưa có dấu hiệu giảm. Điều này gây tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng, vì nguy cơ chọn nhầm hàng nhập lậu, hàng hóa có nguồn gốc không rõ ràng là rất cao.

Vì thế, để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, các mặt hàng nhập lậu, trôi nổi ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng cần phải bị tiêu hủy khi phát hiện, như rượu, bia, thuốc lá lậu. Đơn cử, cuối tháng 3-2015, Đội QLTT số 5, Chi cục QLTT TP Hà Nội phối hợp Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an tiêu hủy hơn 7 tấn mỹ phẩm nhập lậu, quá hạn sử dụng. Hay trong tháng 4-2015, Chi cục QLTT TPHCM đã đề xuất tiêu hủy hơn 28.000 sản phẩm kem thoa mặt, kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc, kem tẩy trắng, sữa rửa mặt, sữa tắm, son môi... trôi nổi.

Người tiêu dùng chọn mua sữa chính hãng

Lúng túng xử lý

Dẫu vậy, việc xử lý các mặt hàng sữa và sản phẩm dinh dưỡng nhập lậu, trôi nổi, không rõ nguồn gốc còn nhiều lúng túng. Theo quy định xử lý hàng lậu, hàng trôi nổi, nhóm hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng cần phải bị tiêu hủy. Điều 25, Mục 3, Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, nêu rõ: thực phẩm chức năng nhập khẩu, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng… không có giấy phép lưu hành hoặc chứng nhận y tế theo quy định, ngoài việc bị phạt 15 - 20 triệu đồng, còn bị buộc tái xuất, tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Thế nhưng, theo đại diện Ban 389, một số lượng lớn sản phẩm sữa Ensure nước nhập lậu đã bị phát hiện, lưu kho trong thời gian qua, nhưng đến nay vẫn chưa bị tiêu hủy. Truyền thông đã có lần đề cập đến khả năng các sản phẩm này bằng cách này hay cách khác quay lại thị trường. “Các sản phẩm nhập lậu này thường không có nguồn gốc rõ ràng, khâu vận chuyển và bảo quản cũng hoàn toàn không được đảm bảo. Chưa kể, nếu bị lưu giữ trong thời gian khá lâu, nhiều sản phẩm có thể quá hạn sử dụng”, ông Trần Hùng cảnh báo.

Để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam, Công ty Abbott, nhà sản xuất sữa Ensure nước, đã gửi công văn đề nghị hỗ trợ việc tiêu hủy các sản phẩm nhập lậu bị bắt giữ, nhưng hiện vẫn chưa nhận được sự hồi đáp từ cơ quan chức năng. Đại diện Công ty Abbott, ông Đỗ Thái Vương cho biết: “An toàn của khách hàng và chất lượng của sản phẩm luôn là ưu tiên của chúng tôi. Abbott khuyến nghị khách hàng chỉ nên sử dụng sản phẩm chính hãng, do Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A - nhà phân phối chính thức tại Việt Nam, nhập khẩu và cung cấp. Những sản phẩm này có thể dễ dàng được nhận biết bởi tên của Công ty 3A được in hoặc dán trên nhãn”.

“Sữa nước Ensure là sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt được nhiều người chọn mua, người cần bổ sung dinh dưỡng nhanh như người già, người bệnh, người mới trải qua phẫu thuật… Các sản phẩm này lại dễ bị tác động bởi những tác nhân ngoại cảnh nếu quá trình vận chuyển lưu thông không đúng cách. Vì vậy, tôi rất lo ngại trước thông tin nhiều vụ sữa Ensure lậu bị tạm giữ, nhưng chưa biết tiêu hủy ra sao. Nếu các sản phẩm này bị rò rỉ ra thị trường, tôi càng hoang mang hơn. Nếu mua sữa dinh dưỡng để uống, mà kết quả nhận lại là sức khỏe bị ảnh hưởng thì đúng là thiệt hại kép”, chị Mai Anh (nhân viên văn phòng tại quận 1, TPHCM) tâm tư. Đó cũng là lo ngại chung của người tiêu dùng hiện nay.

NGỌC QUỐC

Tin cùng chuyên mục