Thử nghiệm mới?
Những hình ảnh được đăng tải trên trang mạng của CSIS về xưởng đóng tàu Sinpo của Triều Tiên cho thấy nhiều tàu bên trong một vịnh nhỏ được bảo vệ. Một trong số những tàu nói trên được sử dụng để lai dắt một bệ sà lan thử nghiệm ngầm ra biển. CSIS cho rằng, hoạt động trên “cho thấy khả năng, nhưng chưa khẳng định, về các công tác chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo Pukguksong-3 được phóng từ tàu ngầm trên bệ sà lan thử nghiệm ngầm”.
Tháng 10 năm ngoái, Triều Tiên tuyên bố nước này đã thử thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukguksong-3. Washington nhận định tên lửa này tiềm ẩn mối đe dọa trực tiếp đối với lãnh thổ của Mỹ, đồng thời kêu gọi áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ năng lực SLBM của Triều Tiên. Quân đội Hàn Quốc cho biết, Pukguksong-3 thử nghiệm năm ngoái đã bay xa 450km và đạt độ cao 910km. Tên lửa đạn đạo Pukguksong-3 được cho là có tầm bắn hơn 2.000km, xa hơn các phiên bản trước đó. Giới chuyên gia cảnh báo các tàu ngầm của Triều Tiên có thể triển khai những cuộc tấn công bất ngờ, và vụ phóng vào tháng 10-2019 cũng cho thấy năng lực phóng tên lửa có đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên.
Triều Tiên được cho là đang xúc tiến các hoạt động chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm trọng đại 75 năm ngày thành lập đảng Lao động cầm quyền vào ngày 10-10 tới. Thường cứ mỗi 5 năm hoặc 10 năm, nước này lại kỷ niệm các ngày lễ lớn bằng những sự kiện quy mô như duyệt binh, thử tên lửa, phô diễn vũ khí chiến lược mới được phát triển và các khí tài quân sự khác.
Phản ứng từ Mỹ
Tại cuộc họp báo ngày 4-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, việc Triều Tiên không thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và hạt nhân kể từ năm 2017 như một thành công từ chính sách ngoại giao của ông. Theo ông Donald Trump, Triều Tiên đã thử nghiệm Pukguksong-3 vào tháng 10-2019 nhưng không vượt qua ranh giới đỏ.
Theo Sputnik, đầu tháng 9, các bộ: Ngoại giao, Thương mại và Tài chính Mỹ đã đưa ra một báo cáo cho biết, có “các vụ mua sắm của Triều Tiên thông qua các kỹ thuật lách cấm vận nhằm hỗ trợ chương trình tên lửa đạn đạo của nước này”. Theo báo cáo, “Triều Tiên sử dụng một mạng lưới đại lý thu mua rộng khắp ở nước ngoài, bao gồm các quan chức hoạt động từ các cơ quan đại diện ngoại giao hoặc văn phòng thương mại của Triều Tiên, cũng như công dân nước thứ ba và các công ty nước ngoài. Điều quan trọng là các công ty và cá nhân trong khu vực tư nhân phải nhận thức được các hạng mục chính mà các chương trình vũ khí của Triều Tiên tìm kiếm, các chiến thuật và kỹ thuật mua sắm của Triều Tiên, những rủi ro khi tham gia vào các hoạt động mua sắm liên quan đến tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và những hậu quả tiềm tàng mà họ phải đối mặt”.
Mạng Defense News dẫn lời Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Lee Soo-hyuck cho biết, Triều Tiên có thể sẽ đợi cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ để mở lại các cuộc đàm phán với Washington về kho vũ khí hạt nhân của nước này. Ông Lee cho biết, Bình Nhưỡng hiện tại đã đóng cửa đối thoại với Seoul. Ông Lee thừa nhận, Bình Nhưỡng đang tiếp tục các nỗ lực hạt nhân, nhưng vẫn duy trì lệnh cấm các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ thực hiện các thỏa thuận với Triều Tiên “rất nhanh chóng” nếu được bầu lại vào ngày 3-11. Đối thủ đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, tuyên bố sẽ không tiếp tục ngoại giao cá nhân của ông Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, và sẽ tập trung nhiều hơn vào chính sách ngoại giao toàn diện hoặc cô lập Triều Tiên thông qua các lệnh trừng phạt.