Xứ Thanh hấp dẫn những người lần đầu đặt chân đến ngay từ khi máy bay đang hạ cánh. Cảnh non nước hữu tình trải ra dưới cánh máy bay với dòng sông Mã uốn lượn quanh những xóm làng trù phú bên cánh đồng lúa xanh mượt mà. Ngay đêm đầu tiên, Thanh Hóa đã đánh thức tâm hồn của du khách bằng những giai điệu hào hùng của những câu hát hò sông Mã được phát qua loa phóng thanh ngay trung tâm thành phố, nơi có tượng đài người anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Đầu đường Lê Lợi dẫn vào trung tâm TP Thanh Hóa có một tượng đài cao vút với mô phỏng những cánh chim Lạc trên họa tiết của trống đồng Đông Sơn
1. Trong âm hưởng đó, chúng tôi đã tìm đến cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 6km, một bên là núi Ngọc còn bên kia là núi Hàm Rồng. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hàm Rồng được xem như một cây cầu huyết mạch trên tuyến quốc lộ 1 nối xứ Thanh với các tỉnh phía Nam nên nơi đây từng là một trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ nhằm chặn đứng con đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhưng bom đạn của kẻ thù không dập tắt được ý chí độc lập tự do có từ thời cha ông xưa. Biết bao tấm gương chiến đấu kiên trung, hy sinh oanh liệt để thông đường cho xe băng ra tiền tuyến được lưu danh. Trong đó, phải kể đến lực lượng nữ Thanh niên xung phong Thanh Hóa mà ngày nay đã được dựng tượng đài sừng sững bên núi Hàm Rồng. Một lần đi đến nơi này sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử, thêm yêu, thêm quý đất nước mình.
Những năm gần đây, Thanh Hóa đã cho xây 2 cây cầu nữa vượt sông Mã: Cách Hàm Rồng khoảng 400m là một cầu bê tông vĩnh cửu Hoàng Long uy nghi nối đôi bờ sông Mã với xe cộ qua lại đông đúc suốt ngày đêm và xa hơn một chút về phía Đông là cầu Nguyệt Viên nằm trên tuyến tránh quốc lộ 1A qua trung tâm thành phố trông giống một cái nơ buộc trên nền dải lụa xanh là dòng sông Mã.
Ngay trung tâm thành phố là hồ Thành - một cái tên gợi nhớ Lam Kinh xưa. Hồ không lớn, chỉ bằng khoảng một nửa so với hồ Gươm nhưng cũng là hồ tự nhiên được điểm xuyết bằng những hàng cây xanh cổ thụ rủ bóng bên hồ nên mang đến cho khách những cảm xúc rất riêng. Giữa hồ cũng có một đảo nhỏ cây cối um tùm và không ít người có liên tưởng đến hồ Gươm của Hà Nội.
Đường sá ở khu trung tâm được quy hoạch xây dựng khá bài bản, một số đường chính khá rộng, có dải phân cách ở giữa, trong đó trục đường xương sống kéo dài từ Đông sang Tây là đường Lê Lợi. Đầu đường là một tượng đài cao vút với mô phỏng những cánh chim Lạc trên họa tiết của trống đồng Đông Sơn và chính giữa đại lộ là tượng đài Lê Lợi uy nghi bên một quảng trường nhỏ mang tên người anh hùng (giao cắt với đường Trần Phú). Có thể xem đây như là trái tim của đô thị Thanh Hóa. Chỉ tiếc một chút là quảng trường có diện tích quá nhỏ so với toàn bộ diện tích, dân số của cả tỉnh Thanh Hóa nên rất khó để tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch xứng tầm.
Cắt ngang gần cuối đường Lê Lợi là đường Nguyễn Trãi uốn cong nhiều đoạn như chính cuộc đời gian truân của vị danh nhân văn hóa thế giới. Nhưng để bù lại, bên cạnh đường Nguyễn Trãi, đã đào một cái hồ nhân tạo vừa là hồ sinh thái, hồ cảnh quan cho một khu vực dân cư phía Đông Bắc của thành phố; vừa là điểm dạo chơi, vãn cảnh của một bộ phận người dân thành phố và phát huy tác dụng vào giữa mùa hè nóng nực này.
2. Cầm theo tấm bản đồ du lịch và đã có thêm một người địa phương cầm lái nhưng phải qua rất nhiều lần hỏi đường (vì nhiều ngã ba, ngã tư thiếu bảng chỉ dẫn hoặc bảng quá bé), chúng tôi mới đến được thành nhà Hồ, nằm cách trung tâm thành phố 47km về phía Tây, thuộc huyện Vĩnh Lộc. Di tích vốn đã trở thành phế tích này vẫn còn đó 4 cổng thành theo 4 hướng Bắc, Nam, Đông, Tây và tường thành hầu như không còn nguyên vẹn nhưng du khách tới thăm không khỏi ngạc nhiên về công trình mà người xưa để lại. Với phương tiện thô sơ, chỉ trong một thời gian ngắn mà đã huy động được đủ nhân công để tạo nên những bức tường thành vững chãi bằng đá nguyên khối nặng hàng chục tấn, cao hơn 3m đã là một kỳ tích.
Nằm cách thành khoảng gần 2km là đàn Tế trời (đàn Nam giao) của nhà Hồ. Đó là một khu đất khá bằng phẳng, nằm trọn trên một ngọn đồi thoai thoải về phía Đông Nam của thành xưa. Chúng tôi được chiêm ngưỡng giếng Vua (hay còn gọi là giếng Ngọc) vẫn còn khá nguyên vẹn và những nền đất được quây bằng đá, lát gạch Bát Tràng giúp người ta liên tưởng đến những lần vua đích thân cúng trời cầu cho quốc thái dân an.
Cạnh Vĩnh Lộc là huyện Thọ Xuân - quê hương của người anh hùng Lê Lợi, có di tích Lam Kinh, có đền thờ Lê Lai (huyện Ngọc Lặc) còn lưu giữ được nhiều nét cổ kính rêu phong, đang đợi du khách khám phá. Với nguồn tài nguyên văn hóa - lịch sử - tài nguyên du lịch phong phú, dường như với Thanh Hóa, du lịch mới chỉ đang trong giai đoạn khởi đầu nếu so với tầm vóc của những Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt, Đà Nẵng.
Đường sá từ TP Thanh Hóa đi các huyện phía Tây như Hậu Lộc, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa đã xuống cấp và để đến các di tích thời hậu Lê và nhà Hồ du khách phải mất khá nhiều thời gian. Một hạn chế nữa là khâu quảng bá, xúc tiến còn khá khiêm tốn đến thị trường tiềm năng của quốc gia là TPHCM và các tỉnh phía Nam. Số lượng khách sạn 3-4 sao quá ít mà chủ yếu ở dạng cơ sở lưu trú đủ tiêu chuẩn, nằm phần lớn tại thị xã Sầm Sơn, tỷ trọng khách quốc tế đến Thanh Hóa còn quá thấp, năm 2014 có 100.675 lượt khách, chỉ chiếm 2,2% trong tổng lượng khách đến đây.
Dù vậy, chúng tôi cũng cảm nhận được một vùng đất Thanh Hóa đang có bước chuyển mình mạnh mẽ để nỗ lực trở thành một thế lực mới của ngành du lịch Việt Nam. Một con đường đê sông Mã nối trung tâm thành phố với bãi biển Sầm Sơn đang trong giai đoạn thi công, một con đường mới từ sân bay Thọ Xuân về trung tâm thành phố cũng đang được thi công nhằm rút ngắn thời gian đi lại của du khách.
3. Trong hành trình về Thanh Hóa lần này, chúng tôi tìm về làng Anh Vinh 2 hay còn gọi thôn 2 - đội 2, xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa - một huyện miền biển nằm về phía Đông của tỉnh Thanh Hóa, giáp với thị xã Sầm Sơn. Trước đây, đi từ trung tâm thành phố về Hoằng Hóa phải đi vòng theo quốc lộ 1 nhưng nay với tuyến đường tránh thành phố và cầu Nguyệt Viên nối đôi bờ sông Mã thì khoảng cách được rút ngắn còn chưa đến 10km là đến cổng làng.
Cũng như nhiều làng quê khác đang trong tiến trình nông thôn mới, từ ngoài đường làng vào nhà là đường bê tông rộng 3m, còn đường chính trong làng đã được trải nhựa và các đường ngõ ngách đều được bê tông hóa rất khang trang. Nhà cửa đã được ngói hóa, trong đó có nhiều căn cao 2-3 tầng, được xây cất theo kiến trúc mới. Anh T. - một người sinh ra ở làng này vội giải thích rằng những nhà xây kiên cố phần lớn là do con cái đi làm ăn ở các nơi và đi xuất khẩu lao động gửi tiền về. Như nhà anh có 3 sào ruộng trồng lúa và 4 sào bãi, đất quanh nhà là của ông bà để lại có diện tích khoảng hơn 1.000m2 nên không có điều kiện xây nhà to bề thế như nhà bên cạnh có con đi hợp tác lao động ở nước ngoài.
Cách đây 5 năm, chương trình xây dựng nông thôn mới được khởi động và đã thổi một luồng sinh khí làm thay đổi hẳn diện mạo của xã Hoằng Thịnh. Điều ấn tượng đầu tiên với chúng tôi chính là đường sá đi lại giữa các thôn, các xóm đều đã được nhựa hóa hoặc bê tông với tổng chiều dài hơn 17km. Hệ thống kênh mương nội đồng dài gần 5km được kiên cố hóa, khiến bức tranh làng quê tươi sáng hẳn lên.
Tính đến cuối tháng 9-2015, xã đạt 15/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí còn lại về thủy lợi, trường học, nhà văn hóa và an ninh đang tiếp tục phấn đấu để đạt được. Vốn là địa phương có nghề truyền thống mây tre đan nên thời gian qua, nghề này cũng được quan tâm đầu tư tại xã bằng hình thức các tổ chức đoàn thể của xã đứng ra ủy thác vay tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua sắm máy móc, nguyên liệu, mở rộng sản xuất. Một số hộ như hộ anh Lê Văn Động ở thôn 4 còn lập cơ sở sản xuất, thu mua mây tre đan, kịp thời nắm bắt nhu cầu thị trường, mỗi tháng xuất bán hơn 100.000 sản phẩm, chủ yếu là rổ, rá bằng tre và túi xách du lịch bằng mây, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động tại chỗ. Nhờ đó, nghề mây tre đan của xã Hoằng Thịnh được duy trì và phát triển, giúp nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn có tay nghề đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Từ cuối năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định quy hoạch các điểm du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh, trong đó có làng nghề mây tre đan của xã Hoằng Thịnh. Và việc liên kết thêm các địa danh như cầu Hàm Rồng, núi Ngọc, Tượng đài nữ Thanh niên xung phong Thanh Hóa ở gần đó sẽ tạo ra một tuyến điểm du lịch văn hóa làng nghề - lịch sử nơi cuối nguồn sông Mã khá thú vị cho du khách khám phá.
VĂN PHONG